CÓ ĐÚNG LÀ PHÓ TẾ PHẢI QUỲ LÚC TRUYỀN PHÉP ?




Có đúng là phó tế phải quỳ lúc truyền phép?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, trong thánh lễ, có thích đáng như thế nào cho một phó tế (một phó tế vĩnh viễn hoặc một phó tế chuyển tiếp) quỳ xuống trước bàn thờ lúc truyền phép, như các tín hữu trong cộng đoàn quỳ? - C. B., Nouan-le-Fuzelier, Pháp.

Đáp: Giáo Hội gán một mức độ quan trọng nhất định đối với vấn đề tư thế trong phụng vụ. Quy chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói trong số 42:

"Cử chỉ và điệu bộ thân thể của vị tư tế, phó tế, các thừa tác viên, cũng như của giáo dân nhằm làm cho toàn bộ cuộc cử hành toát ra vẻ đẹp, sự thanh cao và đơn sơ, làm cho ý nghĩa thật sự và đầy đủ của các phần khác nhau được nhận thức và làm cho sự tham dự của mọi người được khuyến khích. Do đó, phải chú ý đến những gì được qui định bởi luật phụng vụ và thực hành truyền thống của Nghi Lễ Rôma, và những gì mang lại lợi ích thiêng liêng chung cho Dân Chúa hơn là ý thích riêng hay tùy tiện" (Bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxixô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Các quy chế riêng về thầy phó tế có thể được tìm thấy trong phần có tiêu đề "Thánh Lễ có thầy phó tế " trong các số GIRM 171-186.

Tư thế của thầy phó tế trong phần Kinh Nguyện Thánh Thể được quy định như sau:

"179. Trong phần kinh Tạ Ơn, thầy Phó tế đứng gần vị tư tế, phía sau một chút, để khi cần, giúp ngài mở chén, mở sách.

Từ lúc đọc kinh khẩn xin Chúa Thánh Thần cho đến khi nâng chén thánh, thường thì thầy phó tế quỳ. Nếu có nhiều phó tế, một thầy sẽ bỏ hương và xông hương lúc nâng bánh thánh và chén thánh sau truyền phép.

“180. Ðến vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn, thầy phó tế đứng cạnh vị tư tế, nâng chén thánh lên, đang khi vị tư tế nâng đĩa có Mình Thánh, cho đến khi giáo dân đã tung hô: "A-men" (Bản dịch, như trên).

Như vậy, thầy phó tế phải quỳ xuống khi linh mục truyển phép.

Tại thời điểm này, chỉ có linh mục hay các linh mục dâng hy lễ vẫn đứng. Điểm này được đề nghị, mặc dù không phải một cách rõ ràng, bởi GIRM, số 93:

"Là người trong Hội Thánh có quyền thánh chức để dâng hy lễ nhân danh Ðức Kitô, bởi đó có quyền chủ toạ cộng đoàn được quy tụ, linh mục điều khiển kinh nguyện, công bố Tin Mừng cứu độ, liên kết giáo dân với ngài để dâng hy lễ lên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, trao cho anh em mình bánh hằng sống và cùng hiệp lễ với họ. Vậy khi cử hành Thánh Lễ, ngài phải phục vụ Thiên Chúa và giáo dân cách trang nghiêm và khiêm tốn; trong cách cử hành và đọc Lời Chúa, ngài còn phải cho giáo dân cảm thấy sự hiện diện sống động của Ðức Kitô" (Bản dịch, như trên).

Trong thực tế, quy định của việc quỳ khi linh mục truyền phép cũng áp dụng cho một giám mục hay các linh mục khác, khi các vị tham dự thánh lễ nhưng không đồng tế.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thầy phó tế luôn chọn tư thế của các tín hữu. Ví dụ, ở một số quốc gia, việc thực hành quỳ là khác nhau, như đã đề cập trong GIRM, số 43:

"Tuy nhiên, Hội Ðồng Giám Mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Thường Lễ của Sách Lễ Rôma, sao cho phù hợp với cách cảm nghĩ của mỗi dân tộc. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh Lễ. Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, và quỳ trước phần Rước lễ khi linh mục đọc Ecce Agnus Dei, thì đó là điều đáng khen nên duy trì” (Bản dịch, như trên).

Trong các trường hợp này, thầy phó tế giúp lễ không làm theo tư thế của các tín hữu, và chỉ quỳ trong thời gian được đề cập trong GIRM, số 179. Bởi vì nếu thầy làm như vậy, thầy sẽ không thể thực hiện một số công việc riêng của phó tế, chẳng hạn như giúp linh mục mở trang sách, và sẵn sàng cầm chén thánh vào thời điểm của Vinh tụng ca.

Cuối cùng, nếu cần thiết để lấy cất tấm đậy chén thánh, thầy phó tế làm như vậy ngay trước khi truyền phép, rồi quỳ xuống. (Zenit.org 3-6-2014)

Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
Nguồn tin: Vietcatholic.org

GIÁO HỘI KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT ĐẾN CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

Giáo hội không thể không biết đến các phương tiện truyền thông xã hội

WHĐ (04.06.2014) – Phương tiện truyền thông xã hội có thể phơi bày điều tồi tệ nhất trong con người, và ngay cả các tweet được rất nhiều người đọc của Đức giáo hoàng Phanxicô cũng phải hứng chịu những lời bình ​​xấu xa. Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói rằng Giáo hội Công giáo không thể bỏ qua những cơ hội Phúc Âm hoá Internet mang lại.

Trong một buổi họp báo hôm thứ Năm 22-05, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội đã nói với các phóng viên: “Trong Giáo hội, chúng ta cứ đánh bắt cá trong hồ, quên rằng còn có rất nhiều cá ở bên ngoài.

“Nếu Giáo hội không tham gia lĩnh vực truyền thông xã hội, thì rốt cuộc chúng ta sẽ nói chuyện với chính mình.

Trong bài nói chuyện tại buổi cử hành Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội của giáo phận Brooklyn (New York, Hoa Kỳ) hôm thứ Năm 29-05 vừa qua –ngày lễ Chúa Thăng thiên–, Đức Tổng giám mục Celli công nhận rằng các diễn đàn truyền thông xã hội có thể kích động các cuộc tấn công cá nhân và gây chia rẽ hơn là xây dựng cộng đoàn.

Chẳng hạn –nói với các giám đốc điều hành phương tiện truyền thông kỹ thuật số tại New York hôm thứ Tư 28-05–, Đức Tổng giám mục Celli cho biết Toà Thánh đã bác bỏ yêu cầu của Facebook đề nghị thiết lập một trang Facebook cho Đức giáo hoàng Phanxicô, việc đọc các lời bình bất nhã trên Facebook rất vất vả. Ngài nói rằng các nhân viên Toà Thánh đã dành thời gian “dọn dẹp” trang Facebook để chăm sóc cổng thông tin của Vatican; họ xoá bỏ những lời bình thô tục và để lại những lời bình lịch sự.

Đức Tổng giám mục Celli nói rằng những phản hồi bất nhã trên Twitter thì ít nổi bật nên cũng ít cần phải để ý. Đức giáo hoàng có 4 triệu follower cho tài khoản @Pontifex và Đức Tổng giám mục Celli nói những ước tính dè dặt cho thấy: qua các tweet lại và các hình thức chia sẻ khác, có khoảng 60 triệu người đã đọc các tweet của Đức giáo hoàng – thường được gửi đi mỗi ngày một lần bằng chín thứ tiếng.

Đức Tổng giám mục Celli nói: “Chúng ta không ngây thơ về những mối nguy hiểm của các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng khi gia nhập lĩnh vực này, chủ yếu bạn phải nhìn vào khía cạnh tích cực. Ngài coi phương tiện truyền thông xã hội như một lục địa kỹ thuật số Giáo hội phải ứng xử như miền đất truyền giáo.

Khi được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm đứng đầu Hội đồng Toà Thánh về Truyền thông Xã hội vào năm 2007, Đức Tổng giám mục Celli đã thúc đẩy Vatican nắm bắt các phương tiện truyền thông mới.

Đức Tổng giám mục Celli nói rằng có điều giống như xảy ra “khủng hoảng khi Toà Thánh khai trương tài khoản Twitter của Đức giáo hoàng Bênêđictô vào năm 2012, vì lo ngại sẽ có những chỉ trích trên mạng. Ngài nói rằng thực tế số lượng các ý kiến ​​tiêu cực trên Twitter đã tăng mạnh trong năm cuối cùng của triều đại Đức Bênêđictô khi ngài phải đối mặt với một loạt các bài báo về những bê bối ở Vatican.

Nhưng Đức Tổng giám mục Celli nói giọng điệu đã thay đổi đáng kể dưới thời Đức giáo hoàng Phanxicô, mà ngài cho rằng phần nào do sự hăng hái của vị tân giáo hoàng trong việc truyền thông bằng mọi phương tiện có thể. Ngài nói rằng sự cởi mở với truyền thông rõ ràng phản ánh quan điểm của Đức giáo hoàng Phanxicô về Giáo hội.

Đó là một Giáo hội Công giáo luôn mở cửa cho mọi người. Cánh cửa mở ra để những ai muốn vào đều vào được, bất kể hoàn cảnh sống của họ”.

Chìa khoá cho người Công giáo, Đức Tổng giám mục Celli nói với cử toạ, là chìa má bên kia khi bị tát má này. Sự hiện diện của chúng ta (trong lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số) sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta là những chứng nhân đích thực cho đức tin của mình”.

(Theo David Gibson, Huffington Post)
 
Minh Đức
Nguồn tin: http://www.hdgmvietnam.org