CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
Hãy đổi đời!
Phó tế. Louis Hồ Trọng Hưng
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Không biết quý cộng đoàn có đồng ý với con không chứ con thấy: là người Công giáo đôi khi thấy cũng khác người và nhiều thiệt thòi. Trong khi giờ này người ta vui chơi càfe sáng với bạn bè người thân thì mình đến nhà thờ tham dự thánh lễ; trong khi chiều chiều tối tối người ta giải trí bên chiếc Tivi sau một ngày làm việc mệt nhọc thì chúng ta lại quần áo chỉnh tề đến nhà thờ đọc kinh dự lễ. Thấy thì vô lý, thế nhưng mọi việc làm đều có cái lý của nó. Và cái lý của những hy sinh của chúng ta chính là nhằm đạt đến Nước Trời. Như Thánh Phaolô đã nói: là một tay đua, muốn dành được phần thưởng trong cuộc đua thì trong khi tập luyện họ phải kiên cử đủ điều. Và Nước Trời cũng vậy. Thế thì Nước Trời là gì, kính thưa quý ông bà và anh chị em? Quả thật đây một câu hỏi khó, bởi lẽ trong chúng ta đâu có ai đã từng lên đó rồi về mà kể lại. Thế nhưng, đối với chúng ta thì thật là diễm phúc, bởi vì chúng ta đã được đích thân Đấng từ Trời xuống là Đức Giêsu Kitô nói về những điều bí ẩn đó. Và hôm nay, các bài đọc Lời Chúa cụ thể nơi bài đọc I và bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy được thế nào là Nước Trời và để trở thành công dân của Nước ấy, con người cần phải làm gì?
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh rất gần gủi với mỗi người chúng ta đó là tiệc cưới để mô tả về Nước Trời. Khi nghe đoạn Tin Mừng này, quý ông bà và anh chị em có thấy điểm gì vô lý không? Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít. Mà đang khi đó thì những người ngồi ăn thật đông lại chỉ có mỗi một người lại bị đuổi ra thôi. Điểm này đáng lẽ phải nói ngược lại : người được chọn thì nhiều nhưng người bị loại thì ít mới đúng. Còn một vô lý khác nữa, ở chỗ là đang khi không ra ngoài đường vơ vét hết tất cả mọi người bất luận xấu tốt: xin lỗi quý cộng đoàn chứ gặp ngay phải một người mặc quần soọt, áo ba lỗ chạy thể thao ngoài phố cũng kéo vô rồi lại bắt lỗi người ta vào đây mà không mặc y phục lễ cưới. Nghe thì cũng tức cười, nhưng không phải vậy đâu quý ông bà và anh chị em.
Ở đây không phải một dụ ngôn mà là hai dụ ngôn: dụ ngôn thứ nhất bắt đầu từ câu số 1 đến hết câu số 10. Dụ ngôn này Thiên Chúa có ý muốn nói là Thiên Chúa đã mời gọi dân của Ngài. Chúa đã sai các tiên tri, Chúa Giêsu - Con Thiên Chúa cũng được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để mời gọi mọi người trở về với đường lối của Thiên Chúa, thế nhưng mọi người đều từ chối hết. Và khi dân Do thái được coi như là dân riêng của Chúa từ chối lời mời gọi của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa mời gọi tất cả các dân ngoại đến dự tiệc. Và Nước trời đã mở ra cho muôn dân chứ không phải cho một dân. Như thế, bữa tiệc linh đình vốn dành cho khách quý nay trở thành bữa tiệc cho mọi người mà các đầy tớ tình cờ gặp ngoài đường phố. Đúng như lời Chúa đã nói: “Từ phương đông, phương tây, nhiều người sẽ dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaác và Giacóp...”
Còn dụ ngôn thứ hai từ câu 11: nhà vua tiến vào phòng tiệc và quan sát khách dự tiệc cho đến hết câu 14 : kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít. Dụ ngôn thứ hai này nhắm vào mục đích là: lời mời gọi của Thiên Chúa được gửi đến tất cả chúng ta, và khi mình đáp lại để vào dự tiệc cưới đó thì mình không chỉ đáp lại bằng môi miệng mà phải đáp lại bằng cả con người và chính cuộc sống của mình nữa. Cho nên qua hình ảnh y phục lễ cưới Chúa muốn ngụ ý là sự đáp lại bằng cả con người, cả cuộc sống của mình. Mình đi dự Tiệc Cưới, là dự một bữa Tiệc thực sự chứ không phải vào đó để cho vui. Cho nên chúng ta tạm hiểu câu nói của Chúa Giêsu : “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” có nghĩa là: Thiên Chúa kêu gọi người ta nhiều lắm, nhưng mà số người đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, và đáp trả cho đến tận cùng – là cho đi tất cả con người tội lỗi của minh thì có lẽ không nhiều.
Nhìn lại bản thân của mỗi người chúng ta, là dân ngoại, nhưng được Thiên Chúa yêu thương mời gọi và đưa vào phòng tiệc của Ngài – là Thiên Đàng, để cùng với Ngài hưởng dùng một bữa tiệc thịnh soạn, do chính tay Ngài thết đãi: “tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.” Vì thế, niềm hạnh phúc này chúng ta không thể dành riêng cho mình được và cũng không thể im lặng, nhưng chúng ta cũng hãy cùng với Thánh Phaolô dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tạ ơn, như ngài đã làm khi ngài nhận được sự quảng đại giúp đỡ của cộng đoàn dân Chúa tại Philliphê trong công cuộc truyền giáo của ngài: “Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời ! A-men.”
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, khởi sự cho đời sống hạnh phúc Thiên Đàng nơi trần thế này, không đâu xa hết, nhưng chính là được gia nhập Hội Thánh qua Bí Tích Rửa Tội. Và mỗi người Kitô hữu chúng ta đang được diễm phúc đó. Thế nhưng, có người đã vào phòng tiệc mà vẫn bị mời ra, vì không mang y phục lễ cưới. Với hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn đưa ngón tay đầy yêu thương của Ngài gõ vào cánh cửa tâm hồn mỗi người chúng ta để nhắc nhớ từng người trong chúng ta rằng : Này con! con đã được Ta khoát cho con chiếc áo trắng, trong ngày con chịu Phép Rửa Tội, và con đã hứa với Ta giữ trọn chiếc áo trắng đó cho sạch, cho tinh tuyền để đến ngày sau hết con mặc nó ra trước mặt Ta, và cứ dấu chỉ đó Ta sẽ nhận ra con. Thế nhưng, chiếc áo đó của con giờ nay đang ở đâu? Con đang nhét nó nơi xó xỉnh nào? Hãy moi móc nó ra, giặt cho sạch, ủi cho thẳng và mặc nó vào. Tức là hãy đổi đời: thanh tẩy con người cũ, mặc lấy con người mới nơi Tòa Giải Tội; tập ăn tiệc với Chúa mỗi ngày nơi Bí Tích Thánh Thể. Để ngày sau hết cùng với Chúa Giêsu và Mẹ Maria dự Tiệc Cưới hoan ca trên trời với Chúa. Amen.