THẬP GIÁ TRONG GIA ĐÌNH
*
Trong kiểu nói của Kitô giáo, thập giá tượng trưng cho những khốn khổ mà con người gặp phải trong đời sống, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: cùng cực về của cải vật chất, sự đàn áp bất công, các bệnh tật thể lý và tinh thần, những đau khổ, và sau cùng là cái chết. Tất cả những sự khốn khổ nầy là dấu chỉ cho thấy tình trạng yếu đuối của con người, sau tội đầu tiên của A-đam[1]. Gia đình của bạn, ít nhiều, cũng sẽ trải qua những tình huống của thập giá:
1. Bệnh tật:
Con người trong Cựu ước sống trong bệnh tật trước tôn nhan Thiên Chúa. Họ than thở với Thiên Chúa về bệnh tật của mình và xin Người, là Chúa sự sống và sự chết, chữa lành. Bệnh tật trở thành con đường hối cải, và ơn tha thứ của Thiên Chúa là khởi đầu việc chữa lành […] Có tiên tri đã thoáng nhận ra rằng đau khổ có thể có giá trị cứu chuộc đối với tội lỗi của những người khác (x.Is 53,11). Chúa Giêsu, vì lòng thương cảm đối với những người đau khổ, đã chữa lành nhiều người khỏi nhiều chứng bệnh khác nhau, để cho thấy Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người và sứ mệnh cứu độ ấy được trao cho Đức Giêsu Kitô. Người đến để chữa lành con người toàn diện, cả xác lẫn hồn[2].
Bệnh tật và đau khổ luôn luôn là những vấn đề nghiêm trọng nhất ảnh hưởng đến gia đình. Trong những cơn bệnh của chính mình hoặc của những thành viên trong gia đình đều làm cho bạn lo lắng, buồn phiền, khép kín, thất vọng và phàn nàn kêu trách Chúa. Nhưng nó cũng có thể làm cho bạn chín chắn hơn, giúp bạn phân định điều gì không phải là chính yếu trong đời sống, để quay về với điều chính yếu. Bệnh tật rất thường gợi lên sự hiểu biết về Thiên Chúa, gợi lên sự trở lại với Người[3].
Một đứa con bệnh tật đau khổ, là một biến cố gây xáo trộn đối với gia đình và làm cho gia đình rúng động cách sâu xa. Đau khổ biết bao cho bạn là cha mẹ khi biết đứa con mình sắp sinh ra bị dị tật, khiếm khuyết một phần cơ thể, hoặc đứa con yêu quý của mình nay đau mai ốm, không có tương lai. Những hoàn cảnh ấy, bạn hãy khám phá ý nghĩa sâu xa của đau khổ, và cầu xin Chúa cho mình được can đảm chấp nhận và “phát huy lòng quý chuộng đối với phẩm giá ngôi vị của nó, cũng như phát huy sự kính trọng thật lớn lao đối với những quyền lợi của nó, những quyền lợi mà người ta phải phục vụ một cách quảng đại. Đó là điều phải dành cho tất cả mọi đứa con, mà quan trọng nhất là đứa con nhỏ tuổi hơn, đang cần đủ mọi thứ, hoặc đối với đứa con bị đau yếu hay tàn tật”[4].
Bệnh tật cũng sẽ đến với chồng hay vợ, làm ngưng trệ hay mất đi sự cung ứng về tài chính, làm xáo trộn trật tự trong gia đình và có thể đưa gia đình đến cảnh mâu thuẫn, khốn cùng hoặc ly tán. Đây là thử thách lớn của đời sống hôn nhân gia đình. Lúc ấy, bạn hãy nhớ lại lời cam kết mà vợ chồng đã long trọng phát biểu trước cộng đoàn là “hứa giữ lòng chung thủy…khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khỏe cũng như lúc đau yếu”[5].Khi cam kết như thế, bạn ý thức rằng mình không đánh giá người bạn đời theo tiêu chuẩn sản xuất, lợi nhuận, để thực hiện một hợp đồng; nhưng là thực hiện một giao ước yêu thương đặt trên tiêu chuẩn ngôi vị, tình yêu và đức tin, để giúp nhau hoàn thành ơn gọi của mình, bất chấp mọi cảnh ngộ. Đây chính là lúc vợ chồng cần đến nhau nhất; đây chính là lúc tình yêu chân thật và lòng chung thủy được biểu lộ sâu xa nhất; đây chính là lúc lòng đạo đức đích thực được biểu lộ trong cuộc sống gia đình.
Bạn hãy phó thác cho Chúa những đau khổ của gia đình. Người sẽ cho cơ hội được chữa lành nếu là điều đẹp lòng Chúa hoặc sẽ tăng thêm sự can đảm để bạn cùng với bệnh nhân vượt qua được những thử thách của tình yêu vợ chồng và đời sống đức tin.
2. Vô sinh
Nỗi đau khổ của những đôi phối ngẫu kết hôn mà không thể sinh con thật to lớn. “Ông Áp-ra-ham thưa: Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái”(St 15,2). Bà Ra-khen nói với chồng mình là Gia-cóp: cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!” (St 30,1)[6].
Nếu gia đình bạn gặp phải trường hợp nầy, thì đừng bao giờ coi đó là một điều bất hạnh, hay một hình phạt của Chúa, để rồi thất vọng hay phàn nàn kêu trách, làm tăng thêm nỗi khổ cho gia đình. Sự vô sinh là do những nguyên nhân thể lý nơi người vợ hoặc người chồng, gây nên bởi bệnh tật, tai nạn hoặc di truyền. Đó là một trục trặc, một sự cố tự nhiên. Tin Mừng cho thấy sự vô sinh thể lý không phải là một điều xấu tuyệt đối. Đôi phối ngẫu, sau khi đã tận dụng mọi trợ giúp chính đáng của y khoa, vẫn phải chịu nỗi đau khổ vô sinh, hãy kết hợp với thập giá của Chúa, là nguồn mạch mọi sự sinh sôi nảy nở thiêng liêng. Bạn có thể nói lên lòng quảng đại của mình, bằng cách nhận làm nghĩa tử những đứa trẻ bị bỏ rơi và bằng cách tham gia việc phục vụ tha nhân[7]. Hãy tránh tất cả những hình thức thụ tinh nhân tạo, mang thai và đẻ mướn trái với giáo huấn của Giáo Hội. Bạn hãy tư vấn các linh mục có khả năng và trách nhiệm về vấn đề nầy[8].
Bạn hãy luôn suy gẫm lời Chúa Giêsu trả lời cho những người thuộc phái Sa-đu-cê-ô: “Quả thế, trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời” (Mt 22,23-33). Chúng ta sẽ sống lại và sống cuộc sống vĩnh hằng, không còn chết nữa. Vì thế, không nhất thiết phải có con cái để lưu truyền nòi giống.
3. Con cái hư hỏng
Con cái là niềm vui, là hạnh phúc của cha mẹ, nếu là đứa con tốt lành, thành đạt; nhưng cũng có thể là nỗi đau và nhục nhã cho cha mẹ, nếu là đứa con hư hỏng. Cha mẹ nào cũng muốn mình có được những đứa con tốt, hiếu thảo. Điều nầy có được không phải hên xui, cũng không phải hoàn toàn do Trời, như người ta thường nói để bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của mình khi có đứa con hư: cha mẹ sinh con, Trời sinh tính.
Sự hình thành về nhân cách, về đức tin tùy thuộc, hầu như quyết định, do sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ ngay từ khi còn thơ bé. Con cái khi còn thơ bé giống như một tờ giấy trắng có thể ghi bất cứ điều gì tốt xấu, và đã ghi rồi thì khó lòng xóa bỏ hết dấu vết. Vì thế cha mẹ hãy giáo dục con cái cả đời sống nhân bản và đức tin bằng gương sáng, bằng thông truyền sự tốt lành của mình, bằng bầu khí an bình, yêu thương, tín nhiệm và đạo đức trong gia đình. Trong nhiệm vụ nầy, người mẹ đóng vai trò quan trọng. Vì thế, người mẹ đừng lơ là trong vấn đề nầy. Không quan tâm giáo dục, uốn nắn ngay từ khi còn bé, con cái sẽ dần dà lây nhiễm những thói xấu của xã hội, của bạn bè, của phim ảnh và khi đã hư hỏng thì khó sửa được. Gặp trường hợp có một đứa con hư hỏng, bạn hãy tìm nguyên nhân và khắc phục loại bỏ những nguyên nhân ấy; nhẹ nhàng và đầy yêu thương nhắc bảo con cái; tin tưởng cầu nguyện xin Chúa đưa nó trở về. Hãy noi gương bà thánh Mô-ni-ca: suốt 20 năm đã theo dõi, nhắc bảo và cầu nguyện cho đứa con hư của mình là Au-gút-ti-nô. Bà đã đạt kết quả: đứa con trở về làm lại cuộc đời và trở nên vị thánh lớn trong Giáo Hội.
4.Thất bại trong công việc
Thất bại trong công việc, như: thất nghiệp, trù định sai công việc, hoàn cảnh thiên nhiên không thuận lợi, sự lừa đảo của người khác…cũng là những đau khổ lớn cho gia đình.
-Tài chánh luôn là yếu tố quan trọng cho sinh hoạt bình thường của gia đình. Ngày nào đó vợ chồng thất nghiệp, không có công ăn việc làm, hoặc thua lỗ, thất bại trong kinh doanh, trong việc làm ăn, gia đình sẽ bị đe dọa. Thất nghiệp làm tổn thương phẩm giá và đe dọa sự quân bình của đời sống của cá nhân và gia đình[9]. Thua lỗ trong kinh doanh, trong làm ăn do hoàn cảnh sẽ tạo nên khủng hoảng trong gia đình và có khi vì thế mà gia đình sụp đổ, ly tán. Đây là những thập giá mà bạn phải gánh vác.
-Nhưng trong mọi lúc, bạn phải nhớ rằng đau khổ trong cuộc đời là lẽ bình thường, cũng như: biển nào mà không có sóng, ruộng nào mà không có cỏ, ngày nào mà chẳng có đêm.Vì thế, trong những hoàn cảnh đau thương, hãy can đảm đứng lên, bạn có thể gầy dựng lại mọi sự tốt đẹp: sau cơn mưa trời lại sáng.
-Tiền bạc là cần thiết cho đời sống xã hội, nhưng nó sẽ trở nên ông chủ xấu nếu bạn để nó điều khiển và quyết định những công việc mình làm. Đồng tiền chứa đựng những điều thật tốt đẹp cũng như những điều thật ghê tởm[10]. Vì thế, những khi thất bại về tiền bạc, bạn hãy coi như cơ hội tốt để tập chấp nhận hoàn cảnh cách tích cực và giũ bớt lòng tham lam bụi đời. Đời sống tinh thần và thiêng liêng của bạn sẽ lớn lên, sẽ trưởng thành qua những cơ hội quý báu nầy.
5. Khủng hoảng tình cảm
Thời gian đầu của đời hôn nhân thường tốt đẹp, nhưng rồi càng ngày gia đình càng đối diện với những khó khăn thực tế, với áp lực công việc…khiến mệt mỏi, tính xấu cũng dần dà xuất hiện, sinh ra những bất đồng, mâu thuẫn; sự đối kháng nhau trong sở thích, nhu cầu, phương cách giáo dục con cái; sự không tương hợp về nhu cầu sinh lý… ban đầu thì nhỏ rồi sau thì nặng nề, đưa đến việc lạnh nhạt tình cảm với nhau, xa nhau trong không gian gia đình, rồi có thể đưa đến việc tìm an ủi tình cảm của người thứ ba. Tình trạng nầy kéo dài có thể đưa đến ngoại tình, ghen tương và đổ vỡ.
Các nguyên nhân đại loại như thế nếu không loại bỏ ngay từ đầu có thể gây bùng nổ. Vì thế, điều quan trọng là khi đứng trước những tình huống ấy, vợ chồng phải bình tĩnh, biết trao đổi với nhau bằng những lời lẽ xây dựng có tình có lý, có tôn trọng và hướng tới hòa giải, tìm giải pháp để bảo vệ tình yêu. Hãy nhớ tới con cái và vì lợi ích, tương lai của chúng, mà mỗi người quên đi những mâu thuẫn, bất hòa; hãy nhớ tới lời thề ước ban đầu khi yêu nhau để làm lại giao ước yêu thương; hãy nghiêm túc chất vấn bản thân mình sau mỗi lần tranh luận, xích mích cãi cọ; nhất là hãy phó dâng tất cả cho Chúa với đức tin và lòng thành khẩn xây dựng gia đình.
Thánh Phaolô đã tóm kết kinh nghiệm sống chung hòa hợp, như sau: “Như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại,chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người nầy có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em,anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là giây ràng buộc mọi điều toàn thiện” (Cl 3,12-17)[11].
Lm Anphongsô Nguyễn công Vinh
Nguồn: http://gpphanthiet.com
[1] x.Sách GLCG số 2448.
[2] Id. số 1502,1503.
[3] Id. số 1500.
[4] Gioan-Phaolô II, FC 26.
[5] x. Nghi thức Hôn Phối.
[6] x.GLCG số 2374.
[7] x.id. số 2379.
[8] x.Nuyễn Công Vinh, Tìm Hiểu Giáo Luật về Hôn Nhân và Gia Đình, Tập 2, NXB Tôn Giáo, 2009, tr.74-79.- Giải Đáp Thắc Mắc Tình Yêu và Gia Đình, NXB Tôn Giáo, 2006, tr. 107.
[9]x.GLCG số 2436.
[10] x.Nguyễn công Vinh, Trẻ mãi không già, NXB Tôn Giáo, 2012, tr.89
[11] x.Nguyễn công Vinh, Giải Đáp ThắcMắc Tình yêu và Gia đình, NXB Tôn Giáo 2006, tr.78-81.