SUY TƯ VỀ TÂN LINH MỤC

SUY TƯ VỀ TÂN LINH MỤC

LTS: Ngày 09/05/2014, tại giáo xứ Cách Tâm, giáo phận Phát Diệm, Đức Cha Giuse Nguyễn Năng đã đặt tay truyền chức cho 4 tân linh mục. Nhân dịp này chúng tôi xin hợp mừng cùng các tân linh mục và cống hiến bạn đọc bài suy tư về chức vụ linh mục.

Mỗi khi có lễ truyền chức tân Linh mục, là lại có dịp cộng đồng dân Chúa nói đến vị thay mặt Chúa ở trần gian. Người ta gọi Ngài là Linh mục, nghĩa là người mục tử coi sóc đoàn chiên thiêng liêng. Danh hiệu mục tử là do chính Chúa Giêsu đã xưng nhận: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết chiên Ta và các chiên Ta biết Ta”, cả danh xưng thầy cả cũng xuất phát điểm từ Chúa Giêsu, khi Chúa dạy các tông đồ: “Dưới đất các con đừng gọi ai là thầy, vì các con chỉ có một thầy” (Mt 23,8) Như vậy, những danh xưng tặng cho các tân Linh mục đều xuất phát từ những danh xưng dành cho Chúa Giêsu. Vì thế, có người gọi Linh mục là Alter Christus – Chúa Giêsu thứ hai, một danh xưng gồm tóm được hết mọi danh xưng.

Người ta gọi Linh mục là thế nhưng nếu người ta xin ý kiến Chúa Giêsu về cách xưng hô thì chắc người ta sẽ ngạc nhiên vì câu trả lời của Chúa sẽ là câu Chúa đã trả lời cho hai anh em Giacôbê và Gioan: "Các người không biết các người xin gì ! Các người có uống nổi chén Thầy sắp uống không ?" Và sau khi họ đáp : "Thưa uống nổi." Đức Giê-su bảo : "Chén của Thầy, các người sẽ uống ; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy mới được." (Mt 20,22 - 23). Như vậy đời Linh mục không phải là vinh danh tả hữu Chúa Giêsu, mà là can đảm uống Chén đắng của Thầy.

Một chức vụ Linh mục như thế là thân phận của người phục vụ, người được sai đi. Chén vinh quang là chén đắng ứ tràn Chúa Giêsu trao cho các môn đệ thân tín. Hiểu ý nghĩa này, nên Giáo Hội là Mẹ, khi trao chén thánh cho tân chức Linh mục đã ban trao với lời tâm huyết: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu Thánh Giá Chúa”.

Rập đời sống theo mẫu khuôn Thánh giá, chỉ có ý nghĩa thiết thực khi chính vị Linh mục trở nên giống Thầy chí thánh của mình, đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá. Thánh giá trên vai, Thánh giá đi vào đời, Thánh giá trên đôi tay ban phép lành hình Thánh giá. Sẽ là mâu thuẫn nếu người ta muốn lãnh nhận phép lành từ đôi tay Linh mục mà hình Thánh giá được vẽ lên từ đôi tay ấy lại khiến người ta khiếp sợ. Linh mục phải là người đồng hoá phép lành từ Thánh giá ấy, hay nói cách khác, Linh mục dâng thánh lễ Misa mỗi ngày là tái diễn hy tế Chúa Giêsu trên Thánh giá năm xưa. Tại sao người ta thích hình ảnh Môisê giang tay trên núi, mà hình ảnh Chúa Giêsu giang tay trên Thánh giá lại khiến người ta lảng tránh?

Hai anh em Giacôbê và Gioan, ít ra đã thưa được với Chúa Giêsu khi Chúa hỏi có uống được chén Ta sắp uống chăng? và chính từ lời thưa đó mà nhiệm vụ của tân linh mục được trao ban.

Với Đức Giêsu, Chén đắng ấy Ngài đã uống đến tận cùng. Trong tay Ngài có phủ việt, mặc áo hoàng bào, cho đến khi ở trên Thánh Giá, đầu ngài cũng đội mũ triều thiên, phía trên đầu cũng có tấm bảng công bố: Giêsu Nazareth Vua Do Thái. Tất cả đều là sự thật, chỉ có trong đầu óc giới lãnh đạo Do thái là tấn kịch của một màn phỉ báng. Vậy mà chính trong sự thật bi thương ấy, một trong hai người trộm bị đóng đinh hai bên tả hữu Chúa Giêsu, chứ không phải là tả hữu của Giacôbê và Gioan, đã xin được điều mà hai anh em tông đồ bị từ chối, khi Chúa Giêsu trả lời với người trộm bị đóng đinh đó rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên Thiên đàng” (Lc 23, 43) 

Sau người trộm sám hối nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu, là viên sĩ quan đội quân hành hình, ông đã thốt lên: “Đúng người này là Con Thiên Chúa” (Mt 27, 54) Ngày nay không phải là hai người mà là hai tỉ người đã nhận ra vương quyền của Chúa Giêsu. Người Linh mục của Chúa cũng cần được từ bỏ đến tận cùng để sống noi gương Đức Giêsu. Các ngài cần bị tiêu tốn đến hết cuộc đời vì nhiệm vụ, bị vắt kiệt sức vì đoàn chiên, bị trút hết tiền của vì người nghèo…Tuy nhiên, trên thực tế, các Ngài cũng vẫn giầu và hạnh phúc. Cái giầu không đến chỉ do của cải nhưng do giá trị của đời sống tinh thần. Niềm hạnh phúc không do tìm kiếm kiểu thế gian nhưng là kết quả của tinh thần hiến thân theo triết lý của thánh Phanxicô khó khăn trong lời Kinh Hòa Bình: “Vì chính khi hiến thân, là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Nói cho cùng, Linh mục thời đại nào cũng vẫn luôn là một thách đố lớn giữa thời đại. Một thách đố đã được cụ già tiên tri Si-mê-on đã nói về Hài Nhi Giêsu: “ Con trẻ này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy, và cũng là dấu hiệu cho người ta chống đối” (Lc 2,34)

Ngã xuống hay đứng dạy cho đoàn chiên, khởi đi từ chính mình. Một của lễ hiến tế diễn ra hàng ngày trong cuộc đời Linh mục chưa kể tới dấu hiệu cho ngừơi ta chống đối. Lối nhìn này có vẻ bi quan nhưng nó lại đúng hơn với cuộc đời Linh mục. Từ đó cái nhìn của mỗi người chúng ta không chỉ là tôn kính, nhưng còn là đồng cảm và đồng hành với vị chủ chiên của mình. Những danh xưng diễn tả đời linh mục đích thực bắt đầu từ đó.

Tay nâng chén thánh ơn trời,

Hồn nâng chén đắng cuộc đời chủ chăn.

Bước chân truyền giáo gian nan

Đi trong cay đắng, bình an trở về.

Gieo trong nước mắt tràn trề,

Gặt trong vui sướng, hả hê lúa vàng.

Không là thăng tiến vinh quang

Nhưng là đi xuống nhập hàng tôi trung

Không là kiến tạo anh hùng

Nhưng là phục vụ tới cùng vì chiên.

Vẳng nghe tiếng gọi thiêng liêng:

“Cánh đồng lúa chín cần thêm thợ nhiều”(Lc 10,2).

Chúc cha mới mỗi sáng chiều

Tôi trung của Chúa bao nhiêu mong chờ!.

Tác giả: LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Nguồn: www.vietcatholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét