ĐÔI QUANG GÁNH: MỘT BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HOÁ VIỆT
Đối với người dân Việt, hình ảnh đôi quang gánh đã là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên nền văn hóa độc đáo và đặc sắc. Hình ảnh ấy quen thuộc đến mức mọi người mặc nhiên thừa nhận nó như một sự tất yếu và ít khi thắc mắc về nó. Có chăng chỉ là những cảm nhận lẻ tẻ thiên về mặt cảm tính trong mối liên hệ với hình ảnh người phụ nữ Việt.
Cao Văn Đức
Vì sao lại có đôi quanh gánh?
Nền
nông nghiệp lúa nước đã để lại cho nhân loại nhiều giá trị và sự ngạc
nhiên ở nhiều phương diện, nhiều loại hình khác nhau. Trên cơ sở hệ
thống hóa, liên hệ, so sánh và khu biệt loại hình để nhìn nhận về nền
văn hóa gốc lúa nước Đông Nam Á cổ trong mối tương quan với loại hình
văn hóa gốc du mục, gốc nông nghiệp khô, các nhà nghiên cứu đã đưa ra
rất nhiều nhận định mang tính khái quát cao như: Bắc di mã, Nam di chu
(phương Bắc di chuyển, vận chuyển chu yếu bằng ngựa, phương Nam di
chuyển, vận chuyển chủ yếu bằng thuyền), Nam quyền, Bắc cước (võ học
phương Nam thiên về quyền thuật (đôi tay), phương Bắc thiên về cước
thuật (đôi chân)...
Chưa
có một bằng chứng khảo cổ hoặc sử học nào khẳng định chắc chắn thời
điểm ra đời của đôi quanh gánh, cũng như xác nhận chủ nhân đích thực đã
sáng tạo ra đôi quang gánh. Nhưng chúng ta sẽ có lý nếu nói rằng người
phương Nam vẫn chưa hề biết đến bánh xe trước khi tiếp xúc với phương
Bắc (kể cả thông qua con đường tự nguyện lẫn cưỡng chế để đồng hóa). Và
cũng từ đó đặt cho ta một thắc mắc: Vào thời điểm ấy, những thao tác vận
chuyển, di chuyển của nghề nông cũng như trong đời sống sinh hoạt
thường nhật ở đây người ta sẽ sử dụng phương tiện gì?
Thực
ra ở Việt Nam tồn tại hai loại đòn gánh, một loại dùng để gánh khi kết
hợp với đôi quang (có nơi còn gọi là đôi gióng) và đôi thúng, ngoài ra
còn một loại có tên là đòn xóc.
Đòn
gánh thì thường có đầu bằng, có mấu ở hai đầu để giữ cho đôi quang
không bị trượt ra ngoài. Có loại đục thủng hai đầu để đóng chốt bằng gỗ,
đồng; có loại tận dụng hai cái mắt của cây tre nhô lên để gọt, khắc
thành mấu luôn. Nhưng dù là loại gì đi chăng nữa, đã là đòn gánh thì
phải có mấu mới sử dụng được, đó như một sự hiển nhiên:
...Con ruồi có cánh, đòn gánh có mấu...
Đòn
xóc là loại có hai đầu nhọn, không có mấu, loại này không cần đôi
quang, đôi thúng gì cả, khi sử dụng, người ta cắm thẳng hai đầu nhọn ấy
vào vật để gánh đi.
Vì
sao lại có hai loại đầu nhọn và đầu bằng? Tại vì xuất phát từ nhu cầu
ban đầu là vận chuyển phân, giống, mạ non, và những vật dụng có liên
quan cho việc làm đồng cũng như cơm nước cho người làm ngoài đồng, xa
nhà. Mà đặc điểm làm đồng cổ truyền của người Việt xưa là đi từ mờ sáng
đến tối mịt mới về, vì thế phải đem theo tất cả lương thực, thực phẩm
cho cả một ngày. Có lẽ cũng từ đặc điểm đó mới có bài dân ca “Đi cấy”
nổi tiếng của người Thanh Hóa
Lên chùa bẻ một cành sen
Ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng...
Đòn
xóc thì thường dùng để xỏ hai đầu nhọn vào hai bó lúa, bó mạ hoặc hai
bó củi để gánh. Và xuyên suốt trong tiến trình lịch sử Việt Nam, hai vật
dụng đơn sơ ấy vẫn song song tồn tại, tương hỗ cho nhau và trở thành
một vật dụng vô cùng hữu hiệu trong hầu hết mọi việc của người Việt cho
đến tận ngày nay.
Chất liệu
Phổ
biến nhất là chiếc đòn gánh làm bằng tre, điều này có rất nhiều lý do,
một trong những lý do là vì vùng Đông Nam Á với khí hậu nóng ẩm nhiệt
đới chính là quê hương của các loại cây thuộc họ tre trúc. Hơn nữa cây
tre vừa có tính dẻo dai, vừa rắn chắc, lại vừa nhẹ, đây là những đặc
tính ưu việt mà không phải loại cây nào cũng có.
Quá
trình chọn tre để vuốt đòn gánh, đòn xóc cũng tương đối thú vị. Đầu
tiên phải chọn cây tre thật già để đảm bảo độ chắc, rắn ở thân và ở các
mắt, sau đó là phải khỏe, không có vết xước, không có mối mọt. Sau khi
gọt đẽo thành hình đòn gánh, đòn xóc rồi thì người ta vùi vào tro nóng,
gọi là tui (tiếng Hán gọi là hãn thanh), để tăng độ dẻo (điều này vô cùng quan trọng), có nơi còn ngâm xuống bùn ao hoặc nước biển để chống mối mọt.
Tuy
nhiên, tùy vào khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng mà có chất liệu riêng. Ví
dụ ở Bắc Trung Bộ, đòn gánh được làm từ loại tre gai. Tre phải là tre
gốc, vừa chắc, vừa dẻo. Thân đòn gánh bẹ lớn (đặc điểm này nhằm vừa để
phân tán lực cho bờ vai đỡ nhói, vừa đảm bảo khả năng chịu lực mà vẫn
dẻo, không gãy), hai đầu đòn gánh được khắc mấu để giữ chặt đầu gióng.
Loại đòn gánh tre có sức chịu nặng rất cao, phù hợp với sự tảo tần, chịu
đựng của người dân nơi đây. Phan Thiết, La Gi lại có loại đòn gánh gỗ,
thân mảnh mai, hai đầu thon nhỏ có gắn mấu đồng. Gỗ để làm đòn gánh ở
vùng cực Nam Trung Bộ có tên gọi gỗ rõi. Rõi có thớ thịt ăn dọc, màu nâu
tươi, gánh rất dẻo. Có thể truyền từ đời này sang đời khác.
Đôi
gióng thường được kết bằng cây mây, rất dẻo và bền, không mối mọt. Đôi
thúng thường được đan bằng tre, nứa, lồ ô… nên rất nhẹ.
Sử dụng
Độ
dẻo của chiếc đòn gánh tạo nên một hiện tượng thú vị ở người gánh, đó
là tuy người gánh cứ đều bước nhưng lực tác động lên đôi vai lúc nặng,
lúc nhẹ. Vì khi người gánh nhịp hết diện tích của bàn chân chạm đất thì
hai đầu đòn gánh cũng theo lực đàn hồi, quán tính của trọng lực mà cong
xuống, sức nặng của vật gánh sẽ đè lên vai và chân trước, sau nhịp đó
thì bàn chân của ta sẽ nhấc lên để bước và nhờ đó mà hai đầu đòn gánh
cũng nhô lên cao quá vai người gánh theo quán tính của lực đàn hồi và
trong khoảnh khắc đó, áp lực đè lên vai người gánh hầu như bằng không.
Có phải chăng nhờ đó mà động tác gánh kết hợp hài hòa với nhịp bước uyển
chuyển theo cùng một tiết tấu nhất định sẽ làm cho người gánh có độ bền
trên quãng đường gánh xa, ngoài ra chúng ta còn có động tác chuyển vai
và động tác dùng hai tay nắm hai đầu quang. Việc nắm hai đầu quang ấy sẽ
ép vật nặng ở hai đầu quang về phía người gánh, đồng thời không tạo
quán tính theo kiểu đa phương của lực (vì bị ảnh hưởng quán tính hướng
đi cũng như nhịp bước của người gánh), mà chỉ còn có một chiều lên xuống
(điều này đặc biệt tỏ ra rõ nét hữu dụng khi ta gánh chất lỏng sẽ không
bị sánh ra ngoài), để mỗi cánh tay chịu bớt một phần trọng lực của vật
gánh, nhờ đó lực đè lên vai tại chỗ tiếp xúc với đòn gánh theo một tiết
diện tương đối nhỏ ấy sẽ giảm đi rất nhiều làm cho người gánh đỡ bị đau
nhói. Phải chăng vì đặc tính ấy mà đã hình thành trong tâm thức của mỗi
người dân Việt Nam một phản xạ, một sự lựa chọn tất yếu: Khi phải vận
chuyển một số vật nặng đi xa thì thường là người ta chọn lựa cách chia
đều nó ra để gánh thay vì xách, kéo, bê, ôm, bưng, cõng, gùi, vác, đội,
gồng...
Có
ý kiến còn cho rằng, khi đặt đòn gánh tiếp xúc lên vai, đồng thời với
quá trình chịu lực nặng khi gánh ấy, đồng thời chính động tác đó còn
giúp cho ta “đả thông được các huyệt kiên ngoại du, kiên ngung và kiên
tĩnh trên vai và như thế người gánh sẽ được đả thông kinh mạch, khỏe
re...” (dẫn theo WWW.enews.agu.vn).
Tính linh hoạt của nền văn hóa lúa nước
Bộ
quang gánh tuy ba mà một, tuy một mà ba. Nó vừa nhẹ, vừa gọn, đi đâu
cũng có thể đem theo bên mình được. Chiếc đòn gánh, đòn xóc khi làm
nhiệm vụ gánh gồng, chia lực và chịu lực theo nguyên tắc của đòn bẩy,
chúng cũng thể hiện tính linh hoạt rất cao tùy theo nhu cầu của người sử
dụng, trọng lượng của vật, loại đồ vật, số lượng người sử dụng, độ dài
quãng đường..., có lúc người ta sẽ gồng bằng cách một đầu để vật nặng,
một đầu kia dùng tay để tỳ lên tạo thế cân bằng, có khi không gánh một
người mà họ để vật nặng ở giữa, hai người khiêng hai đầu. Một người
gánh, nếu vật ở hai đầu quang có trọng lượng không đều nhau thì người ta
sẽ di chuyển điểm tiếp xúc giữa đòn gánh với vai về phía đầu nhẹ hơn để
tạo sự cân bằng hoặc người ta bỏ thêm hòn đá vào cho nó đều nhau, nếu
chiều dài của đôi quang quá khổ so với chiều cao của người gánh thì
người ta sẽ buộc ngắn đôi quang lại...
Ngoài
ra tính linh hoạt còn thể hiện ở việc sử dụng chiếc đòn gánh, nó không
chỉ dùng để gánh mà đôi khi nó còn là vũ khí tự vệ, là cái cột dựng lều
hoặc giăng mùng, màn hoặc dùng để chọc, khều, nối dài chiều dài của cánh
tay...
Phương tiện đặc trưng
Phương
tiện di chuyển, vận chuyển chủ yếu của cư dân phương Nam là thuyền,
nhưng trên bộ thì đó chính là đôi quang gánh và đi bộ là chủ yếu. Không
phải ngẫu nhiên mà cho đến tận cuối TK XIX, phương tiện vận chuyển chủ
yếu của gia đình Bác Hồ khi đi từ Nghệ An vào Huế là đôi quang gánh của
mẹ Bác, vừa gánh đồ vừa gánh hai con Tất Thành và Tất Đạt.
Nếu
như con lạc đà là hình ảnh quen thuộc ở vùng sa mạc, con ngựa là hình
ảnh quen thuộc ở bắc sông Dương Tử (vùng Hoa Nam) và Âu châu, con voi là
đặc trưng của Tây Nguyên... thì đôi quang gánh đã là một trong những
biểu tượng cho nông thôn Việt Nam. Phương tiện ấy kết hợp với hình ảnh
người phụ nữ đã tạo nên một loại hình văn hóa chợ quê rất riêng, rất độc
đáo ở làng quê nông thôn Việt Nam.
Loại hình kinh tế tiểu nông với căn tính tự cung tự cấp,
thương nghiệp kém phát triển, nếu có chăng đi chợ cũng là dạng buôn bán
nhỏ lẻ với mớ rau, mớ cá, con gà, hạt muối,... (cho đến những thập niên
80 của TK XX, chợ Việt vẫn còn nhiều dấu vết của hình thức hàng đổi
hàng), nghĩa là gia đình làm hái được bó củi hoặc hái được mớ rau thì
gánh ra chợ bán lấy vài đồng rồi mua vài thứ như muối, mớ cá... đem về.
Ngoài ra chợ quê không thể không nhắc đến những gánh hàng xén. Chợ quê
không hề có sạp hàng, cửa hàng lớn và cố định như ngày nay, mà lớn nhất
là những gánh hàng của những bà, những chị bán chuyên. Sáng ra gánh hàng
ra chợ, bao gồm mỗi thứ một tí, tan chợ lại gánh về. Và hình ảnh những
phiên chợ quê ấy, sự kết hợp nhuần nhị giữa nét linh hoạt, khéo léo và
duyên dáng với tính cần mẫn, chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt
Nam đã tạo nên một nét văn hóa chợ quê: thành phần tham gia chủ đạo là
nữ giới. Chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, vừa là nơi gặp gỡ, chuyện
trò, vui chơi, nhất là vào các dịp lễ tết... vì thế chợ quê vừa là trung
tâm thương nghiệp vừa là trung tâm truyền thông của cả làng, cả vùng,
là một trong những nơi thể hiện trọn vẹn nhất mọi mặt đời sống cũng như
nhạy bén nhất với yếu tố mới.
Hình
ảnh đôi quang gánh cùng với chiếc nón lá, bộ áo dài (xưa hơn một chút
là nón ba tầm và bộ áo tứ thân, khăn mỏ quạ) đã tạc nên một trong những
hình ảnh đặc trưng của người phụ nữ Việt Nam, của làng quê truyền thống
Việt Nam.
Thật
khó khăn, nếu như không muốn nói là không thể, khi ta muốn thống kê hết
được những câu thơ, câu ca dao tục ngữ cũng như là các tác phẩm nghệ
thuật khác có đề cập đến hình ảnh của đôi quang gánh trong kho tàng văn
hóa Việt Nam. Điều đó nói lên tầm quan trọng, mức độ thân thuộc vô cùng
của đôi quang gánh đối với đời sống nông thôn Việt Nam. Vì thế chăng mà
mỗi khi người ta muốn tái hiện, sân khấu hóa... cảnh lao động ở làng quê
Việt Nam, người ta chỉ cần cho diễn viên đội nón lá, mặc bộ áo nhuộm
nâu non rồi khoác đôi quang gánh là đủ.
Nếu
như ai đó có ý kiến cho rằng hình ảnh đôi quang gánh là tượng trưng cho
sự gian lao, vất vả của người phụ nữ Việt Nam, điều đó chỉ đúng một
phần. Chính yêu cầu về khả năng di chuyển nhịp nhàng, uyển chuyển trong
khi gánh vô tình đã làm cho nó phù hợp với người phụ nữ hơn là nam giới.
Tại sao cơ cực nhưng người phụ nữ không oán than trách móc? Đó là một
bài học về đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
Người
ta đã từng ví von, đất nước Việt Nam giống như một đôi quang gánh khổng
lồ, chiếc đòn gánh là miền Trung, gánh hai thúng lúa khổng lồ là hai
đồng bằng, sông Hồng và sông Cửu Long. Miền Trung nhận về mình sự thiệt
thòi về điều kiện thiên nhiên khi quanh năm chỉ có gió Lào và cát trắng
ấy cũng giống như sự chịu lực của chiếc đòn gánh để nhường cho hai đầu
đất nước được trù phú, màu mỡ, no ấm, và cũng giống như đức hy sinh của
người phụ nữ Việt Nam khi gánh đi phần gian lao khi nhọc để gánh về niềm
vui, sự no ấm, hạnh phúc và tương lai cho bao đứa con thơ. Và tính cách
cần mẫn, chịu thương chịu khó, tiết kiệm... của người miền Trung cũng
là nét độc đáo, nhằm tạo một sự cân bằng với tính cách thanh lịch vùng
đồng bằng Bắc Bộ và tính phóng khoáng hào sảng của người Nam Bộ, nhằm
tạo nên nét hài hòa, trọn vẹn trong bức tranh dân tộc tính của người
Việt Nam. Bộ ba ấy cũng giống như triết lý tổng hòa của hai đầu quang
gánh với chiếc đòn gánh vậy. Tuy ba mà một, tuy một mà vẫn có nét riêng,
chức năng riêng và khả năng sử dụng độc lập của từng chi tiết.
Với
địa hình đường bộ Việt Nam xưa, vốn bị chia cắt nhỏ lẻ bởi hệ thống
sông ngòi, kênh rạch... nên đôi quang gánh lúc đi trên bộ là ba (đòn
gánh, đôi quang, đôi thúng), lúc lên đò qua sông thì có thể thu gọn lại
chỉ còn đôi thúng hoặc vật được gánh là chiếm diện tích nhiều... lúc lên
bờ lại ghép lại để đi tiếp... tính linh hoạt rất cao. Ngược lại, với
địa hình rừng rậm, đèo, đồi núi, phương tiện vận chuyển hữu hiệu phải là
dùng sức kéo của voi, ngựa, trâu, bò (trước đây chưa có xe, chưa có
bánh xe, người ta buộc trực tiếp vào các con vật ấy để kéo), gùi,
điệu... sẽ hữu hiệu hơn.
Ngoài
ra, nguyên lý về thao tác sử dụng của đôi quang gánh cũng đem đến cho
ta một triết lý sâu sắc khác: Làm sao cho hai đầu quang gánh luôn nặng
đều nhau. Vì chỉ có đều nhau thì trung điểm của chiếc đòn gánh mới cân
bằng và lực được phân tán đồng đều, lực tác động lên vai ở mức ổn định
nhất, đi được quãng đường xa nhất. Trong đời sống nông nghiệp lúa nước,
sự khéo léo của đôi tay rất quan trọng, và hầu hết các thao tác của nghề
nông đều dùng tay là chính. Ngoài ra yêu cầu về sự khéo léo, uyển
chuyển, giữa nhịp độ và tiết tấu di chuyển ổn định cũng tạo nên sức bền
cho người gánh. Tất cả điều đó nói lên rằng, trong đôi quang gánh đã hàm
chứa rất nhiều yếu tố đặc trưng của nền văn hóa gốc nông nghiệp lúa
nước: thiên về nữ, linh hoạt, uyển chuyển, khéo léo, dẻo dai, bền bỉ,
hàm chứa bài học nhân sinh sâu sắc triết lý trung dung, ưa sự hài hòa,
sự cân bằng, sự ổn định, hòa bình.
Nếu
chúng ta để ý sẽ thấy, đôi quang gánh không chiếm khoảng không theo
chiều rộng của đường đi mà chỉ chiếm chiều dài của đường đi, điều đó dẫn
đến một thực tế là trên một con đường nhỏ, những người gánh có thể vừa
đi hàng hai, hàng ba…vừa nói chuyện mặt nhìn nhau được, nó hoàn toàn
khác với những cỗ xe hoặc những con ngựa thồ thường nối đuôi nhau, người
đi trước không thấy người đi sau. Cái cười nói chuyện trò ấy có tác
dụng rất lớn trong việc giảm bớt đi cái mệt nhọc, đồng thời thể hiện nét
văn hóa trọng tình của người Việt.
Nếu
xét về mặt tính linh hoạt, nó còn hữu dụng rất nhiều khi có thể di
chuyển đến mọi ngõ ngách, thôn xóm, một hình thức phân phối hàng hóa hữu
hiệu, nghĩa là vận chuyển hàng hóa đến tận tay người mua, đến tận nhà,
tiết kiệm tối đa chi phí cho người mua, đây là một loại hình thương mại
rất độc đáo (ông bà mình thường nói là lấy công làm lãi) mà không phải
nơi nào cũng có.
Thử liên hệ thêm về triết lý bằng cách so sánh giữa đôi quang gánh với chiếc đòn xóc cũng sẽ thấy đôi điều thú vị.
Nếu
như đòn xóc chỉ có chiếc đòn xóc nhọn hai đầu để chọc thủng vào vật
gánh thể hiện tính dương, tính phát triển, kết hợp với vai người và vật
gánh sẽ tạo nên bộ ba liên hệ: người gánh, vật dùng để gánh (đòn xóc) và
vật được gánh. Mối liên hệ giữa người gánh với vật gánh chỉ có một vật
trung gian, gọn gàng, tuy nhiên bù lại nó nặng hơn và nguy cơ bị tuột,
bị rơi vật gánh sẽ cao hơn. Vì thế đòn xóc thường phù hợp hơn với nam
giới, thuận chất dương tính.
Thì
đôi quang gánh lại có đến năm bộ phận: hai chiếc thúng (hoặc thùng),
hai chiếc quang (gióng) và chiếc đòn gánh. Đôi thúng và hai cái mấu
chính là cái giữ vật không bị tuột, thể hiện khả năng ổn định, khả năng
bảo tồn, âm tính. Bộ phận trung gian truyền lực giữa vật gánh với đòn
gánh là đôi quang. Nếu xét theo bộ phận tổng hợp thì chỉ còn ba bộ phận
chính là vật được gánh, đòn gánh để trung gian truyền lực và người gánh.
Sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các bộ phận của bộ quang gánh cùng
với tay chân, vai... trên cơ thể người gánh tạo nên một sự tổng hòa tuy
mềm mại, uyển chuyển nhưng rất có nguyên tắc trong khả năng phân tán
lực. Vì thế động tác gánh nhìn mềm mại hơn, nhẹ hơn so với bộ đòn xóc,
và phù hợp hơn với nữ giới, thiên về âm tính.
Gánh hàng rong và một vài liên hệ với thực tế xã hội ngày nay
Tưởng
chừng đôi quang gánh sẽ lùi vào lịch sử khi cơ giới hóa, công nghệ hóa
đang ngày một chiếm ưu thế và phổ biến, nhưng gánh hàng rong vẫn tồn tại
từ nông thôn tới các đô thị lớn nhất Việt Nam.
Các
nhà kinh tế học nhìn nhận gánh hàng rong như một loại hình thương mại
quan trọng, khi họ thống kê “...Mỗi gánh hàng rong bán khoảng 200 nghìn
tiền hàng/1 ngày. Lấy con số 200 nghìn nhân khoảng 1 triệu lao động thì
sẽ được gần 200 tỷ/1 ngày, và vài chục nghìn tỷ/1 năm” (theo ông Bùi
Kiến Thành, chuyên gia kinh tế).
Các
nhà quy hoạch đô thị thì nhìn nhận gánh hàng rong như một yếu tố làm
ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, chính vì thế người ta đã có hẳn một
quy định cấm hàng rong (có hiệu lực từ ngày 19-1-2008). Nếu nhìn điều
này dưới góc độ văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước ta sẽ hiểu vì sao trong
nền văn hóa Việt Nam lại có hiện tượng nông thôn hóa đô thị và xét theo
cấp độ ổn định và phát triển thì làng xã và quốc gia là dương tính, còn
đô thị và quốc tế lại âm tính.
Cuộc triển lãm mang tên Gánh hàng rong do Bảo tàng Phụ nữ tổ chức nhân dịp Ngày phụ nữ Việt Nam 20-10 với 128
bức ảnh mang đậm hơi thở cuộc sống. Nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Phụ nữ
đã làm việc trong gần 9 tháng, phỏng vấn hàng trăm người, chụp hàng
nghìn bức ảnh... tất cả những việc đó nhằm tôn vinh người phụ nữ Việt
Nam với đầy đủ những phẩm chất cao quý.
Khi
tôi tìm hiểu một số khách nước ngoài thì được biết, đa phần họ rất thú
vị với những gánh hàng rong và họ thừa nhận đó là một nét duyên dáng,
uyển chuyển, một giải pháp mềm hóa độc đáo của đô thị Việt Nam.
Tác giả bài viết: Cao Văn Đức
Nguồn tin: vanhoahoc.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét