HAI PHÉP LẠ NUÔI ĂN

HAI PHÉP LẠ NUÔI ĂN

 

Jimmy Akin

Trong các Tin Mừng, ngoài sự kiện phục sinh, phép lạ thời danh nhất gắn liền với Chúa Giêsu là phép lạ nuôi ăn 5000 người được cả 4 Tin Mừng tường thuật (Mt 14,13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13).

Nhưng Tin Mừng Matthêô và Marcô còn tường thuật thêm một phép lạ nữa cũng tương tự như vậy: phép lạ nuôi ăn 4000 người (Mt 15,32-39; Mc 8,1-10). Các con số liên hệ với phép lạ này có khác biệt đôi chút (nuôi ăn 4000 người, dùng 7 ổ bánh và “mấy con cá nhỏ”, thu lại được 7 thúng thức ăn thừa), nhưng đại khái cũng cùng một thể loại phép lạ nuôi ăn cơ bản.

Và có thể đây là lý do tại sao Luca và Gioan không tường thuật phép lạ thứ hai này: vì giới hạn không gian trên các cuốn sách thời cổ xưa, chỉ cần viết đủ trên một cuộn giấy, nên họ quyết định chỉ ghi lại một phép lạ thuộc loại này và chọn phép lạ có ấn tượng hơn cả.

Nhưng cho dù việc hóa bánh ra nhiều rất diệu kỳ đã được thực hiện trước đó rồi nhưng điều gì được thực hiện ở một quy mô lớn thì nó vẫn còn gây ấn tượng đấy chứ! Chính vì thế mà Thánh Matthêô và Marcô đã chọn cách ghi lại nó.

Có thể còn có lý do khác nữa nhưng để biết được thì cần thêm một ít nghiệp vụ điều tra!

Các hành trình của Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng Matthêô, Marcô và Luca, hầu hết sứ vụ của Chúa Giêsu đều thực hiện tại Galilê, miền bắc xứ Giuđêa. Trong ba Tin Mừng này, Chúa Giêsu ở miền Giuđêa lúc bắt đầu sứ vụ, khi chịu phép rửa của Gioan, và một lần nữa vào cuối sứ vụ, khi chịu đóng đinh tại Giêrusalem. Tuy nhiên, Ngài ở tại Galilê hầu hết thời gian nhưng không phải trọn thời gian.

Đôi lần Ngài cũng đã đi vào miền đất Dân ngoại như lúc trừ quỷ ở Ghêrasa (Mc 5, 1-20). Đó là lý do tại sao có đàn heo hai ngàn con ở trong câu chuyện – bởi vì người Ghêrasa là dân ngoại giáo nên họ vẫn ăn thịt heo.

Điều thú vị là ở cuối câu chuyện này, Chúa Giêsu bảo người bị quỷ ám được chữa lành rằng hãy loan truyền điều Thiên Chúa đã làm cho anh. Đây thực là điều trái ngược hẳn với những gì xảy ra tại Galilê: Ngài thường bảo người dân giữ im lặng về những gì Ngài đã làm. Lời căn dặn này rõ ràng để tránh cho mình khỏi bị tôn làm vua trái với ý muốn khi dân chúng nhìn Ngài như là một Vị Cứu Thế theo nghĩa chính trị  (Ga 6, 15).

Chính vì thế mà khi bảo người bị quỷ ám ở Ghêrasa cứ thoải mái đi loan truyền những điều Ngài đã làm cho anh thì điều đó chẳng ảnh hưởng chi đến sứ vụ của Ngài bởi vì phần lớn thời gian Ngài đều ở tại Galilê. Vả lại, lời loan truyền của anh cũng giúp cho dân ngoại hiểu biết về Thiên Chúa của Israel!

Nếu đọc kỹ Tin Mừng, ta sẽ thấy rằng khi Chúa Giêsu tiếp tục đi vào miền đất dân ngoại – danh tiếng Ngài bắt đầu lớn dần lên. Và chúng ta có hai phép lạ nuôi ăn khác nhau.

Nuôi ăn 5000 người

Matthêô và Marcô nói phép lạ này xảy ra tại một nơi hoang vắng gần Biển hồ Galilê, nhưng không nói ở đâu (Mt 14,13; Mc 6, 32). Gioan cũng mập mờ về địa điểm của phép lạ (Ga 6, 1), nhưng Luca nói nó xảy ra gần Bethsaiđa (Lc 9, 10).

Bethsaiđa là quê quán của Phêrô và Anrê (Ga 1, 44). Đây là một làng chài trên Biển hồ Galilê. Thực ra, cái tên Beth-Tsaida có nghĩa là “ngôi nhà đánh cá”. Đây là lãnh thổ của người Do Thái nên phép lạ Nuôi ăn 5000 người có liên quan trước tiên đến đám người Do Thái. Thế còn phép lạ nuôi ăn kia?

Ai thật sự là người không tinh sạch ở đây?

Trong Tin Mừng Marcô chương 7, Chúa Giêsu bị nhóm ký lục và biệt phái chỉ trích vì các môn đệ của Ngài ăn mà không rửa tay theo tập tục người Do Thái. Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ khi nói rằng điều không tinh sạch chính là những gì xuất ra từ tâm hồn con người chứ không phải những gì đi vào miệng  (7, 1-23).

Marcô còn thêm vào một lời bình phẩm: “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (7,19). Đây là vấn đề quan trọng bởi vì trong Giáo Hội sơ thời có vấn đề tranh cãi rằng những Kitô hữu gốc ngoại giáo có cần phải giữ luật lệ ăn uống của người Do Thái hay không (Rm 14;  Gl 2,11-14; Cl 2,16).

Vấn đề này đã mở đầu cho một loạt câu chuyện có liên quan đến dân ngoại giáo.

Trước hết, Thánh Marcô tường thuật Chúa Giêsu đi về miền Tyrô và Siđôn, ngày nay là Liban, phía bắc Galilê. Ở đây, Ngài gặp người phụ nữ Syrôphênixi – một người dân ngoại – và trừ tà cho con gái của bà  (7,24-30).

Marcô khẳng định: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Siđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (7,31).

Miền Thập Tỉnh là nhóm mười thành phố nằm bên bờ đông của sông Giođan, hiện nay là nước Jordan.

Vào thời ấy, đây là các thành phố La-Hy, và là các thành phố của dân ngoại hơn là của người Do Thái. Thật vậy, Ghêrasa và Gadara là hai trong số mười thành phố này, và như vậy Chúa Giêsu đã trở lại lãnh thổ mà Ngài đã trừ tà cho người bị quỷ ám.

Nhưng lúc này danh tiếng làm phép lạ của Ngài đã nổi như cồn, có lẽ do lời loan truyền của người được chữa khỏi quỷ ám, và người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến cho Ngài chữa lành (7,32-37). Chính lúc ấy thì điều thú vị đã thật sự xảy ra.

Nuôi ăn 4000 người

Marcô tường thuật: “Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến” (Mc 7, 1-3)

Như vậy, câu chuyện nuôi ăn 4000 người xảy ra trong bối cảnh hàng loạt câu chuyện liên quan đến Dân ngoại, sau khi Chúa Giêsu đi vào miền Thập Tỉnh, và có liên hệ với đám người ngoại giáo. Nói cách khác: đây là phần dành cho dân ngoại tiếp nối câu chuyện Nuôi ăn 5000 người.

Chúa Giêsu có thể gặp rắc rối ở quê nhà– chẳng hạn như cuộc xung đột với người Pharisiêu về tập tục rửa tay – nhưng danh tiếng của Người ở miền Thập Tỉnh đã trở nên lớn mạnh đến nổi có thể thu hút cả 4000 người dân ngoại và giữ họ ở lại tới 3 ngày cho đến khi cạn kiệt lương thực, và hậu quả là phép lạ nuôi ăn thứ hai đã xảy ra.

Trình thuật trong Tin Mừng Matthêô cũng tương tự như thế: có xảy ra xung đột với người Pharisiêu về việc rửa tay (Mt 15, 1-20), rồi Chúa Giêsu đi đến miền Tyrô và Siđôn, trừ quỷ cho con gái người phụ nữ Syrôphênixi (Matthêô đặc biệt ghi chú rằng người phụ nữ là “người Canaan” - Mt 15, 22). Sau đó, như trong Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu đi khỏi miền ấy và “đi dọc theo Biển hồ Galilê” (Mt 15, 29), đây là đoạn đường bạn phải đi để đến được miền Thập Tỉnh.

Matthêô không nói rõ ràng rằng Chúa Giêsu đang ở miền Thập Tỉnh khi làm hàng loạt những phép lạ gồm các “việc chữa lành kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa” (Mt 15, 30), nhưng ông nói rằng “đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel” (Mt 15, 31).

Thật là điều kỳ quặc nếu cho rằng đám đông này là người Do Thái bởi vì người Do Thái đã tôn vinh Thiên Chúa của Israel rồi. Lúc nào họ cũng làm điều đó. Họ thờ phượng Thiên Chúa hằng ngày. Nói rằng họ tôn vinh Thiên Chúa thì cũng bằng thừa!

Sẽ là rất ấn tượng – và xứng đáng để được Matthêô lưu ý – là người dân ngoại tôn vinh Thiên Chúa của Israel.

Và như vậy chúng ta thấy rõ ràng rằng trình thuật Nuôi ăn 4000 người của Marcô có liên hệ đến đám người ngoại giáo và đám đông tôn vinh Thiên Chúa của Israel trong Matthêô cũng là đám đông ấy (Mt 15,32-38).

Như vậy, có vẻ như cả Matthêô lẫn Marcô đã tinh tế phác họa nên việc Nuôi ăn 4000 người như là một phiên bản dành cho dân ngoại của phép lạ nuôi ăn 5000 người, tiên trưng cho sự việc bao gồm cả dân Do Thái lẫn dân ngoại vào trong Giáo Hội của Chúa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ 
Nguồn tin: Gpquinhon.org 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét