TẠI SAO CÓ PHIÊN BẢN NGẮN VÀ PHIÊN BẢN DÀI CHO MỘT SỐ BÀI TIN MỪNG CHÚA NHẬT ?



Tại sao có phiên bản ngắn và phiên bản dài cho một số bài Tin Mừng Chúa Nhật?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, tại sao Giáo Hội có một phiên bản ngắn và một phiên bản dài cho một số bài Tin Mừng Chúa Nhật? Hình như không có lý do cho việc này, bởi vì yếu tố thời gian hầu như không là vấn đề ở đây. Hình như đúng hơn có một động cơ chính trị nào đó: ví dụ, trong Tin Mừng Chúa Nhật 2-2-2014 (Lc 2, 22-32), phần về nữ ngôn sứ Anna có lẽ được cắt bỏ nhằm tránh xúc phạm Israel chăng? Rồi trong Tin Mừng Chúa Nhật 16-2-2014 (Mt 5, 17-37), các câu nói về việc giữ ít nhất các điều răn, việc gọi anh em là "ngốc, khùng" (nghĩa bóng), việc móc mắt ra nếu mắt nên dịp tội, và việc nêu ra sự ly dị đều được chọn bỏ - có lẽ không phải để gia tăng tội lỗi; gợi ý bạo lực; tránh các câu hỏi lộn xộn về ly dị sao? Thưa cha, xin cha vui lòng giải thích, vì sự cắt bỏ tùy chọn này của bài Tin Mừng có thể gây khó chịu cho nhiều người. - S. F., Perrysburg, bang Ohio, Mỹ.

Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể loại trừ các động cơ được cho là sửa bản văn vì lý do chính trị, và phải xem là đúng những gì đã được viết bởi các vị soạn thảo tài liệu “Giới thiệu tổng quát Sách Bài Đọc Thánh Lễ” (GILFM, của Thánh bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích, ngày 21-1-1981)
Về độ dài của các bài đọc, các vị soạn thảo tài liệu trên giải thích lý lẽ của họ như sau:

"75. Cần đi theo con đường trung dung, liên quan đến độ dài bài đọc. Có sự phân biệt rõ ràng giữa các trình thuật, vốn đòi hỏi việc đọc một đoạn tương đối dài nhưng thường thu hút sự chú ý của các tín hữu, và các bài văn, vốn thường là không dài do tính sâu sắc của giáo lý trong đó.

“Trong trường hợp của một số bài văn khá dài, phiên bản dài và phiên bản ngắn được cung cấp cho phù hợp với các tình hình khác nhau. Việc biên tập các phiên bản ngắn đã được thực hiện một cách thận trọng.

"3) Các bài văn khó

"76. Trong các bài đọc Chúa Nhật và lễ trọng, các bài văn nào trình bày các khó khăn thật sự thường được tránh sử dụng vì lý do mục vụ. Các khó khăn ấy có thể là khách quan, trong đó chính bài văn đưa ra các vấn đề văn chương sâu sắc, phê bình hoặc có tính chất chú giải; hoặc các khó khăn có thể, ít là ở mức độ nào đó, nằm trong khả năng của tín hữu để hiểu bài văn. Nhưng không thể có sự biện minh để che giấu không cho tín hữu biết sự phong phú thiêng liêng của một số bài văn, trên cơ sở của sự khó khăn, nếu vấn đề phát sinh từ sự bất cập của việc giáo dục đạo đức mà các tín hữu phải có, hoặc từ sự bất cập của sự rèn luyện Kinh Thánh mà mỗi mục tử các linh hồn cần phải có. Một bài đọc khó thường được làm sáng tỏ bởi sự tương quan của nó với bài đọc khác trong cùng một Thánh lễ.

"4) Việc bỏ một số câu

"77. Việc bỏ một số câu trong các bài đọc lấy từ Kinh Thánh đôi lúc là truyền thống của nhiều phụng vụ, kể cả phụng vụ Rôma. Phải thừa nhận rằng việc bỏ một số câu như thế có thể không được thực hiện cách nhẹ nhàng, vì sợ làm sai lệch ý nghĩa của bản văn hoặc ý định và phong cách của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trên nền tảng mục vụ, người ta đã quyết định tiếp tục tập tục truyền thống trong Thứ tự các bài đọc hiện nay, nhưng đồng thời đảm bảo rằng ý nghĩa chính yếu của bản văn vẫn là nguyên vẹn. Một lý do cho quyết định là rằng một số bản văn là quá dài. Cũng là cần thiết để bỏ hoàn toàn một số bài đọc có giá trị thiêng liêng cao cho các tín hữu, bởi vì các bài đọc ấy có vài câu, vốn ít hữu ích về mục vụ hoặc có liên quan đến các vấn đề khó thực sự.

"3. Nguyên tắc cần theo trong việc sử dụng thứ tự các bài đọc

"a) SỰ TỰ DO LỰA CHỌN MỘT SỐ BÀI ĐỌC

"2) Phiên bản dài và phiên bản ngắn của bài văn

"80. Một tiêu chuẩn mục vụ cũng phải hướng dẫn sự lựa chọn giữa phiên bản dài và phiên bản ngắn của bài văn. Việc xem xét chính yếu phải là năng lực của tín hữu để nghe cách hữu ích phiên bản dài hay phiên bản ngắn của bài văn; hoặc để lắng nghe trọn cả bài văn dài, vốn sẽ được giải thích qua bài giảng.

"3) Khi hai bài văn được cung cấp

"81. Khi một sự lựa chọn được cho phép giữa các bài văn tùy chọn, dù các bài này là qui định hay tùy chọn, việc xem xét đầu tiên phải là lợi ích tốt nhất cho các người tham dự. Nó có thể là một vấn đề của việc sử dụng bài văn dễ, hoặc một bài văn phù hợp hơn cho cộng đoàn, hoặc, như lợi ích mục vụ có thể đề nghị, đọc lại hay thay thế một bài văn, vốn xét là thích hợp riêng cho một buổi cử hành, hay là tùy chọn cho buổi cử hành khác.

"Vấn đề có thể phát sinh, khi người ta sợ rằng một số bài văn sẽ tạo ra khó khăn cho một cộng đoàn đặc biệt, hoặc khi cùng một bài văn ấy sẽ được lặp lại trong một vài ngày tới, chẳng hạn vào ngày Chúa Nhật và vào một ngày trong tuần sau đó".

Vì vậy, tôi tin rằng động cơ là rõ ràng, và liên quan trước tiên đến một vấn đề là duy trì một độ dài tương tự từ một Chúa Nhật này đến một Chúa Nhật khác, và giúp duy trì sự chú ý của các tín hữu. Sự khôn ngoan của các sự lựa chọn cụ thể có thể được thảo luận và thậm chí phải cải cách, nhưng mục tiêu tổng thể của các bài đọc cung cấp giáo lý vững chắc.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bỏ qua việc xem xét sửa chữa bản văn vì lý do chính trị. Các bài của Sách bài đọc hiện nay đã được ấn định vào cuối thập niên 1960, và do đó không thể được giải thích dưới ánh sáng của các vấn đề nổi lên ở các thời kỳ sau đó. Như tài liệu “Giới thiệu tổng quát Sách Bài Đọc Thánh Lễ” nhìn nhận, một số bài văn có vấn đề đã được gác qua một bên, nhưng là do sự khó khăn giải thích trong văn mạch bài giảng, chứ không vì để tránh sự xúc phạm.

Nếu đây là trường hợp như thế, thì nhiều bản văn khác sẽ phải được cắt bỏ ra khỏi Sách bài đọc, vào các ngày không có sự chọn lựa giữa phiên bản ngắn hay phiên bản dài của bài đọc.

Tương tự như vậy, ngay cả khi có phiên bản ngắn nữa, qui định chung của việc in sách là phải luôn in cả hai phiên bản. Do đó, không linh mục nào bị giới hạn phải dùng phiên bản ngắn, và có thể giảng dựa vào phiên bản dài, nếu ngài chọn đọc phiên bản ngắn. (Zenit.org 27-5-2014)

Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
Nguồn tin: Vietcatholic.org

THÔNG BÁO VỀ VIỆC PHONG CHỨC PHÓ TẾ QUÝ THẦY KHOÁ 9, ĐCVSBNT, GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT

TÒA GIÁM MỤC BAN MÊ THUỘT
104 PHAN CHU TRINH
TP. BUÔN MA THUỘT
TỈNH ĐĂK LĂK
 *
Số 22/14
THÔNG BÁO
V/v PHONG CHỨC PHÓ TẾ 

Kính gửi: Quý Cha,
     Quý Tu sĩ, Chủng sinh
     Và quý Anh Chị Em Giáo dân
Do nhu cầu mục vụ của Giáo phận, Đức Giám mục Giáo phận dự định phong chức Phó tế cho các ứng viên có tên sau đây:
Vậy, theo Giáo luật điều 1043: “Các Kitô hữu nếu biết [các ứng viên trên đây] có những ngăn trở lãnh nhận chức thánh, thì buộc phải trình báo cho đấng Bản quyền hay cho cha Quản xứ trước ngày truyền chức.”
Lễ truyền chức sẽ cử hành vào lúc 08g00, thứ ba, ngày 17/6/2014, tại Nhà thờ Chính tòa.
Xin Anh Chị Em cầu nguyện cho các Thầy được sốt sắng lãnh nhận hồng ân của Chúa.

Xin cảm ơn tất cả Anh Chị Em.
                               Làm tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, ngày 26 tháng 5 năm 2014
                                                 Linh mục Đaminh HÀ DUY KHÂM
                                                                 Tổng Đại diện
Lưu ý: Xin quý Cha Quản xứ của các Thầy có quê quán hoặc giúp  xứ đọc Thông báo này vào hai Chúa nhật, ngày 01/6 và 08/6/2014 và trình báo kết quả trước ngày 13/6/2014.
Nguồn: 
VP. TGM

VẤN NẠN ĐỨC TIN - THIÊN CHÚA CÓ CẦN CON NGƯỜI LÀM VIỆC LÀNH ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI KHÔNG ?

Vấn nạn Đức Tin - Thiên Chúa có cần con người làm việc lành để được cứu rỗi không?




Hỏi: Tại sao các anh em Tin Lành nói chỉ cần tin Chúa Kitô là được cứu rỗi, trong khi Giáo Hội Công Giáo dạy phải làm thêm việc lành nữa?


Trả lời: Liên quan đến vấn đề cứu rỗi (salvation) thì giữa Giáo Hội Công Giáo và anh  em Tin Lành nói chung (Protestants) đã có sự khác biệt lớn lao, hầu như không thể vượt qua được để có thể đi đến chỗ cùng chia sẻ một niềm tin về ơn cứu độ của Chúa Kitô.

Trước hết, chúng ta cần biết qua về Nhóm Kitô giáo gọi chung là Tin Lành (Protestantism) do những người chủ xướng như Martin Luther ở Đức, năm 1517;  John Calvin ở Pháp, Ulrich Zwingli ở Thụy sĩ , và King Henry VIII  và Wolsey ở  Anh năm 1527. Họ đã tự tách ra khỏi Giáo Hội Công Giáo để tiến hành cái gọi là “Cải cách tôn giáo” (Protestant Reformation)  trong  thế kỷ 16 ở Âu Châu và sau này lan tràn sang Mỹ và  Á Châu. Riêng ở Mỹ, các nhóm Tin Lành chính gồm có Baptists, Methodists, Lutherans, Presbyterians, Protestant Episcopal, United Church of Christ, Episcopalians, Quakers, Disciples of Christ of the Later-day Saints, Jehovah’s Witnesses

Quan điểm thần học của họ dựa trên 2 tiêu chuẩn hay hai nguyên tắc căn bản chính sau đây :

1- Vai trò tối cao của Thánh Kinh (Supremacy of the Scriptures) như là nguồn duy nhất (Sola Scriptura)  cho Niềm tin và chân  lý Kitô Giáo.

2- Sự công chính hóa (Justification), hay ơn cứu độ, chỉ nhờ vào đức tin mà thôi.

Tất cả hai nguyên tắc trên đều không hoàn toàn phù hợp với niềm tin và giáo lý của Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo (Orthodox Churches) vì những lý do  như sau:

Thứ nhất - Giáo Hội Công Giáo tin Thánh Kinh, Mạc Khải (Revelation), và Thánh Truyền (Sacred Tradition)  là 3 nguồn chân lý của đức tin  trong khi anh  em Tin Lành chỉ tin có Thánh Kinh, không công nhận Mạc Khải và Thánh Truyền,  kể cả Quyền Giáo Huấn (Magisterium) của Giáo Hội và vai trò lãnh đạo của Đức Thánh Cha. Họ tin Kinh Thánh, nhưng lại  hiểu theo cách cắt nghĩa riêng của họ, khác với cách hiểu và cắt nghĩa của Công Giáo.

Cụ thể, liên quan đến đoạn Thánh Kinh Tân Ước trong  Tin Mừng  Thánh Matthêu sau đây:

Người (Chúa Giêsu) còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh  em của Người đứng bên ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có Mẹ  và anh  em Thầy đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” (Mt 12: 46-47)

Anh  em Tin Lành đã cắt nghĩa cụm từ “anh  em” ở trên theo nghĩa anh em  huyết tộc, để từ đó nói rằng Đức Mẹ, sau khi sinh Chúa Giêsu, còn sinh thêm một số người con nữa, và  từ ngữ “anh  em” trong câu trên được họ giải thích là con ruột của Đức Mẹ, em của Chúa Giêsu,  cho nên Đức Mẹ không còn đồng trinh trọn đời như Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống tin.

Ngược lại,  Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống Giáo cắt nghĩa từ ngữ “anh  em” nói trên theo nghĩa thiêng liêng, chứ không theo nghĩa đen (literal meaning) của từ ngữ, nên tin vững chắc rằng Đức Maria chỉ sinh có một Người Con duy nhất là Chúa Giêsu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, vì thế Mẹ vẫn trọn đời đồng trinh như Giáo Hội dạy không sai lầm cho đến nay.

Thứ hai - Liên quan đến vấn đề công chính hóa và ơn cứu rỗi, anh em Tin Lành cho rằng con người đã mất hết khả năng hành thiện sau khi Adam sa ngã, nên không thể làm được gì có giá trị công chính nữa.Do đó, chỉ còn tin Chúa Kitô là được cứu rỗi mà thôi. Mọi có gắng của cá nhân không thể làm cho con người trở nên công chính (justified) mà phải nhờ vào ơn thánh và tin Chúa Kitô, mới được cứu rỗi mà thôi.

Quan điểm trên của anh  em Tin Lành chỉ đúng một phần. Đó là cậy nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô, là công nghiệp vô giá, vì nếu không có công nhiệp Chúa đã chịu đau khổ, đã bị đóng đanh và chết trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại, thì không ai có thể được cứu rỗi, vì “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv  4 :12)

Nghĩa là nếu Chúa Kitô không xuống thế làm Con Người và “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20:28) thì không ai có thể làm gì để tự cứu mình và cứu người khác được. Đây là điều chúng ta phải tin chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, dù công nghiệp cứu chuộc của Chúa cứu thế Giêsu và ơn của Thiên Chúa là đủ cho ta được cứu rỗi, nhưng Thiên Chúa vẫn đòi con người phải cộng tác vào ơn cứu độ đó bằng nỗ lực tin yêu Chúa và xa tránh mọi tội lỗi, vì nếu không, thì ơn  cứu chuộc vô giá kia của Chúa Kitô vẫn sẽ trở nên vô ích như thường.

Thật vậy, bản chất con người, tuy bị băng hoại vì tội Nguyên Tổ (Origional Sin) và trở nên rất yếu đuối trước mọi cám dỗ của ma quỷ và dịp tội của thế gian, nhưng con người vẫn còn ý muốn tự do (Free will) mà Thiên Chúa tôn trọng cho con người sử dụng để hoặc tự do chọn sống theo đường lối của Chúa, hoặc theo thế gian tội lỗi để quay lưng lại với Thiên Chúa là Cha nhân từ, “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2: 4)

Kinh nghiệm bản thân của mỗi người chúng ta đủ chứng minh điều này: đó là chúng ta không bị bó buộc phải yêu mến Chúa và làm việc lành phúc đức. Chúng ta vẫn cảm thấy mình được tự do sống cho Chúa hay theo thế gian vô thần, vô luân,  vô đạo.

Cụ thể, ngày Chúa Nhật, có biết bao người Công Giáo đã tự ý không  đi tham dự Thánh Lễ, để ở nhà coi football, hay đi đánh bạc và du hí ở những nơi tội lỗi. Lại nữa, có biết bao người tự do bỏ vợ, bỏ chồng, dù đã có con cái và sống chung với nhau nhiều năm. Có vợ chồng còn thuê người khác giết vợ hay chồng của mình  để đi xây tổ ấm mới! Và còn biết bao người khác đã và đang làm những sự dữ như giết người, gian manh, lường đảo, dâm ô, bài bạc , trộm cướp, bóc lột … Nếu sống như vậy, thì họ nghe theo tiếng gọi của Chúa, nghe theo tiếng lương tâm của họ hay theo thói đời hư đốn đồi trụy?

Chính vì con người còn có tự do để làm sự lành sự thiện hay sự gian ác, tội lỗi, nên đức tin phải được chứng minh cụ thể bằng hành động như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã dạy như sau: “Thưa anh  em, ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người đó được chăng?” (Gc 2:14).

Cụ thể, nếu tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà lại không thi hành những lời Người dạy bảo về mến Chúa, yêu tha nhân, yêu mến sự thiện hảo, công bình và bác ái, thì đức tin đó là “đức tin chết” theo lời dạy của Thánh Giacôbê (x. Gc: 12: 17).

Kinh Thánh cho biết ông Abraham đã thể hiện đức tin và lòng mến yêu Thiên Chúa của ông bằng hành động dám hy sinh con mình là Isaac, như Thiên Chúa đòi hỏi để thử thách ông. Và ông đã chứng minh đức tin và đức mến phi thường của mình khi đang định sát tế con một của ông, nên “Thiên Chúa kể ông là người công chính và ông được gọi là bạn của Thiên Chúa.” (Gc 2: 23)

Như thế đủ cho thấy là đức tin cần được thể hiện cụ thể bằng hành động theo gương ông Abraham và các Thánh Tử Đạo là những người đã dám đỏ máu mình ra để tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nhưng không phải chỉ đổ máu ra mới minh chứng được đức tin. Ngược lại, bằng đời sống bình thường trong gia đình và ngoài xã hội,  người có đức tin vẫn có thể biểu lộ đức bằng hành động cụ thể, như  làm việc bác ái, nhẫn nhục, chịu đựng và tha thứ cho người khác  để minh chứng  niềm tin sống động của mình vào Thiên Chúa, là Cha nhân từ, đầy yêu thương và tha thứ. Trái lại, nếu miệng  tuyên xưng đức tin có Thiên Chúa là Cha cực tốt cực lành,  tin Chúa Kitô là Đấng cứu chuộc nhân loại, nhưng chân lại bước vào những con đường tội lỗi như cờ bạc, gian manh, lừa đảo, dâm ô ,trộm cắp, giết người …thì  dẫu có tuyên xưng đức tin hàng trăm ngàn lần ngoài môi miệng cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa những lời sau đây:

Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa, lậy Chúa, là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7: 21)

Làm theo ý muốn của Cha trên Trời, có nghĩa là thực thi những Điều Răn của Chúa về yêu thương, công bình, bác ái và thánh thiện, nghĩa là thể hiện đức tin bằng hành động cụ thể sao cho phù hợp với niềm tin có Chúa là Cha ngự trên trời, là Đấng công minh thưởng phạt con người về những việc mình làm trên trần thế này.

Mặt khác, nếu chỉ cần có đức tin là đủ cho được cứu rỗi như anh  em Tin Lành rao giảng, thì tại sao Chúa Giêsu, qua dụ ngôn về Ngày Phán Xét Chung, lại nói với những người đứng bên phải Người như sau: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi …Vì  xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn, Ta khát các người đã cho uống…” (Mt 25:34-35). Còn những kẻ đứng bên trái Người, Chúa cũng phán bảo họ rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ta ăn; Ta khát các người đã không cho uống,.. Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm nom…” (cc. 41-42)

Khi phán những lời trên với hai loại người đứng bên phải và bên trái, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo đói, bệnh tật và tù đày đang có mặt ở khắp nơi trên trần gian này. Nếu chúng ta thực thi đức tin bằng đức ái nồng nàn để ra tay cứu giúp những anh chị em kém may mắn đó, thì chúng ta đã thi hành bác ái với chính Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những người xấu số đó. Ngược lại, nếu chúng ta làm ngơ, hay dửng dưng  trước những đau khổ và nghèo đói của anh chị  em  đồng loại, thì  chúng ta đã  nhắm mặt bịt tai để không nhìn, không nghe tiếng Chúa đang kêu xin chúng ta nơi những người đau khổ, thiếu thốn, tù đầy, và bệnh tật ở quanh mình.

Tóm lại, dụ ngôn Ngày Phán Xét Chung đã hùng hồn nói lên sự cần thiết phải thể hiện đức tin bằng hành động bác ái tương xứng để đáng được lãnh nhận ợn cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng cũng vì yêu thương con người cách cụ thể  mà đã  “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” (Mt 20 : 28)

Như vậy, chỉ tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô như anh em Tin Lành chủ trương là chưa đủ, mặc dù là cần thiết. Cần thiết vì nếu không có công nghiệp cực trọng của Chúa Kitô, thì không ai có thể  tự sức mình làm được gì để đáng được cứu rỗi. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu chỉ tin Chúa Kitô và nhờ ơn cứu chuộc của Người mà không làm gì hết về phần mình; hay tệ hại hơn nữa, là cứ sống thù nghịch với thập giá của Chúa Kitô bằng đời sống phản chứng, phạm những tội khiến  Chúa đã bị đóng đanh để đền thay cho, thì chắc chắn công cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giêsu sẽ trở nên vô ích cho những ai cứ sống đức tin cách  mâu thuẫn như vậy.

Tóm lại, ta không thể lợi dụng công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô và  không làm gì về phần mình để cộng tác với ơn cứu độ của Chúa. Đó là lý do  tại sao  Giáo Hôi Công Giáo dạy con cái mình phải tin Chúa Kitô và minh chứng niềm tin ấy bằng quyết tâm cải thiện đời sống dựa trên Tin Mừng Cứu Độ và cụ thể hóa niềm tin bằng hành động bác ái theo tinh thần dụ ngôn Ngày Phán Xét chung nói trên.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn:http://tonggiaophanhue.net 

GIẢI THÍCH NHỮNG TỘI PHẠM ĐIỀU RĂN THỨ HAI CỦA CHÚA


Hỏi: Xin cha giải thích rõ tội phạm điều răn Thứ Hai của Chúa
Trả lời của Linh mục Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn
Là người tín hữu Công giáo, ai cũng thuộc lòng điều răn thứ hai: cấm kêu tên Chúa vô cớ. Tại sao như vậy ?
Câu trả lời là chính Thiên Chúa đã truyền cho dân Do Thái qua miệng ông Môsê  mệnh lệnh sau đây:
          “Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì  Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng danh Người cách bất xứng” (Xh 20: 7; Đnl 5: 11)
          Nhưng thế nào là dùng Danh Chúa cách bất xứng ?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhớ lại sự kiện Thiên Chúa tỏ mình cho ông Môsê từ bụi cây bốc cháy và truyền cho ông sứ mạng dẫn đưa dân Do Thái từ Ai Cập trở về quê hương sau bao năm sống nô lệ và thống khổ trên đất Ai Cập. Ông Môsê, trước hết, đã ngần ngại, không dám nhận làm việc đó, nên đã  hỏi tên Chúa để có cớ nói với dân, và Chúa đã trả lời  ông như sau:
          “Ta là Đấng Tự Hữu. Ngươi hãy nói với con cái Ỉsrael thế này: “Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh  em, Thiên Chúa của Ap-ra ham, Thiên Chúa của Ixaác, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh  em. Đó là Danh Ta cho đến muôn thủa. Đó là Danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời này đến đời kia.” (Xh 3 : 14-15)
Như thế, Danh của Thiên Chúa là Đức Chúa, Đấng Tự hữu đã mặc khải cho ông Môsê để nói lại cho dân Do Thái trước tiên và cho hết mọi người , mọi dân trên trần thế này được biết để tôn thờ, tôn kính đến muôn đời.
      Tác giả Thánh Vịnh 29 và 113 đã ca tụng Danh Thánh Chúa như sau :
              “ Hãy  dâng Chúa vinh quang xứng Danh Người
                   Và thờ lậy Chúa uy nghiêm thánh thiện.” (Tv 29: 2)
Hoặc :
                            “Halêluia !
                        Hởi tôi tớ Chúa, hãy dâng lời  ca ngợi.
                        Nào ca ngợi Danh thánh Chúa đi.
                         Chúc tụng Danh thánh Chúa.
                        Tự bậy giờ cho đến mãi muôn đời.” (Tv 113: 1-2)
Do đó, tôn kinh Thánh Danh Chúa cũng thuộc về nhân đức thờ phượng Chúa trên hết mọi sự như nội dung điều răn Thứ Nhất dạy ta.
Giáo lý của Giáo Hội dạy như sau về việc kính Thánh danh Chúa:
        “ Trong số các lời của Mặc Khải, có một lời rất đặc biệt : đó là lời Mặc khải Danh Thánh của Thiên Chúa, qua đó, Thiên Chúa cho con người biết Danh của Ngài. Nghĩa là Thiên Chúa tự mặc khải mình cho  những ai tin Người  trong mầu nhiệm riêng tư về Người. Danh Thánh của Thiên Chúa là một quà tặng tin cẩn và mật thiết. Danh của Người là thánh,  vì thế con người không được lạm dụng Thánh Danh của Thiên Chúa, mà phải yêu mến tôn thờ trong tâm hồn, và chỉ nhắc đến Danh Thánh Chúa để cảm tạ, ngợi khen và tôn vinh Thánh Danh đó mà thôi.” (SGLGHCG số 2143)
Cũng cần nói thêm nữa  là Thánh Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đều phải được tôn thờ  tôn kính như nhau, vì cùng là Một Thiên Chúa duy nhất mặc dù với Ba Ngôi Vị. Thêm vào đó, cũng  phải kinh danh thánh của Đức Mẹ và các thánh Nam nữ , vì các ngài là vinh quang của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng,  thánh hóa và nâng đỡ để các ngài được bước lên bậc hiển thánh trên Nước Trời để cùng với  các đạo binh Thiên Quốc ,ngày đêm chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa đến muôn đời.
Do đó,  những hành động hay việc làm sau đây được coi là xúc phạm đến Thánh Danh Chúa :
1-  Trước hết là phải có can đảm xưng danh Chúa trước mặt người đời và nhất là trước những kẻ muốn bách hại đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô,  Đấng đã đến trong trần gian làm Con Người để “cứu chuộc muôn người”. Nghĩa là nếu không dám xưng mình là người tin có Thiên Chúa thì cũng được coi là chối Chúa và xúc phạm đến Danh Thánh của Người trước mặt người khác. Khi được rửa tội, chúng ta được rửa “nhân Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28: 19) Do đó,  người tín hữu Chúa Kitô chân chính mang danh Chúa Ba Ngôi, không thể nói ba phải là “Lậy Chúa, lậy Phật, lậy Đấng Mohammed”… để muốn làm vui lòng người khác tín ngưỡng với mình. Ta tôn trọng niềm tin của họ, nhưng phải có can đảm và hãnh diện tuyên xưng Thiên Chúa là Cha duy nhất của mình trong mọi hoàn cảnh.
2-   Nếu nhân danh Chúa để thề hứa với ai điều gì thì phải tôn trọng và thi hành lời hứa đó vì đã lấy Danh Chúa mà hứa với họ. Nếu không tôn trọng lời  hứa vì Danh Chúa thì đã coi Chúa là Người nói dối như Thánh Gioan đã dạy như sau:
           “Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội thì chúng ta coi Người (Thiên Chúa) là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta.” (1 Ga 1 :10
3-  Nói phạm thánh (blasphemy) là trực tiếp phạm điều răn thứ hai. Tội phạm thánh bao gồm những tư tưởng và lời nói xúc phạm đến Danh Thánh Chúa như những lời giận dữ, oán trách Chúa – hoặc ghê gớm hơn nữa - là nguyền rủa Thiên Chúa chỉ vì một bất mãn, hay tai họa chẳng may gặp phải, khiến mất niềm tin và kính trọng đối với Chúa, như thánh Giacôbê Tông Đồ đã nói như sau: “Chẳng phải họ nói xúc phạm đến Danh Thánh cao đẹp mà anh  em được mang đó  sao?” (Gc 2: 7)
Đó là những kẻ mang danh Chúa, tự nhận mình là người có Đạo của Chúa Kitô nhưng lại làm hoặc  tham gia vào những việc tỗi lỗi như ức hiếp, bóc lột, tra tấn người khác, buôn bán dâm ô, cần sa  ma túy, làm chứng gian cho người khác thay vợ đổi chồng, lường gạt trộm cướp… Người  Kitô-hữu Công giáo mà làm những việc vô luân vô đạo này thì chắc chắn sẽ khiến cho người khác thù hận tôn giáo của mình và căm thù cả Đấng mà mình mang Danh Thánh là Chúa Kitô. Đây là tội phạm thánh rất nghiêm trọng phải tránh cho được xứng đáng là người tin yêu Chúa Kitô sống giữa những người không chia sẻ cùng niềm tin với mình, giữa những kẻ gian ác vì không có niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, công bình và đầy yêu thương.
Cũng được kể là tội phạm thánh khi nói hay có hành động xúc phạm đến Đức Mẹ và các thánh, như quăng ảnh tượng Đức Mẹ và thánh nam nữ  nào vào thùng rác hay lấy chân đạp lên các thánh tượng đó. Đặc biệt  ai  lấy Mình Thánh Chúa đem về nhà để làm chuyện mê tín nào đó thì cũng là hành động phạm thánh nghiêm trọng.
4-  Tội bội thệ (perjury) là tội xúc phạm đến Thanh Danh Chúa vì cố ý tuyên thệ để làm chứng một việc gian dối hay phủ nhận một lỗi nặng của chính mình trước luật pháp xã hội. Bội thệ cũng cố ý  hứa với ai điều gì nhưng cố ý không thi hành lời đã thề  hứa nhân danh Chúa.Do đó, người “bội thệ” không những có lỗi nặng đối với luật pháp xã hội, mà còn lỗi phạm đến Thiên Chúa là Đấng công bình và  chân thật tuyệt đối nữa .
Chúa Giêsu đã ngăn cấm việc bội thệ như sau: “Anh  em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: chớ bội thệ, nhưng hãy giữ trọn lời thề với Thiên Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh  em biết: đừng thề chi cả... Hễ có thì nói “có”, không thì phải nói “không”.Thêm thắt điều gì, là do ác quỷ.” (Mt 5 : 33,37)
Như thế, đủ cho thấy  bội thệ là một tội trọng đối với người tín hữu Chúa Kitô vì đã lạm dụng Thánh  danh Chúa để làm chứng cho việc gian dối, lỗi đức công bằng và bảo vệ chân lý mà mình phải tuân giữ để xứng đáng là người mang Thánh Danh Chúa như Thánh Chúa Kitô   đã dạy
        5-  Thề gian (false oaths) cũng là một hình thức bội thệ vì đã cố ý che dấu sự thật về việc mình hay kẻ khác đã làm để mong tránh hình phạt của xã hội. Người tín hữu Chúa Kitô, khi giơ tay thề gian với ai, đã mang Thánh Danh Chúa ra làm chứng cho sự gian dối, hay tội đã phạm, cho nên đã xúc phạm đến Thánh Danh Chúa cách nghiêm trọng. Nhưng ngược lại, nếu lấy Danh Chúa mà thề để bênh vực cho sự thật, sự ngay chính của mình trước kẻ tố cáo gian vì tư lợi, tư thù  thì đã nhân danh Chúa để bênh vực cho sự thật và lẽ phải, nên không có lỗi gì liên quan đến Điều răn thứ hai, cấm kêu tên Chúa vô cớ.
Nói khác đi, lời thề  chính đáng là sự kêu cầu danh Chúa để làm chứng cho sự thật. Nghĩa là chỉ được thề khi phải bênh vực cho lẽ phải và sự công chính mà mình muốn nhằm tới qua lời  thề mà thôi.
Tóm lại, Danh Chúa là thánh. Danh Đức Mẹ và các Thánh cũng là thánh. Danh xưng là tín hữu Chúa Kitô, kể cả tên Thánh bổn mạng lãnh nhận khi được rủa tội cũng là thánh.
Do đó, khi xử dụng Danh Thánh của Chúa hay của Đức Mẹ và các Thánh, kể cả danh xưng mình là tín hữu Chúa Kitô, vào những mục đích bất xứng như đã kể trên đây thì đều lỗi phạm điều răn thứ hai cấm dùng Danh Thánh cách bất xứng.
Ước mong giải đáp này thỏa mãn câu hỏi được đặt ra. 
Linh mục Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn
Nguồn: http://tonggiaophanhue.net