Đóng đinh thập giá: bị bỏ rơi hay mạc khải?



Lúc chúng đóng đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người Do thái". Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải, một đứa bên trái. (Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những tên phạm pháp.)

 Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: "Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi! " Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Kitô vua Ítraen, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

 Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giê-su kêu lớn tiếng: "Êlôi, Êlôi, lamaxabácthani! " Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: "Kìa hắn kêu cứu ông Êlia." Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không." Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. Bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa."
(Mc 15, 25-39 - Bản dịch PVCGK)



Tin Mừng Marcô trình bày một Đức Giêsu chết trong sự bỏ rơi hoàn toàn (Mc 15, 25-39). Trình thuật này rất khác với các Tin Mừng khác trình bày Đức Giêsu dường như kiểm soát được tình huống khi tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình hoặc nói chuyện với hai người cùng bị đóng đinh. Trong Tin Mừng Marcô, Đức Giêsu dường như câm lặng sau khi bị Philatô kết án. Các môn đệ hoàn toàn bỏ rơi Ngài. Trên thập giá, Đức Giêsu chỉ còn thốt ra những lời duy nhất bằng tiếng Aram, tiếng mẹ đẻ của mình : « Eloï, Eloï, lama sabaqthani ? Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Ngài bỏ tôi? » (15,35). Như vậy, việc chịu đóng đinh không phải là sự hoàn tất hay là cuộc vinh thăng về trời gì cả.

Đức Giêsu nói lên việc mình bị bỏ rơi và bày tỏ sự khó hiểu trước Thiên Chúa. Ngài đã trích đoạn đầu của Thánh Vịnh 22. Thánh vịnh này mở đầu với tiếng kêu thất vọng trước sự chết nhưng rồi kết thúc bằng sự hiện diện bất ngờ của Thiên Chúa bên cạnh người đang kêu la. Như vậy, có sự biến chuyển từ việc bị bỏ rơi sang sự hiện diện của Thiên Chúa.

Phản ứng của Thiên Chúa

Đức Giêsu có thật sự bị Thiên Chúa bỏ rơi không? Chứng từ của các Tin Mừng không kết thúc bằng cuộc đóng đinh thập giá. Thiên Chúa không bỏ rơi Đức Giêsu dù rằng đã không can thiệp để cứu Ngài khỏi phải chết.

 Phản ứng của Thiên Chúa trước cuộc hành hình Đức Giêsu được nhìn thấy trong các biến cố sau đó. Màn trong Đền Thờ xé ra. Theo niềm tin thời ấy, Đền Thờ là nơi cư ngụ của Thiên Chúa trên mặt đất. Có sự liên hệ giữa biến cố này với việc xé quần áo trong các nghi thức tang chế. Một cách nào đó, chúng ta thấy đây là hình ảnh của một Thiên Chúa đang để tang khi xé tấm màn nơi gian Cực Thánh của Đền Thờ.

Một chứng từ gây bối rối

Trình thuật cuộc khổ nạn của Tin Mừng Marcô kết thúc bằng một câu bất ngờ. Viên sĩ quan Roma thốt lên rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Đây là một người ngoại giáo đại diện cho quyền lực đã đóng đinh Đức Giêsu. Trước đó, trong Tin Mừng Marcô, ma quỷ đã loan báo tước hiệu này của Con Thiên Chúa. Giờ đây, đến phiên một người ngoại giáo mạc khải căn tính này của Đức Giêsu. Với cái nhìn của viên sĩ quan, cuộc hành hình đóng đinh không phải là Thiên Chúa bỏ rơi Đức Giêsu mà là sự mạc khải tước hiệu Con Thiên Chúa của Ngài.

Sébastien Doane



Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Uống rượu có tội không?



Uống rượu – hay thức uống có cồn – tự thân không phải là một tội. Vài đoạn Kinh Thánh khẳng định điều này. Trước hết, hãy xem lại đoạn nói về tiệc cưới Cana khi rượu hết:

Đức Giêsu bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: "Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc." Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." (Ga 2, 7-10)

Rõ ràng Chúa Giêsu là người sành rượu! Lời bình của người quản tiệc cho thấy rằng thường thì người ta phục vụ rượu ngon trước cho đến khi khách đã ngà ngà đến không còn nhận ra chất lượng rượu đang uống hay không phân biệt được rượu ngon với rượu xoàng. Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy Chúa Giêsu chấp nhận việc uống rượu

Thánh Phaolô cũng vậy. Chúng ta đều biết đến lời ngài khuyên Timôthê: “Từ nay anh đừng chỉ uống nước lã, nhưng hãy dùng thêm chút rượu, vì anh đau dạ dày và ốm yếu luôn.” (1 Tm 5,23). Thật thú vị, các nghiên cứu ngày nay cho thấy rằng uống rượu có lợi cho sức khỏe.

Nhưng nhìn nhận lợi ích của rượu đã có từ trước thời Tân Ước. Vài đoạn Cựu Ước cho thấy rằng uống rượu cũng được chứ có sao đâu.


  • Hãy đem chất men cho kẻ đang hấp hối, và đem rượu cho người chịu đắng cay, để họ uống mà quên đi cảnh nghèo, khỏi nhớ đến nỗi khổ đau phiền muộn nữa. (Cn 31, 6-7).
  • Ông Menkixêđê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao (Stk 14,18).
  • Cậu [Giacóp] bưng lại cho ông [Isaac], ông [Isaac] ăn; rồi cậu đem rượu đến, ông uống (Stk 27,25).
  • Anh (em) hãy đem bạc đổi lấy tất cả những gì anh (em) thèm: bò, chiên dê, rượu, đồ uống có men và tất cả những gì anh (em) ao ước; ở đó anh (em) sẽ ăn uống trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), và sẽ liên hoan với cả nhà . . . (Đnl 14,26).
  • Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ (Tv 104, 14-15).
  • Vậy cứ ăn cho vui vẻ, uống rượu cho thoả thích, vì Thiên Chúa đã vui nhận những việc bạn làm (Gv 9,7)
  • Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế (Is. 25, 6). Lưu ý rằng từ shemer trong tiếng Do Thái được dịch là “rượu ngon”, ở đây là rượu lên men.
Thiên Chúa đòi hỏi lễ thiêu của dân Israel phải gồm cả rượu, Aaron và các con ông sẽ uống phần còn lại: "Cùng với con chiên thứ nhất, ngươi sẽ dâng bốn lít rưỡi tinh bột lúa miến nhào với hai lít dầu ôliu giã trong cối, và lấy hai lít rượu nho làm rượu tế" (Xh 29, 40; Lv 23,13; Ds 15,5.7.10; 28, 7.14). Lưu ý rằng từ “shekar”, tiếng Do Thái, được dùng trong Ds 28, 7 có nghĩa là “rượu mạnh” (hoặc thức uống có cồn khác).

Như vậy, dễ hiểu rằng tại sao Giáo hội Công giáo không xem việc uống rượu tự nó là tội lỗi. Nhưng Giáo hội quan tâm đến việc uống thái quá. Sách Giáo lý Giáo Hội Công giáo khẳng định:

“Ðức tiết độ giúp con người tránh mọi thái quá như: ăn uống quá độ, rượu chè, say sưa lạm dụng thuốc lá và y dược. Những người say rượu hoặc say mê tốc độ, gây nguy hiểm cho tha nhân và ngay chính mình trên đường bộ, đường thủy và đường hàng không, đều phạm tội nặng.” (GLGHCG số 2290).

Giáo huấn này cũng được Kinh Thánh ủng hộ. Chẳng hạn như Thánh Phaolô thường xuyên cảnh báo việc say sưa:


  • Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương . . . (Rm 13,13)
  • Không, khi viết thế, tôi muốn nói với anh em là đừng đi lại với kẻ nào mang danh là người anh em mà cứ dâm đãng, tham lam, thờ ngẫu tượng, quen chửi bới, say sưa rượu chè hoặc trộm cắp; anh em cũng phải tránh đừng ăn uống với con người như thế. (1 Cr 5,11).
  • Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp. (1 Cr 6,9-10).
  • . . . ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa (Gl 5,21).
  • Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí (Ep 5,18).
  • Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền (1 Tm 3, 2-3).
  • Giám quản, với tư cách là quản lý của Thiên Chúa, phải là người không chê trách được, không ngạo mạn, không nóng tính, không nghiện rượu, không hiếu chiến, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn (Tt 1, 7).
Thánh Phêrô cũng nói những lời tương tự: “Thật thế, trong quá khứ anh em đã sống theo sở thích dân ngoại: dâm ô, mê đắm, nhậu nhẹt, say sưa, chè chén, tin vơ thờ quấy, như vậy là quá đủ rồi” (1 Pr 4,3). Tiếng Hy Lạp để dịch từ “say sưa” trong đoạn này là oinophlugia, cũng có gốc từ là oinos (rượu nho).

Những giáo huấn trên không có gì mới  - Cựu Ước cũng dạy như vậy:
  • Rượu nồng sinh nhạo báng, men say tạo ồn ào, kẻ nào vướng vào đó, đâu còn là người khôn. (Cn 20,1).
  • Đừng nhập bọn với quân chè chén say sưa, với những kẻ chỉ mê ăn mê nhậu (Cn 23, 20). Trong đoạn này, một từ Do Thái khác là caba, được dịch là “quân chè chén say sưa”.
  • Khốn thay những người dậy sớm để chạy theo ma men, những kẻ kề cà mãi tới khuya, cho rượu nung đốt chúng (Is 5, 11). "ma men " ở đây là dịch từ shekar – cũng là từ được dùng trong Is 5, 22.
  • khốn thay những anh hùng tửu lượng, những tay vô địch nghề pha chế rượu nồng (Is 5, 22).
Cũng nên xem thêm sách Châm Ngôn 23, 29-35:

Ai kêu : "Than ôi !" ? Ai kêu : "Khổ quá !" ?
Ai cứ gây gổ ? Ai phải thở than ?
Ai chịu những vết thương vô lý ?
Ai có đôi mắt đỏ ngầu ?
Đó là kẻ nấn ná mãi bên ly rượu,
là người đã nếm đủ thứ rượu ngon.
Nhìn rượu làm chi : rượu màu đỏ hồng,
óng ánh trong ly, rồi trôi xuống cổ.
Nhưng rốt cuộc, rượu như rắn cắn,
như nọc độc hổ mang.
Mắt con sẽ thấy những điều kỳ dị,
lòng con tuôn ra bao chuyện nhảm nhí.
Con như người bồng bềnh giữa biển khơi,
lắc lư trên cột buồm.
"Bị người đánh, tôi chẳng biết đau,
bị người đập, tôi đâu cảm thấy.
Đến bao giờ mới tỉnh rượu đây
để tôi lại kiếm thêm ly nữa ?"


Vậy chúng ta có phải kiêng hẳn việc uống rượu?

Rõ ràng Kinh Thánh không cho rằng tự thân việc uống rượu là tội lỗi, miễn là đừng uống thái quá. Kinh Thánh cũng nói đến những trường hợp không được uống rượu.

Chẳng hạn, khi việc uống rượu có thể đưa con người ta đến tội lỗi: “Đừng vì một thức ăn mà phá huỷ công trình Thiên Chúa. Đã hẳn, mọi thức ăn đều thanh sạch; nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu. Tốt nhất là đừng ăn thịt, uống rượu, và tránh những gì có thể gây cớ cho anh em mình vấp ngã” (Rm 14, 20-21). Thế đã đủ rõ chưa? Khi bạn đồng bàn với một tay bợm nhậu thì tốt hơn là nên cẩn thận, đừng cám dỗ anh ta nhậu tới bến. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn không bao giờ được uống chút rượu nào cả.

Trong Cựu Ước, Chúa cấm Aaron và các con trai uống rượu vào những dịp: “Ngươi cùng các con ngươi không được uống rượu và đồ uống có men, khi các ngươi vào Lều Hội Ngộ, kẻo các ngươi phải chết. Đó là quy tắc vĩnh viễn cho các thế hệ của các ngươi" (Lv 10, 9)

Chúng ta cũng thấy trong Cựu Ước có những loại người được thánh hiến cho Thiên Chúa bằng những lời thề bao gồm cả việc kiêng uống rượu: “Khi người nào, nam hay nữ, tách riêng mình bằng dâng lời khấn làm nazir để giữ kiêng khem kính Giavê, người ấy sẽ kiêng rượu và chất say, không được uống giấm chua từ chất rượu cũng như giấm chua từ chất men, không được uống mọi thứ nước nho, …" (Ds 6, 2-3; cf. Tl 13, 7). Có thể Gioan Tẩy Giả đã khấn như thế - xem Lc 7, 33.

Như vậy, nếu lấy Kinh Thánh làm Kim Chỉ Nam, thì uống rượu không có tội, nhưng không nên uống thái quá!
Jim Blackburn
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Câu kết ''nhờ Đức Kitô Chúa chúng con'' có ý nghĩa gì?



Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma..
 
Hỏi: Thưa cha, con có một câu hỏi về lời nguyện đầu lễ và lời nguyện sau Hiệp lễ, cả trong bản gốc Latinh và bản dịch tiếng Anh mới của Sách lễ. Trước khi có bản dịch mới, lời nguyện đầu lễ thường kết thúc bằng các lời như "Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời". Tương tự như vậy, lời nguyện sau Hiệp lễ thường kết thúc bằng "Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, We ask this through Christ our Lord", hay đại khái là vậy. Việc nhấn mạnh là dựa vào sự việc rằng lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên nhờ Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên, trong bản dịch mới, phù hợp với bản gốc Latinh, lời nguyện đầu lễ bỏ các chữ "Chúng con cầu xin, We ask this" và thay vào đó chỉ đơn giản nói: "nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con..., Through our Lord Jesus Christ”. Và tương tự như vậy, lời nguyện sau Hiệp lễ chỉ đơn giản kết thúc với các lời "nhờ Đức Kitô Chúa chúng con", hoặc một cụm từ tương tự. Câu cuối cùng của các lời nguyện này có thể có ý nghĩa tương tự như trong trường hợp của bản dịch trước đây, cụ thể là chúng ta dâng lên lời nguyện nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng nó cũng có thể có nghĩa là chúng ta đang xin Thiên Chúa ban cho chúng ta các ơn nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta. Ví dụ, trong Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, lời nguyện đầu lễ là "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Gio-đăng và Thánh Thần ngự xuống trên Người, Chúa đã long trọng tuyên bố Ngươi là Con chí ái. Xin cho chúng con là đoàn nghĩa tử được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, hằng bền vững thi hành ý Chúa. Nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, ..." (Bản dịch Việt ngữ của Ủy ban Phụng tự thuộc Hội đồng Giám Mục Việt Nam). Sự nhấn mạnh có thể là dựa vào sự việc rằng lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên nhờ Chúa Giêsu Kitô. Nhưng sự nhấn mạnh cũng có thể dựa vào sự việc rằng chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, đang xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn hằng bền vững thi hành ý Chúa. Đâu là ý nghĩa chính của câu một hay câu hai của các lời giải thích trên đây, nghĩa là lời nguyện được dâng lên nhờ Chúa Giêsu, hoặc ơn được Thiên Chúa ban nhờ Chúa Giêsu ? Hoặc là có sự nhấn mạnh tương đương trong cả hai ý nghĩa? Con nhận xét rằng khả năng của sự mơ hồ này là một trong các lý do tại sao, trong cú pháp tiếng Anh, chúng ta thường không có một câu giới từ đứng một mình như là một câu riêng. - E. H., Falls Church, Virginia, Mỹ.

Đáp: Ngoài việc chỉ là đơn giản trung thành với bản gốc Latinh, dường như các người dịch quyết định sử dụng cụm từ ít rõ ràng, một cách chính xác bởi vì câu "Nhờ Đức Kitô" tùy thuộc vào nhiều sắc thái của ý nghĩa đích thực.

Thật vậy, bản dịch tiếng Anh trước đó "Chúng con cầu xin, We ask this” dường như hạn chế ý nghĩa của lời nguyện, trong khi "sự mơ hồ ", hay đúng hơn là nhiều ý nghĩa, của câu "nhờ Đức Kitô Chúa chúng con, Through our Lord Jesus Christ " là phong phú hơn về thần học .

Một số các sắc thái của ý nghĩa đã được nhìn thấy trong Tân Ước như sau.

Ví dụ, Thư gửi tín hữu Êphêxô nói: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha (5, 20). Hoặc “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 17) .

Câu "Nhờ Đức Giêsu Kitô" đôi khi được đưa vào lời nguyện thực tế, chẳng hạn trong phần mở đầu và kết thúc của Thư gửi tín hữu Rôma (Rm): "Trước hết, nhờ Đức Giêsu Kitô, tôi tạ ơn Thiên Chúa của tôi về tất cả anh em" (1, 8) và "Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen" (16, 27).

2 Cr 1, 20 cũng khá rõ ràng: "Quả thật, mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là “có" nơi Người. Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên”Amen" để tôn vinh Thiên Chúa"

Theo học giả phụng vụ nổi tiếng J. A. Jungmann , sự giải thích cho đoạn văn trên của thánh Phaolô là rằng "Các tín hữu trong sự thờ phượng công khai, qua tiếng thưa Amen của họ, tuyên bố là đồng ý với lời nguyện được dâng lên nhờ Chúa Kitô, bởi vì chính Ngài được Thiên Chúa ban cho chúng ta như là Đấng Cứu Độ và Đấng Trung Gian".

Do đó, cụm từ "nhờ Đức Kitô Chúa chúng con" không chỉ tuyên bố sự đồng thuận với nội dung của lời nguyện, nhưng cũng công nhận vai trò của Chúa Kitô như Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người, và thực sự Ngài là "Đấng trung gian duy nhất" (xem 1 Tm 2, 5) .

Các Kitô hữu thời ban sơ đã nhận thức được khả năng trung gian của lời cầu nguyện, nhưng vai trò này thường được gán cho một thiên thần, và thiên thần này chuyển thông, có thể nói như vậy, lời cầu nguyện từ tâm hồn của con người lên cho Chúa.

Tuy nhiên, bởi vì các Kitô hữu cũng cầu nguyện với chính Chúa Kitô, ít nhất là trong riêng tư, nên không chắc rằng họ đang nghĩ đến sự trung gian theo nghĩa của sự chuyển tiếp lời cầu nguyện.

Thay vì là “một Đấng trung gian", họ xem Ngài là Đấng Trung gian theo một cách mới. Trong một ý nghĩa, Ngài là Đấng Trung gian, vì Ngài đã giành sự cứu rỗi cho chúng ta qua các sự kiện của mầu nhiệm vượt qua của Ngài.

Trong ý nghĩa khác, vai trò trung gian của Chúa Kitô là không giới hạn vào các sự kiện lịch sử của sự cứu rỗi chúng ta, nhưng vẫn tiếp tục bởi vì Ngài sống mãi mãi với Thiên Chúa, như là đầu của Giáo Hội, Nhiệm thể của Ngài. Ngài là Đấng Bảo Trợ của chúng ta trước mặt Chúa Cha (xem 1 Ga 2, 1; Rm 8, 34 ). Ngài cũng là vị Thượng Tế của chúng ta, như được nhấn mạnh trong toàn Thư gửi tín hữu Hipri (Hr).

Vì vậy, đối với những người trong chúng ta được kết hợp với Ngài trong Giáo Hội của Ngài, Chúa Kitô hoạt động như một trung gian của lời cầu nguyện của chúng ta, vì Ngài hỗ trợ lời cầu nguyện của chúng ta, và ban cho nó thêm sức mạnh và hiệu quả, vốn có thể là không có nếu nó không được thông chuyển qua Ngài.

Jungmann đã nói: "Lời cầu nguyện của cá nhân nào thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Giáo Hội của Ngài, sẽ có sự cộng hưởng đầy đủ trước mặt Chúa. Linh hồn Chúa Giêsu rung động với các lời cầu nguyện của Giáo Hội của Ngài, nghĩa là, Ngài nhận thức được lời nguyện của chính Ngài và đồng tình với các lời nguyện của tín hữu, miễn là lời nguyện tốt lành. [...] Tương tự như vậy, các lời cầu nguyện của Giáo Hội để chúc tụng Thiên Chúa có ý nghĩa và giá trị, chỉ bởi vì Chúa Kitô là vị Thượng Tế đứng đầu và tham gia vào lời nguyện”.

Một học giả phụng vụ nổi tiếng khác, Odo Casel, bổ sung khái niệm Jungmann , mà ông xem là quá nhiều từ một góc độ hoàn toàn đạo đức. Ông nói thêm rằng câu "nhờ Đức Kitô Chúa chúng con" cũng nên được hiểu một cách vật lý: "Thiên Chúa làm Người là cốt yếu Đấng Trung gian của tất cả lời cầu nguyện, vốn diễn ra trong Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, Ngài luôn luôn hành động như là Đầu của Nhiệm Thể”.

Do đó, có nhiều sắc thái của ý nghĩa được gói gọn trong câu "nhờ Đức Kitô Chúa chúng con", và tất cả đều có mặt mỗi khi các linh mục đọc lời nguyện, và các tín hữu hoàn thành nó với lời thưa đồng thuận Amen của họ. (Zenit.org 13-5-2014)
Tác giả bài viết: Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ
Nguồn tin: Vietcatholic.org

Văn hoá Mắm trong ẩm thực Nam bộ




ThS. Nguyễn Thị Tuyết Ngân

Từ xưa tới nay, ăn thuộc loại nhu cầu được chú trọng hàng đầu. Ông bà ta quan niệm: “Có thực mới vực được đạo”. Ăn uống không đơn thuần là việc cung cấp năng lượng để duy trì sự sống mà là một thành tố văn hoá quan trọng - văn hoá ẩm thực. Tuỳ theo điều kiện sinh sống mà mỗi vùng miền có những nét đặc thù văn hoá ẩm thực riêng biệt của mình.
Đối với các dân tộc trồng trọt định cư ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng thì cơ cấu bữa ăn là cơm-rau-cá. Trong đó cơm là sản phẩm của văn hoá nông nghiệp lúa nước, cơm-rau phản ánh một cơ cấu ăn thiên về thực vật, và cả ba đều là sản phẩm của vùng sông nước Đông Nam Á [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 343-349]. Điều kiện địa lý vùng này đã cung cấp một nguồn thực phẩm thiên nhiên tôm cá vô cùng phong phú, phần sử dụng ngay, phần để dành, nên đã phát hiện ra cách muối cá làm mắm. Mắm ở đây thông dụng tới mức có một số nhà nghiên cứu Đông Nam Á đã mô hình hoá bản sắc ẩm thực khu vực này thành: cơm-rau-mắm-ớt.
Cơ cấu này có thể nói là phản ánh khá đúng tập tục ẩm thực của vùng Nam Bộ Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam thường được nhắc đến kèm với nước mắm (= mắm) như một đặc trưng đương nhiên. Tuy nhiên, khi nghiên cứu văn hoá Nam Bộ, ta thấy nhận định này chưa hoàn toàn chính xác, bởi lẽ trong khi người Bắc Bộ chỉ dùng được nước mắm, còn các loại mắm khác hầu như không dám đụng đũa, thì người Nam Bộ không chì dùng nước mắm, mà ăn đủ loại mắm vô cùng đa dạng và phong phú. Có thể nói rằng trong ẩm thực Nam Bộ, mắm tạo thành một tiểu thành tố văn hoá điển hình nhất.
Bài viết này trình bày về văn hoá mắm Nam Bộ theo một trong các mô hình cấu trúc hiện tượng văn hóa do Trần Ngọc Thêm đề xuất [1998; 2005]: Từ văn hoá nhận thức về mắm chuyển sang tìm hiểu về văn hoá tận dụng mắm, văn hoá đối phó với mắm, văn hoá sùng bái mắm, và văn hoá lưu luyến mắm.

1. Văn hoá nhận thức về Mắm

1.1. Khái niệm mắm

Mắm có nhiều loại. Mỗi địa phương, mỗi thương hiệu mắm lại có các cách gia giảm khác nhau.
“Mắm có tảng nền từ thuỷ sản, để nguyên con hay giã nhỏ, muối mặn và để một quá trình lên men bằng gạo thính, có khi cho thêm ít rượu để “thơm” và thúc đẩy quá trình lên men” [Trần Quốc Vượng 2000: 416]. Bỏ qua những chi tiết khu biệt địa phương, từ điển tiếng Việt định nghĩa “mắm là thức ăn làm bằng tôm, cá sống ướp với muối và để lâu ngày cho ngấu” [Hoàng Phê 1992: 613].
Hai định nghĩa trên đã nêu được ba đặc trưng cơ bản nhất của mắm, đó là: nguyên liệu thuỷ sản - ướp muối - và thời gian lâu ngày[1]. Từ ba đặc trưng này, ta có thể định nghĩa: mắm là thức ăn chế biến từ thuỷ sản ướp muối để lâu ngày cho lên men.
Do thuộc loại lên men, nên mắm ăn dễ tiêu, thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng bức. Chính vì thế, “nước mắm và các loại mắm là sáng tạo đặc thù của cư dân Việt Nam và Đông Nam Á” [Trần Ngọc Thêm 1998][2].

1.2. Mắm trong không gian

Ở Đông Nam Á, mắm rất phổ biến. Lào, Thái có mắm nhái, mắm ngoé. Ở Thái Lan mắm cá gọi là pla-raa, nước mắm gọi là nam-pla. Một trong những món ăn được người Thái ưa thích nhất là nậm-pia (một thứ mắm ruốc cá). Ở Lào mắm gọi là pa-dek [Tungson2009]. Người Khmer có mắm bò-ót (làm từ tép), mắm pra-hoc (làm từ cá với cơm nguội). Món ăn truyền thống đặc trưng nhất của người Miến là nga-pi (cá ép, cá mắm...). Ở Indonesia bả cá gọi là trasi, nước mắm gọi là kecap ikan. Nước mắm ở Malaysia gọi là budu, ở Philippines gọi là patis... [Phan Thị Thanh Quế 2007].
Ở Việt Nam, từ Bắc đến Nam đều dùng mắm. Trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên [1992] có 7 mục từ liên quan đến mắm: mắm, mắm cái, mắm kem, mắm lóc, mắm muối, mắm nêm, mắm tôm. Trong các từ điển văn hoá của Việt Nam thì mắm là mục từ không thể thiếu. Nhưng do điều kiện địa hình và khí hậu khác nhau, mỗi vùng có những đặc điểm rất khác nhau trong sử dụng mắm.
Sự ra đời của mắm như một loại văn hoá ẩm thực đặc biệt đòi hỏi tối thiểu hai điều kiện: (1) địa hình sông nước cung cấp thủy sản ở mức dư thừa và (2) khí hậu nắng nóng quanh năm (có nhiệt độ cao) để mắm “chín” và ngăn chặn không cho giòi bọ xâm hại.
Bắc Bộ là vùng đồng bằng rộng lớn, người dân làm ruộng và quay lưng lại với biển, khí hậu có mùa lạnh (đáp ứng một phần điều kiện 1, điều kiện 2 ở mức yếu) nên chủ yếu chỉ dùng mắm đồng dưới dạng nước mắm. Với phần lớn người dân Bắc Bộ, mắmnước mắm là hai khái niệm gần như đồng nghĩa. Vùng Bắc Trung Bộ thì sông ít và dốc, bờ biển cũng không sâu, không thuận lợi lắm cho việc đánh bắt thuỷ sản, khí hậu cũng có mùa lạnh như Bắc Bộ, nên chủ yếu dùng mắm biển dưới dạng nước mắm, mắm xác đối với vùng này là một món đặc sản (vd như món mắm tôm chua Huế)[3].
Chỉ có từ vùng Nam Trung bộ trở vào mới đánh bắt được nhiều cá và có khí hậu nóng ấm quanh năm, cho nên các trung tâm làm mắm lớn của Việt Nam đều nằm ở hai vùng này.
Vùng Nam Trung Bộ có khí hậu nóng ấm quanh năm, địa hình vươn ra biển trong khi đất liền thì hẹp và núi chiếm phần lớn, cho nên mắm vùng này chủ yếu làm từ nguyên liệu hải sản (với các trung tâm nổi tiếng như Nha Trang, Phan Thiết).
Riêng vùng Nam Bộ đáp ứng được ở mức độ cao nhất hai điều kiện: (1) Có khí hậu nắng nóng quanh năm và (2) Có địa hình cực kỳ thuận lợi, vừa có sông nước chằng chịt cung cấp nguồn thủy sản nước ngọt dồi dào (hàng năm vào mùa nước lũ, các loại cá từ Biển Hồ tràn về, người dân cất vó, thả lưới, giăng câu, tung chài, xúc vợt... để bắt cá; cá thu được nhiều ăn không hết, số còn lại phải phơi khô, làm mắm để dành), lại vừa có các cửa sông rộng, hai mặt giáp biển tạo thành ngư trường đánh bắt cá lớn nhất nước, cung cấp nguồn thủy sản nước mặn vô cùng phong phú. Do vậy Nam Bộ là nơi dùng mắm phổ biến nhất - ở đây có đủ cả mắm biển lẫn mắm đồng, mắm xác lẫn mắm nước.
So sánh cách thức sử dụng mắm ở các vùng miền Việt Nam, ta có bảng sau:
         Vùng miền
Loại mắm
Bắc và Bắc Trung Bộ
Nam Trung Bộ
NAM BỘ
Mắm đồng
+
-
+
Mắm biển
-
+
+
Mắm nước
+
+
+
Mắm xác
-
(+)
+
Nam Bộ có thể xem như “thủ đô” của mắm: đây là nơi có nhiều cơ sở sản xuất mắm nổi tiếng, địa phương nào cũng chế biến mắm. Mỗi vùng dùng các loại nguyên liệu khác nhau và có những bí quyết chế biến, gia giảm khác nhau, tạo ra vô số các biến dạng phong phú, được xem là đặc sản của địa phương: mắm nục, mắm thái, mắm Châu Đốc, mắm ruột cá Đồng tháp Mười, Mắm ruốc Kiên Giang, mắm ba khía Cà Mau, mắm còng Long An, mắm tôm chà Gò Công.... Khó có thể thống kê hết được có bao nhiêu loại mắm. Chỉ riêng vùng Châu Đốc (An Giang) đã có tới 25 loại mắm được chế biến bằng các phương pháp cổ truyền từ hàng trăm năm nay. Với tư cách là đặc sản vùng, từ lâu mắm các địa phương Nam Bộ đã đi vào tục ngữ, ca dao: Mắm Châu Đốc, dốc Nam Vang. Muốn ăn bông súng mắm kho, Thì vô Đồng Tháp ăn cho bõ thèm. Con cá cơm thơm hơn con cá bẹ, Bởi mê nước mắm Hòn, em bỏ mẹ theo anh...

1.3. Phân loại mắm

Mắm đa dạng phong phú cả về nguyên liệu lẫn cách thức chế biến, nên được dân gian phân loại theo nhiều cách.
1.3.1. Theo nguồn gốc môi trường mắm được chia thành mắm đồng và mắm biển. Theo nguồn gốc chất liệu, được chia thành mắm cá và mắm từ các thủy sản khác.
Mắm đồng được chế biến từ các nguyên liệu thuỷ sản nước ngọt đánh bắt ở sông rạch, ruộng đồng, hồ ao, v.v. Loại mắm này rất phổ biến ở Nam Bộ, nhất là khu vực miền Tây sông nước. Mắm biển là các loại mắm được chế biến từ các nguyên liệu hải sản.
Mắm cá là loại mắm phổ biến nhất, được làm từ nguyên liệu chính là cá các loại (cả nước ngọt lẫn nước mặn). Mắm còn được chế biến từ các loại thủy sản khác như: còng, ba khía, tôm, rươi,...
1.3.2. Theo hình thức thành phẩm, mắm được chia thành mắm nước và mắm xác.
Mắm nước là loại mắm được làm bằng cách dùng nhiều muối ướp thuỷ sản để lâu ngày lấy nước chưng lên làm gia vị để chấm hoặc nêm thức ăn. Loại mắm này thường được xử lý tiếp bằng cách nấu, lọc, tạo nên sản phầm cuối cùng ở dạng nước, vd: nước mắm cá, nước mắm sò, nước mắm cáy, nước mắm ruốc, nước mắm rươi...
Mắm xác gồm hai loại: Mắm nguyên dạng là loại mắm mà sau khi chế biến, sản phẩm vẫn còn giữ nguyên hình dạng hoặc những bộ phận cấu thành cơ thể thuỷ sản, vd: mắm ruột, mắm lóc, mắm cá linh, mắm cá cơm,... Mắm nhuyễn là loại mắm mà sau khi chế biến, sản phẩm hòa nhuyễn, không còn giữ hình dạng ban đầu của thủy sản, loại mắm này có thể do nguyên liệu là những loại thủy sản quá nhỏ hay quá lớn, hoặc dễ bị phân huỷ, hoặc được cố tình bằm, chà nhuyễn, vd: mắm tôm, mắm tép, mắm cá thu, mắm tôm chà...
1.3.3. Theo cách chế biến, có thể chia thành mắm sống và mắm chín.
Người dân Nam Bộ thường gọi các loại mắm cá là “mắm sống” và dùng ăn trực tiếp không cần qua công đoạn nấu nướng. Thực chất, mắm này được chế biến bằng cách muối cho lên men - đây là cách làm chín thức ăn không cần dùng lửa mà con người đã đúc kết được qua quá trình cải tạo tự nhiên của mình, giúp cho cơ thể có thể hấp thu trực tiếp.
Mắm chín gồm mắm chiên, mắm chưng, mắm kho (lẩu mắm) - đây là những cách làm mắm của người Nam Bộ thông qua chế biến bằng các nấu nướng. Mắm chiên là cách chiên mắm nguyên miếng, nguyên con trong dầu mỡ. Mắm chưng là cách nấu cách thuỷ mắm nguyên miếng nguyên con, hoặc mắm đánh nhuyễn trộn chung với thịt bằm, trứng, hoặc các gia vị. Mắm kho là loại mắm khi nấu cho thêm nước vào. Không chỉ mắm xác, mà mắm nước cũng có thể ăn sống và nấu chín.
Bảng các cách phân loại mắm
TIÊU CHÍ
LOẠI MẮM
Theo nguồn gốc
Môi trường
Mắm đồng
Mắm biển
Chất liệu
Mắm cá
Mắm từ các loại thủy sản khác
Theo hình thức
sản phẩm
Mắm nước
Mắm xác
Mắm nguyên dạng
Mắm nhuyễn
Theo cách chế biến
Mắm sống
Mắm chín
Mắm chiên
Mắm chưng
Mắm kho (lẩu mắm)

2. Văn hoá tận dụng mắm

Mắm được dùng rất thông dụng và rộng rãi trong các bữa ăn của người Nam Bộ.
Mắm có thể dùng làm thức ăn: Mắm trộn cơm, mắm trộn với thực phẩm khác làm thức ăn, hoặc làm đồ chấm, gia vị nêm thức ăn. Đó là chức năng thông dụng nhất của mắm. Người Nam Bộ từ xưa quan niệm rằng ăn nhiều mắm, cá sẽ giúp cho cơ thể khoẻ mạnh, dẻo dai, thậm chí còn có thể cầm cự lâu với bệnh sốt rét trước đây thường xảy ra ở miền đất còn hoang vu này. Các nhà dinh dưỡng học cho rằng các nguyên liệu thuỷ hải sản cung cấp nhiều chất đạm, chất béo có tác dụng ngăn ngừa các bệnh tim mạch và giàu iốt, can xi bổ sung cho cơ thể. Mắm chứa 3 loại đạm và đầy đủ các acid amin, đặc biệt là các acid amin không thể thay thế, các chất bay hơi, các chất vô cơ cần thiết và các vitamin như B1, B12, B2, PP [Phan Thị Thanh Quế 2007]. Hơn nữa, món mắm được chế biến qua quá trình lên men dễ tiêu hoá, phù hợp với khí hậu và thể trạng người Việt Nam. Theo Phan Thị Yến Tuyết, “mắm giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp nguồn đạm động vật dinh dưỡng cho người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì hàm lượng đạm tố khá cao trong nước mắm, đó lại là thứ gia vị truyền thống, hợp khẩu vị dân tộc nên hầu như trong mọi món ăn đều có nêm nước mắm, nó có mặt trên tất cả các bàn ăn thịnh soạn cũng như bình dân ở Đồng bằng sông Cửu Long” [1993: 72].
Người Nam Bộ cũng sử dụng mắm để bảo quản thức ăn, giúp thức ăn có thể để lâu. Thức ăn để trong mắm có thể giữ lâu được chính là nhờ độ mặn của muối trong mắm. Nhưng khác với cách muối cá thông thường, thức ăn được bảo quản theo cách này có thêm hương vị của mắm nên mùi vị thơm ngon hơn. Ví dụ: làm dưa mắm, thịt ngâm nước mắm... Những món này đôi khi bị một số người nhầm tưởng cũng là mắm.
Ngoài ra, người Nam Bộ còn sử dụng nước mắm làm đồ khử mùi vị, tăng độ ngọt của thức ăn. Ví dụ như cách ăn xoài tượng chua chấm mắm đường. Trong các đám cỗ trước kia, khi tráng miệng thường có vài ba món ngọt, nhưng mỗi món có vị ngọt riêng. Do vậy bên cạnh đồ ngọt, trên bàn ăn người ta để một chén nước mắm ngon. Mỗi khi ăn xong một món ngọt, khách chấm cây tăm vào chén nước mắm rồi đưa lên miệng nhấm để đánh tan vị của món trước, rồi mới tiếp tục thưởng thức món sau.
Một số người dùng nước mắm bôi vào vết bỏng để hy vọng vết bỏng chóng lành. Đây là một quan niệm sai lầm do xuất phát từ thực tế là khi bị bỏng, cần có vật lạnh áp vào cho hạ bớt nhiệt độ (thường người ta dùng nước lạnh xối vào), và vết bỏng cần được sát trùng (thường người ta dùng nước muối). Một số người ít hiểu biết thấy nước mắm có cả hai đặc tính này (mát và mặn) nên đã dùng nó bôi vào vết bỏng. Bình thường thì việc bôi nước mắm này không có ảnh hưởng gì, nhưng nếu vết bỏng bị vỡ chảy nước thì chất đạm động vật lên men trong mắm có thể gây nhiễm trùng rất nguy hiểm.
Do mắm có mùi mạnh và rất đặc trưng, nên người ta còn nghĩ ra cách tận dụng mắm để đe doạ, khủng bố, xúc phạm người khác. Đây là một số vụ việc được báo chí đăng tải: “Đánh ghen bằng nước mắm” [Pháp Luật TP HCM 2004], “Văn phòng luật sư Hà Đăng bị tạt mắm tôm” [Nghĩa Nhân 2002], “Dùng mắm tôm chống người thi hành công vụ” [Thanh Niên 2006], v.v.

3. Văn hoá đối phó với mắm

Đặc tính nổi bật của mắm là mặn và nặng mùi. Do vậy mà người Việt cũng thường phải đối phó chủ yếu với hai đặc tính này của mắm.

3.1. Đối phó với vị mặn

Cách đơn giản nhất để đối phó với vị mặn là pha loãng. Người ta thường pha loãng mắm bằng nước lã hoặc nước dấm nhạt để khử bớt độ mặn của mắm. Tuy nhiên, cách này chỉ phù hợp khi nấu vì phải đun sôi lên mới có thể dùng được.
Để làm nước chấm, người ta thường giảm bớt độ mặn của mắm bằng cách pha thêm đường, mì chính (bột ngọt), hoặc chanh, dấm.
Cũng có khi người ta làm giảm độ mặn của mắm bằng cách ăn hoặc nấu mắm với các loại thực phẩm khác như thịt cá, rau, củ, quả... Ví dụ như món lẩu mắm hiện đại được nấu loãng ra bằng cách pha nước và thêm vào đó các loại thịt, cá tươi, ăn kèm với các loại rau sống.

3.2. Đối phó với mùi hôi

Mắm phải gắt mùi mới ngon. Dân gian Việt Nam có thành ngữ “gắt như mắm” để nói lên hương vị đặc trưng của mắm. Mắm càng ngon thì càng “dậy mùi”. Tuy nhiên, khi dọn lên bàn ăn, mùi gắt của mắm có thể gây phản cảm cho người ăn, do vậy người ta thường phải khử bớt mùi gắt của mắm bằng nhiều cách khác nhau. Người ta có thể cho thêm vào mắm các gia vị có mùi vị mạnh như ớt, tiêu, gừng, tỏi... để át bớt mùi gắt. Hoặc người ta nấu loãng, đun sôi ở nơi khác, đến khi chín mới dọn lên bàn ăn thì mùi của mắm cũng bớt đi được một phần.
Cũng do măm có mùi mạnh như vậy, nên người ta cố gắng hạn chế, chỉ dùng nó trong bữa ăn mà thôi. Sau khi ăn mắm xong, người ta thường phải dùng mọi cách để nhanh chóng khử đi mùi của mắm như rửa tay, lau miệng, uống nước, đánh răng,... Một nguyên tắc quan trọng của người Việt Nam là tuyệt đối tránh không để mắm dây dính vào quần áo, đồ đạc.

3.3. Đối phó với sự đơn điệu

Mắm chỉ là cách muối thuỷ sản dùng để ăn hàng ngày nên nó rất đơn điệu. Để giảm bớt sự đơn điệu này, người Nam Bộ nghĩ ra nhiều cách chế biến khác nhau.
Đối với mắm xác, cách đơn giản nhất là bổ sung thêm các loại thực phẩm khác như thịt, cá sống, rau, củ, quả... – kết quả là chúng ta có vô số các loại chế phẩm từ mắm được đưa ra thị trường. Ví dụ như mắm cá dưa leo, mắm tôm chua cá pháo, v.v. Hoặc chế biến bằng các cách thức đa dạng như chưng, chiên, kho... thành các món mắm chưng, mắm chiên, mắm kho (lẩu), v.v.
Đối với mắm nước, thì pha loãng ở các độ khác nhau. Ví dụ, nước mắm chấm rau luộc, thịt luộc thì để nguyên thêm gia vị, nhưng nước mắm để chấm các loại bánh (bánh bèo, bánh cuốn, v.v.) thì pha thật loãng. Hoặc tuỳ từng loại đồ ăn mà thêm các loại gia vị khác nhau cũng làm cho nước mắm đa dạng thêm bội phần. Nói đến nước mắm gừng là người ta nghĩ ngay đến món ốc luộc, hay thịt vịt luộc; nước mắm tỏi là nghĩ tới bún thịt nướng, chả giò,... Đây là một kỹ thuật nữ công đơn giản, nhưng cũng không thật dễ dàng. Vì vậy, đôi khi các bà mẹ chồng cũng sử dụng nó như một thước đo sự khéo léo của cô con dâu.

3.4. Đối phó với những hạn chế khác

Nước mắm có giá trị hơn muối ở lượng đạm động vật mà nó chứa, cho nên người tiêu dùng thường chọn mua nước mắm có độ đạm cao. Tuy nhiên, không phải loại nước mắm nào cũng đạt được yêu cầu này. Do vậy, một số cơ sở sản xuất nước mắm tìm rất nhiều cách đánh lừa người mua  và “qua mặt” cơ quan quản lý chất lượng thị trường. Chẳng hạn như cho thêm vào sản phẩm một lượng muối amoni vô cơ hoặc phân bón hoá học amoni sulfat là có thể cho ra kết quả phân tích đạm toàn phần cao hơn thực tế. Tuy nhiên với cách làm này, nếu áp dụng phương pháp đánh giá thành phần đạm trong nước mắm một cách toàn diện có thể tìm thấy tỷ lệ amoniac/formol vượt quá giới hạn cho phép và sản phẩm được xem là kém chất lượng. Để đối phó với các cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất thay thế muối amoni vô cơ bằng phân u-rê. Theo dẫn giải của giới nghiên cứu, muốn tăng 1 độ đạm chỉ cần thêm khoảng 3,3 gram u-rê cho mỗi lít nước mắm mà nếu phân tích thành phần cũng không thể phát hiện được [Bảo Chân 2003].
Hoặc các nhà sản xuất không có thương hiệu tìm cách nhái hoặc làm giả sản phẩm của các cơ sở sản xuất nổi tiếng để bán được nhiều hàng hơn. Ví dụ, nước mắm Phú Quốc ở Kiên Giang nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng vì có “màu cánh gián đậm, trong và mùi thơm nhẹ rất đặc trưng, vị mặn - ngọt có hậu béo của đạm”, nhưng thực tế “chính quyền Phú Quốc và hiệp hội ngành nghề biết rõ nước mắm Phú Quốc giả bày bán ở các tỉnh ĐBSCL, TP HCM, miền Trung, miền Bắc… nhưng đành bó tay, vì không có cơ sở ngăn chặn”, thậm chí “gần đây sản phẩm này đang được sản xuất và bày bán tràn lan ở Thái Lan” [Sài Gòn GP 2005]. Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết: “Nhiều cơ sở lợi dụng danh tiếng nước mắm Phú Quốc để pha chế, kinh doanh kiếm lời”. “Bình quân mỗi năm, các cơ sở tại Phú Quốc sản xuất từ 10-12 triệu lít nước mắm, nhưng trên thị trường nước mắm mang nhãn hiệu Phú Quốc bày bán lên đến hàng trăm triệu lít. Như vậy, chỉ có khoảng 10% là nước mắm thật, còn 90% nước mắm "dỏm"” [Sài Gòn GP 2007].
Trang chủ của Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết: “Ước tính hàng năm, thị trường tiêu thụ khoảng 180-200 triệu lít nước mắm nhãn hiệu… Phú Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà thùng chính hiệu ở Phú Quốc chỉ chiếm khiêm tốn từ 5-8% tức khoảng 10 - 12 triệu lít/năm. Phần lớn hàng hóa còn lại được gọi là “nước mắm Phú Quốc” chủ yếu là hàng dỏm, hoặc muối pha với tinh chất... Nước mắm Phú Quốc làm ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu. Do vậy, thị trường trong và ngoài nước nhan nhản thương hiệu này. Khắp các siêu thị, chợ, cửa hàng, đi đâu cũng thấy nước mắm Phú Quốc. Tại Thái Lan, Hồng Công cũng có “nước mắm Phú Quốc”; trên thị trường châu Âu, thương hiệu nước mắm Phú Quốc cũng bị tranh chấp... trên không gian ảo cũng đang xảy ra tình trạng mạo nhận nước mắm Phú Quốc” [Nuocmamphuquoc.org 2007; Bùi Văn Phú 2009].

4. Văn hoá sùng bái mắm

Mắm là món đồ ăn thông dụng ở Việt Nam đến nỗi Trần Ngọc Thêm cho rằng “Các món ăn khác thì có thể có người ăn, người không, còn cơm và nước mắm thì ai cũng xới và ai cũng chấm” [1996/2004: 367]. Do vậy mà bất kỳ nhà hàng ăn nào cũng để sẵn trên bàn hũ nước mắm, đôi khi cả hũ mắm tôm như những món gia vị thông dụng, bất kể khách có nhu cầu dùng hay không.
Vì mắm thông dụng và phổ biến như vậy, cho nên ở Việt Nam có các loại dụng cụ dùng riêng để đựng mắm: chén nước mắm (chén loại nhỏ), vại mắm, lu mắm, hũ mắm...
Vì vậy mắm trở thành một thứ quà được ưa chuộng và tôn sùng không thua gì những loại sang trọng khác. Mỗi khi đi chơi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người ta không quên mua mắm mang theo về làm quà cho người thân và bạn bè.

5. Văn hoá lưu luyến mắm

5.1. Mắm quá thông dụng và gắn bó với đời sống hàng ngày của người Việt Nam, cho nên từ chuyện mắm, người ta liên tưởng sang nhiều chuyện khác và, ngược lại, từ nhiều chuyện khác, người ta liên tưởng về chuyện mắm.
Mắm gắn bó với bữa ăn, với gia đình, với người phụ nữ nên chuyện tương cà mắm muối” được dùng để chỉ công việc nội trợ.
Làm mắm là công việc rất công phu, vất vả, nên người làm mắm phải hết lòng. Do vậy mà có câu: Quần dài thì ăn mắm thối, quần đến đầu gối thì ăn mắm thơm. Từ kinh nghiệm xem nước, xem màng trong quá trình làm mắm (nếu nước trong, sánh vàng, màng mỏng và trong thì là mắm ngon, nếu nước đục, màng nổi màu thì coi như mẻ mắm bị hỏng), người ta bàn sang việc nhận diện lễ hội, nhận diện con người: Nước mắm xem màng màng, Thành hoàng xem cờ quạt, con hát xem bầu bì. Mắm không ngon thì xem nước thống, việc làm không chóng coi bộ chân tay.
Từ đặc tính nổi bật của mắm là mặn, người ta nghĩ đến tính mức độ, tính hệ quả: Ăn cơm với mắm, thấm về lâu. Liệu cơm gắp mắm. Mắm mặn nỏ chết trôi.
Làm mắm phải chờ thời gian lâu cho mắm ngấu ăn mới ngon. Từ đây mà nghĩ đến những thứ “ngấu” chuyên nghiệp khác: Mắm ngấu nấu cá trê, võ nghề về đất thánh. Mắm ngấu thì ngon, ruộng ngấu mẹ con cả mừng.
5.2. Mắm được dùng như thước đo văn hóa ứng xử của con người. Vì mắm quá phổ thông và quen thuộc, nên việc chăm sóc, quan tâm đến chén mắm ăn được xem là phẩm chất tốt: Mắm kho chấm với dưa bồng, Nồi cơm vét sạch, mẹ chồng khen ngon. Ngược lại, mọi việc tính toán so đo liên quan tới mắm bị xem là keo kiệt, nhỏ nhen: Xé mắm còn hòng mút tay. Đo lọ nước mắm, ngắm củ dưa hành. Nói “thêm mắm dặm muối” là chỉ việc gia giảm, phóng đại, làm cho câu chuyện thêm đậm đà.
Mắm được dùng để chỉ hình dáng, tính cách con người cả khi câu chuyện hoàn toàn không liên quan gì tới mắm: Gắt như mắm tôm, Trai ba mươi tuổi đang xinh, Gái ba mươi tuổi như hình mắm nêm. Ngay cả khi trai gái yêu đương tán tỉnh nhau cũng không quên dặm chuyện mắm vào: “Nước mắm Hòn dầm con cá đối, Dìa nói chị hai mầy biểu tối tao qua.”
Mắm đi vào các truyện cổ tích, truyện cười. Trong truyện cổ tích Tấm Cám có chi tiết Tấm lấy xác Cám làm mắm gửi cho dì ghẻ ăn. Truyện cười dân gian “Đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương” chê cười người nông cạn, ít suy nghĩ. Truyện “Mang đĩa đi mua nước mắm” để chế giễu người vụng về, hoặc để chỉ một công việc phải làm rất lâu mà vẫn không thực hiện được.
Mắm đã trở thành một thứ “tâm thức” của người Việt. Mắm đi vào cuộc sống hàng ngày. Mắm theo người Việt đi ra nước ngoài - ai sống xa quê hương cũng luôn thèm, nhớ hương vị mắm.

6. Đặc trưng của văn hoá mắm trong ẩm thực Nam Bộ

6.1. Mọi giá trị liên quan đến mắm (bao gồm: mắm, cách thức sản xuất và sử dụng mắm, cùng mọi hệ quả của chúng) tạo thành.
Văn hoá mắm Nam Bộ lưu giữ đầy đủ các dấu ấn của tự nhiên lẫn con người Nam Bộ. Sự tồn tại của mắm ở mức độ cực kỳ phong phú phản ánh điều kiện tự nhiên sông nước – biển đảo – nắng nóng đặc biệt của vùng này. Song mắm phổ biến ở Nam Bộ không chỉ vì ở đây có nhiều nguyên liệu và có điều kiện thuận lợi cho việc chế biến. Sự phát triển của mắm một phần khác còn vì nó rất phù hợp với con người Nam Bộ.
Thứ nhất, mắm phù hợp với khẩu vị Nam Bộ. Mắm mặn và tanh nên phải ăn với tiêu, ớt cho át bớt vị tanh. Điều này phù hợp với khẩu vị ăn mặn và cay của người Nam Bộ. Hơn nữa, món ăn mặn và cay (dương tính) trong điều kiện thời tiết nóng (dương tính) nữa bắt buộc người Nam Bộ phải gia giảm thêm khổ qua (mướp đắng) và các loại rau đắng – loại thực vật rất phát triển ở vùng đồng bằng nóng ẩm quanh năm.
Thứ hai, mắm phù hợp với tính cách rộng rãi, phóng khoáng, bộc trực, ngay thẳng của người Nam Bộ. Khi chuẩn bị, người ta dọn hết mọi thứ lên bàn ăn, mắm dọn ra nguyên màu sắc, ít nêm nếm, gia giảm. Khi ăn thì thoải mái, đa dạng, tuỳ theo cách ăn của từng người.
Thứ ba, mắm là món luôn có sẵn, lại dễ chế biến, không cầu kỳ, nên nó rất thích hợp với việc thoả mãn nhu cầu thích ăn nhậu, tiệc tùng của người Nam Bộ. Gặp nhau, có chai rượu đế, chủ nhà ra lu xúc tô mắm sống hoặc nấu nước đổ vào, chạy ra quanh nhà lượm rổ rau các loại là xong món mồi, có thể đáp ứng cho một buổi nhậu lai rai rôm rả.
6.2. Trong số các món mắm thì có thể xem lẩu mắm là món thể hiện điển hình nhất cho tính cách đặc trưng của văn hoá ẩm thực Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Mặc dù có nguồn gốc từ dân Khmer (cùng gốc với bún mắm - một loại nước mắm kho làm nước lèo ăn bún hoặc ăn rau[4]), song sau khi được người Việt tiếp nhận và phát triển, lẩu mắm đã mang trong mình đầy đủ các đặc tính của văn hoá ẩm thực Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung[5].
Thứ nhất, lẩu mắm mang tính tổng hợp. Nó được tổng hợp từ các loại nguyên liệu đủ mọi nguồn, từ các loại thực phẩm có nguồn gốc động vật sông biển (cá tôm...) đến thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn (thịt heo, thịt bò), cùng với các loại thực vật đã qua chế biến (bún, mỳ) và chưa chế biến (các loại rau). Theo cách ăn, lẩu mắm kết hợp được cả các loại thực phẩm đang sôi sùng sục trong nồi lẩu trên bếp với các loại thực phẩm tươi sống. Tính tổng hợp còn thể hiện cả trong cách trang trí món ăn và cả trong cách ăn – người sành ăn khi ăn lẩu phải biết phối hợp làm sao cho đủ sắc trắng, xanh, tím, hồng... đủ vị mặn, ngọt, chua, cay... trong từng miếng ăn.
Thứ hai là lẩu mắm có tính cộng đồng. Mọi thành viên đều ngồi quanh nồi lẩu một cách dân chủ tự chọn cách ăn riêng của mình, không ai có vị trí đặc biệt hơn ai, thêm hay bớt một vài người hầu như không ảnh hưởng gì đến chất lượng bữa ăn.
Thứ ba là lẩu mắm có tính linh hoạt. Mỗi người chọn ăn theo cách riêng, khẩu vị riêng của mình: tái hay chín; thiên về đạm hay thiên về rau; cay nhiều hay cay ít... Nếu số lượng người ăn tăng thêm nhiều thì có thể bổ sung thêm mắm, nước vào nồi lẩu. Và các thành phần thức ăn có thể gia giảm tuỳ ý người ăn hoặc gia chủ.
Như vậy, từ một món mắm kho dân dã, lẩu mắm đã được phát triển nâng lên mức nghệ thuật, làm phong phú thêm kho tàng văn hoá mắm trong ẩm thực Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bảo Chân 2003: Cảnh báo urê trong nước mắm. - http://www.nea.gov.vn/thongtinmt/noidung/ld_5_9_03.htm
  2. Bùi Văn Phú 2009: “Nước mắm Phú Quốc” ở Mỹ! - http://www.talawas.org/?p=9195
  3. Hoàng Phê 1992: Từ điển Tiếng Việt. – Nxb Đà Nẵng.
  4. Huỳnh Thị Dung... 2001: Từ điển văn hoá ẩm thực. – H.: Nxb Văn hoá Thông tin, 932tr.
  5. K.T 2006: Lẩu mắm: cuộc biểu dương lực lượng cuả rau. - http://www.sgtt.com.vn/Detail37.aspx?ColumnId=37&;NewsId=9152&fld=HTMG\2006\0413\9152
  6. Lê Tân 2003: Văn hoá ẩm thực ở Trà Vinh. – H.: Nxb Văn hoá Thông tin, 84tr.
  7. Nghĩa Nhân 2002: Văn phòng luật sư Hà Đăng bị tạt mắm tôm. - http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2002/10/3B9C10B4/
  8. Nuocmamphuquoc.org 2007: Nước mắm Phú Quốc: Chỉ 5-8% là hàng thật! - http://www.nuocmamphuquoc.org/modules.php?name=CMS&;op=details&mid=13&mcid=16
  9. Phan Thị Thanh Quế 2007: Công nghệ chế biến nước mắm. - http://www.vocw.edu.vn/content/m10610/latest/
  10. Phan Thị Yến Tuyết 1993: Nhà ở – trang phục – ăn uống của các dân tộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. – H.: Nxb Khoa học Xã hội, 361tr.
  11. Pháp Luật TP HCM 2004: Đánh ghen bằng nước mắm. - http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/Hinh-su/2004/06/3B9D3DC2/
  12. Sài Gòn GP 2005: Nước mắm Phú Quốc kêu cứu. - http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2005/03/3B9DC6C6/
  13. Sài Gòn GP 2007: 90% nước mắm Phú Quốc là hàng "dỏm". - http://vitinfo.com.vn/Muctin/Kinhte/Hanghoa/LA19453/default.htm
  14. Tungson2009: Mắm cá. - http://tungson2009.blogspot.com/2009/01/mm-c.html
  15. Thạch Lam... 2001: Những áng văn ẩm thực. – H.: Nxb Văn hoá Thông tin, 467tr.
  16. Thanh Niên 2006: Dùng mắm tôm chống người thi hành công vụ. - http://vnexpress.net/Vietnam/Phap-luat/2006/10/3B9EF6BE/
  17. Trần Ngọc Thêm 1996/2004: Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. - Nxb Tổng hợp TP.HCM, 690tr.
  18. Trần Ngọc Thêm 1998: Vai trò của nước trong truyền thống văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á. – Tạp chí văn hóa – nghệ thuật, số 8, tr. 66-72.
  19. Trần Ngọc Thêm 2005: Lý luận văn hoá học (tập bài giảng cho HVCH). – Đại học KHXH & NV - ĐHQG Tp. HCM (lưu hành nội bộ).
  20. Trần Quốc Vượng 2000: Văn hoá Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, NXB văn hoá dân tộc, 984 tr.
  21. Trương Thanh Hùng 2003: Văn hoá ẩm thực Kiên Giang. – H.: Nxb Văn hoá thông tin, 168tr.
  22. Xuân Huy 2000: Văn hoá ẩm thực và món ăn Việt Nam. - Tp. HCM: Nxb Trẻ, 765tr.
    Nguồn: In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, 2013


[1] Sau này, theo cách chế biến thuỷ sản, có nơi người ta dùng nhiều loại nguyên liệu khác nhau và cũng gọi là nước mắm (nước mắm nấm rơm,...). Lại có một số người cực đoan coi mắm là cách muối sản phẩm để dùng lâu dài nên cũng coi cả dưa (rau, củ, quả), tương (đậu nành)... như những loại mắm.
[2] Ở các khu vực khác trên thế giới cũng có thể có những thứ sản phẩm làm từ cá gần giống mắm, nhưng không phổ biến, hoặc có nguồn gốc ngoại nhập.
[3] Món mắm này đôi khi không phải chỉ có tôm, mà còn có nhiều gia vị và chất độn khác.
[4] “Bún mắm thì không đâu ngon bằng bún mắm của dân Khmer ở miền Tây. Những biến tấu về sau này chẳng qua là một kiểu tiếp biến văn hoá ẩm thực giữa người Khmer bản địa và người miền Trung và Nam khẩn hoang. Biến tấu đậm nhất, có thể nói được là biểu tượng của vùng sông nước Nam bộ là đĩa rau hoành tráng với hàng chục loại rau” [K.T. 2006].
[5] Về các đặc tính của văn hoá ẩm thực Việt Nam, x.: [Trần Ngọc Thêm 1996/2004: 395-374].

Tác giả bài viết: ThS. Nguyễn Thị Tuyết Ngân
Nguồn tin: vanhoahoc.net

CHẦU BỔN MẠNG LỚP - 03 - 05 - 2014


CHẦU BỔN MẠNG LỚP
03 – 05: PHILIPPHÊ VÀ GIACÔBÊ
Ga 1, 43 – 51
“Đến mà xem!”
I.                   KHAI MẠC
1.     Đứng: Làm Dấu (Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần)
  hát: Xin Ngôi Ba Thiên Chúa...
2.      Quỳ: đọc kinh
- Kinh Tin
- Kinh Cậy
- Kinh Kính Mến
- Kinh Ăn Năn Tội
3.      Đứng: rước Cha chủ sự
4.      Quỳ: hát Thờ Lạy Chúa – sách Chầu Thánh Thể, trang 43
II.               NỘI DUNG CHẦU
1.      Lời dẫn
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện trước mặt chúng con đây. Chúng con xin cúi mình thờ lạy, chúc tụng và tạ ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trời đã về khuya và ngày cũng sắp tàn; thân xác của mỗi người chúng con cũng mệt mỏi. Tất cả dường như đang bao lấy chúng con và cản trở chúng con đến với Chúa đặc biệt trong giờ Thánh này. Vì thế, lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa hãy cất đi những mệt nhọc, lo âu nơi mỗi người chúng con, và ban lòng tin, lòng mến để chúng con đủ tỉnh táo lắng nghe Chúa nói với chúng con, và chúng con có thể thưa chuyện cùng Chúa. Xin Chúa hãy giúp đỡ con và xin Chúa “hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.” (1Sm3,10)
2.      Tin Mừng
TIN MỪNG CHÚA GIÊSU KITÔ THEO THÁNH GIOAN
Hôm sau, Đức Giêsu quyết định đi tới miền Galilê. Người gặp ông Philípphê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Philípphê là người Bếtxaiđa, cùng quê với các ông Anrê và Phêrô.
Ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen!” Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”
Đó là Lời Chúa.
3.      Suy niệm
Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
(Tv 107, 1)                             
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ngày mai Giáo Hội hân hoan Mừng Kính hai thánh Philipphê và Giacôbê Tông Đồ. Đây cũng là dịp Bổn Mạng của lớp chúng con. Vì thế, giờ này đây cùng với Cha Đồng hành, chúng con xin được dành một chút thời gian cuối cùng của ngày áp lễ, để được quỳ trước Thánh Thể Chúa, dâng lên Chúa lời tạ ơn.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, tạ ơn Chúa, vì yêu thương Chúa đã chọn gọi chúng con đây giữa bao thanh niên khác, để đưa anh em chúng con về đây, tề tựu dưới mái Trường Sao Biển, để được Mẹ che chở, nâng đỡ và bước theo lời mời gọi: “Hãy theo Thầy”.
Hơn thế nữa, Chúa còn quan phòng ban cho lớp chúng con hai mẫu gương Mục Tử đó là hai vị Tông Đồ Philipphê và Giacôbê làm bổn mạng. Qua các ngài, chúng con dần nhận ra được sứ vụ của mỗi người chúng con sẽ là đến với Chúa; ở với Chúa, để xem và học nơi Chúa, và cuối cùng là đưa Chúa đến cho mọi người. Đó là cách mà Chúa muốn chúng con sống theo câu Tin Mừng: “Cứ đến mà xem”, noi gương hai vị Thánh Bổn Mạng.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con đã đến qua sự dìu dắt của Chúa và chúng con đã được xem. Xem những gì Chúa muốn nơi mỗi người chúng con; xem chúng con có thực sự muốn bước theo Chúa và con đường của Chúa có thực sự phù hợp với mỗi người chúng con hay không?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, quả thật chặng đường bước theo Chúa thật nhiều khó khăn và thử thách. Để được hiện diện với Chúa giờ này, hay Thánh chức Phó tế mà Thầy Giuse Nguyễn Quang Diệu – một thành viên trong lớp của chúng con sẽ lãnh nhận ngay trong ngày mai, cũng như một số anh em trong chúng con đây sẽ nhận lãnh vào cuối tháng này, thì Chúa biết rất rõ mỗi người chúng con cũng phải trải qua nhiều đắng đo tính toán; suy đi tính lại; thiệt thua để đổi lấy sự yêu thương nhưng không của Chúa.
Thế nhưng, lạy Chúa Thánh Thể, Chúa biết chúng con, không phải vì những điều này mà chúng con đem lòng tự cao hay chê trách những người anh em khác của chúng con đã bước sang một ơn gọi khác. Bởi lẽ, đó là ý của Chúa. Vì thế, lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận dù có sống bậc sống nào đi chăng nữa thì tất cả chúng con vẫn là một tập thể tốt của nhau và đều thuộc về Chúa. “Xin hãy cho chúng con nên một!” và xin cho chúng con trung thành với ơn mà Chúa đã ban.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thế là chặng đường được đào tạo và tự đào tạo của chúng con tại Mái Trường Sao Biển cũng đã đến hồi kết thúc. Chỉ còn không tới một tháng nữa, chúng con phải chia tay với Mẹ Sao Biển; chia tay với tất cả quý Cha, quý Soeurs, quý thầy và tất cả mọi người để trở về với Giáo phận, giáo xứ, để rồi tiếp tục một hành trình mới, một sứ vụ mới. Do đó, lạy Chúa Giêsu, có thể đây là lần cuối cùng mà Cha Đồng hành và tất cả anh em chúng con đây được quy tụ một cách đầy đủ và riêng tư trước mặt Chúa. Xin cho chúng con biết tận dụng giờ phút linh thiêng này để đồng thanh dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân. Và xin Chúa hãy luôn luôn gìn giữ và chúc lành trên mỗi người chúng con. Amen.
4.      Hát (đứng) : Tán Tụng Hồng Ân (Tập Giấy trang 41): Xin dâng lời cảm tạ, hồng ân...
III.            KẾT THÚC
1.      Kinh cầu cho Linh mục: Lạy Cha từ ái, Cha quá yêu thương chúng con...
2.      Con là Đá
3.      Đây Nhiệm Tích – sách Chầu Thánh Thể, trang 05. 
4.   Kinh Trông Cậy.....