THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM A

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM A

(Kh 5, 1 – 10; Lc 19, 41 – 44)

Phó tế. Louis Hồ Trọng Hưng
 
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ rất thân mến, 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng yêu thương qua việc Ngài khóc thương thành Giêrusalem. Giêrusalem được coi là điểm dừng chân cuối cùng mà Chúa Giêsu muốn thi hành sứ vụ thiên sai của mình. Vì thế, dù có nhiều người cản ngăn để tránh đi sự ganh ghét, loại trừ của những người Do thái, nhưng Chúa Giêsu vẫn quyết định đi. Bởi lẽ, chén đắng Chúa Cha trao cho Ngài lẽ nào mà Ngài không uống. Thế nhưng khi đến gần Giêrusalem và trong thấy thành thì Ngài lại đỗ nước mắt.  

Sỡ dĩ Chúa Giêsu khóc thương thành không phải vì thành này nghèo khổ, và cũng không phải vì thành này nhỏ hơn những thành khác. Nhưng bởi vì sự cứng lòng tin; sự nguội lạnh của dân thành. Họ đã để cho sự bề bộn ngỗn ngang của tội lỗi, của ăn chơi trác tán, của buôn bán gian lận làm cho thành không còn là một nơi tôn thờ Thiên Chúa... đến nỗi khi vào thành, Ngài đã phải nỗi xung lật đỗ, xua đuổi tất cả những người buôn bán, đổi tiền : “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.”

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Lời Chúa không chỉ dừng lại nơi việc nói về thực trạng của thành Giêrusalem lúc bấy giờ. Nhưng thành Giêrusalem mà Chúa Giêsu cũng muốn nói ở đây chính là tâm hồn của mỗi người chúng ta. Là đền thờ của Thiên Chúa cũng có nguy cơ trở nên bề bộn, ngỗn ngang của rất là nhiều thứ từ trong tư tưởng cho đến những công việc hằng ngày.

Vì thế, Lời Chúa của ngày hôm nay Chúa Giêsu gửi đến mỗi người chúng ta không phải là một lời thở than trách móc, nhưng thay vào đó là một lời cảnh tĩnh : một tâm hồn sẽ trở nên nguội lạnh và ngỗn ngang nếu tâm hồn ấy không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Hãy dành cho Chúa một góc thờ phượng nơi tâm hồn; và hãy dâng lên cho Chúa những nén hương lòng và những lời hoan hỷ như bài đọc I đã nói : “Khi Con Chiên đã lãnh cuốn sách, thì bốn Con Vật và hai mươi bốn vị Kỳ Mục phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.” Ước gì cuộc đời của chúng ta sẽ mãi là một bài ca tụng đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 

Phó tế. Louis Hồ Trọng Hưng

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ rất thân mến, 

Để chuẩn bị cho lời tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu Kitô là Vua, vào Chúa Nhật tuần tới, trong thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa, Giáo Hội Việt Nam đã chọn Chúa Nhật hôm nay, để mời gọi tất cả con cái mình, là người Việt cùng quy hướng về các bật tiền nhân đức tin của chúng ta. Đó là 117 vị hiển thánh và một vị á thánh Tử Đạo cùng với hàng ngàn vị khác không được xác định danh tính rõ ràng, để nhìn lại hành trình đức tin và đức ái của các ngài, để từ đó mỗi người chúng ta cùng nhau tạ ơn Thiên Chúa, về hồng ân đức tin, cũng như quyết tâm sống xứng đáng với tư cách là con cháu của các ngài. Con cháu của các đấng anh hùng không ngại ngùng hy sinh cả tính mạng vì Chúa và tha nhân.

Con người từ đâu mà có ? mây gió từ đâu mà ra ? vv.vv . Đó chính là những niềm khắc khỏi của con người qua bao thế hệ, mà vẫn chưa có câu trả lời thích đáng. Thế nhưng, với chúng ta, những người tin vào Thiên Chúa, tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta xác quyết rằng: mọi thứ không thể tự nhiên mà có, nếu Thiên Chúa, Đấng đầy yêu thương đã không ban cho. Và đức tin cũng không loại trừ: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.”

Vì thế, đức tin mà chúng ta có được ngày hôm nay, cũng chính là một hồng ân của Thiên Chúa, trong sự nối bước của các ngôn sứ, các chiến sĩ đức tin can trường của Đức Kitô. Cụ thể là các Thánh Tử Đạo mà chúng ta mừng kính hôm nay. Các ngài đã trở thành những cộng tác viên mẫu mực của Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc loài người.

Thế nhưng, nhờ vào đâu mà các vị thánh này có thể khước từ hết tất cả những khó khăn, gian nan và thử thách: cho dù là gông cùm tù rạc, cho dù là bắt bớ truy đuổi, cho dù là đói khát hiểm nguy ? nếu không phải là một lòng tin yêu phó thác vào Thiên Chúa. Và các ngài đã được chính Thiên Chúa yêu thương, và ngự trị tràn ngập nơi tâm hồn, từ đó các ngài thấu hiểu được chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ cuộc đời của các ngài; Đấng duy nhất mang lại ơn cứu độ, và cũng là Đấng duy nhất có thể quyết định cho đời sống mai sau. Vì thế, đối với các ngài, gông cùm tụ rạc, bắt bớ truy đuổi, đói khát hiểm nguy... tất cả là niềm vui, niềm hạnh phúc trong Chúa. 

Trong hạnh tích của nữ Anê Lê Thị Thành có kể: khi cô Lucia Nụ, con gái của thánh nhân đến thăm mẹ lao ngục, và thấy y phục của thân mẫu loang lỗ đầy những máu, cô thương mẹ khóc nức nở, nhưng thánh nhân đã an ủi con gái bằng những lời đầy lạc quan tin tưởng và phó thác: “Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?”

Cũng như thế, vị thánh trẻ 18 tuổi, Tôma Trần Văn Thiện, đã không ngại khước từ sự vinh hoa phú quý của thế gian. Khi quan thấy thánh nhân, một chàng trai, khôi ngô tuấn tú nên đem lòng yêu mến và hứa gả con gái nếu thánh nhân đồng ý chối đạo. Nhưng ngài đã từ chối và mạnh dạn tuyên xưng rằng: “Tôi là người Trung Quán, Quảng Bình, đến tìm thầy học đạo. Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo.” Không có sự giàu có nào của thế gian có thể thay đổi ý định của tôi.

Quả thật, chỉ có niềm tin sắt đá, cùng với một niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, các thánh nhân mới có đủ can đảm nói lên những lời mạnh mẽ như thế. Và cũng với niềm tin đó, các ngài nhận ra được “Từ bỏ và bước theo” như một mắc xích tình yêu gắn liền các ngài với Thiên Chúa. Để rồi các ngài chấp nhận đón lấy lời mời gọi đầy yêu thương, nhưng cũng đầy thách thức và khốc liệt của Đức Kitô, và để cho lời mời gọi ấy thấm nhuần nơi tâm hồn , và nó trở thành lý tưởng sống của các ngài : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy”.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, không chỉ có một lòng yêu mến Thiên Chúa mà nơi tâm hồn của các thánh Tử Đạo còn mang lấy hình ảnh của tha nhân. Thiên Chúa đã chạnh lòng thương dân chúng như thế nào, thì các ngài cũng đã làm như vậy. 

Vì yêu thương và mong muốn những con người miền ngược – nơi núi rừng Kontum được biết Chúa, thầy sáu Do cùng với các nhà truyền giáo đã phải băng rừng vượt suối; đối diện với thú dữ, và muôn vàng khó khăn nơi rừng thiêng nước độc. Hay như thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính mà chúng ta đã mừng kính gần đây, vì chạnh lòng thương những tín hữu vì Chúa và vì mình mà phải hy sinh, thánh nhân xin để được chết thay cho họ. Tất cả như muốn nói lên tha nhân chính là Chúa, và tha nhân như mình ta vậy.

Quả thật, đối với con mắt của người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Còn đối với những người tin thì: Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài.

Hôm nay chúng ta mừng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam với một lòng tri ân và cảm mến. Chính các ngài là những nhúm men đức tin đầu tiên đã làm dậy men cả một đấu bột to lớn là Giáo Hội Việt Nam; chính các ngài là những dòng nước đức tin ngọt ngào, đã len lõi vào những thác đá cheo leo là những khó khăn: bắt bớ tù đày, gông cùm, hình phạt, và ngay cả sự an nguy của tính mạng. Nhờ vào đó, giờ đây chúng ta được hồng ân biết Chúa và tự do yêu mến Chúa. Lời tiền nhân quả thật rất đúng: “Máu tử đạo đã trổ sinh người có đạo.” 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, chúng ta là phận con cháu của các ngài, chắc hẳn nơi mỗi người chúng ta đây, cũng mang lấy hay thừa hưởng một phần nhỏ nào đó nguồn gen tử đạo của các ngài. Bởi lẽ, tất cả chúng ta cùng thuộc về Thiên Chúa, cùng được Thiên Chúa đặt để sự nên thánh nơi từng người: “Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con ở trên trời, là Đấng Hoàn Thiện.”

Thế nhưng, trong cái nhìn khách quan, nhiều người có cảm nhận rằng nguồn gen trội tử đạo của các vị tiền nhân của chúng ta, dường như đang bị lai hóa, và có nguy cơ lặng mờ đi. Một sự báo động đáng để cho tất cả chúng ta lưu tâm, cách riêng là những bậc làm cha làm mẹ. Cụ thể, ngày nay có không ít bạn trẻ là Kitô hữu nhưng chỉ trên danh nghĩa; nhà thờ không còn là một nơi ít ra là thường xuyên lui tới, nhưng có tới cũng chỉ là lo sợ sự dị nghị của bạn bè. Người Bình Định của con nói vui: cửa nhà thờ không hờ vui cho bằng cửa quán Net.; những lời kinh không còn là những lời nằm lòng ngay cửa miệng mà thay vào đó là những lời của sự gian dối. Thậm chí có không ít người trong họ cũng đang loay hoay tìm mọi cách, mọi cớ để bước qua Thập Giá. Vì thế, mỗi người hãy nhìn nhận sự yếu hèn của bản thân để trước hết cầu nguyện cho đức tin của chính mỗi người, sau là cầu nguyện cho những người thân yêu, để cùng nâng đỡ đức tin cho nhau: người có đức tin mạnh sẽ nâng đỡ người có đức tin yếu; và người có đức tin yếu sẽ nâng đỡ người có đức tin yếu hơn. 

Trên hành trình đức tin của thế giới hôm nay, tử đạo không còn là cảnh đầu rơi máu đổ; không còn là gông cùm tụ rạc... mà thay vào đó là chết cho lối sống hưởng thụ, là từ bỏ ý riêng, là dâng sự ích kỷ nơi bản thân cho Chúa và tha nhân, là đem an bình vào nơi tranh chấp, và đem yêu thương vào nơi oán thù. Như thế, tử đạo cho Giáo Hội, cho Tin Mừng trong hoàn cảnh ngày nay, chính là chết trên sự ấm êm của nhân loại. 

Ước gì mỗi người trong chúng ta luôn lắng nghe được lời mời gọi của Chúa :  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Để đến ngày sau hết, chúng ta nhận được sự xác thực đầy yêu thương của Thiên Chúa: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người ; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa.” Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào và hưởng hạnh phúc với Ta. Amen.