GIẢNG LỄ HÔN PHỐI

GIẢNG LỄ HÔN PHỐI


Thầy Phó tế. Fx. Nguyễn Đình Quốc

Kính thưa quí ông bà anh chị em cùng hai họ, đặc biệt là đôi tân hôn thân mến.

Chúng ta quy tụ trong nhà Chúa chỉ vì tình yêu và đôi bạn này, hôm nay đến đây không gì khác hơn cũng chỉ vì tình yêu. Họ xin Thiên Chúa chứng giám, chúc lành cho tình yêu của họ. Để rồi từ đây, họ bước sang một giai đoạn mới, một cuộc sống mới với nhiều cam go thử thách. Nhưng có Chúa trong cuộc sống của họ, họ được thêm can đảm, nghị lực và trung thành với nhau để cùng nhau vượt qua thử thách, cùng nhau sánh bước trọn con đường đời mà hôm nay, họ quyết định thề hứa với nhau để trở thành bạn đời của nhau.
          Như thế, tình yêu là gì? Đó là một chủ đề mà tốn rất nhiều giấy mực của các thi sĩ, văn nhân. Và nó xưa như trái đất nhưng nó cũng luôn mới đối với mọi thời đại. Thế nhưng, tình yêu có từ khi nào? Thưa, từ khi có con người là có tình yêu. Từ thuở ban sơ của vũ trụ, khi có dấu chân của con người in trên mặt đất, thì cũng là lúc tình yêu nảy nở và phát triển. Người ta sống với nhau để làm gì? Người với người sống để yêu nhau.
Tình yêu nó gắn kết người với người và hôm nay nó lại gắn kết hai người lại với nhau thành một. Tình yêu có sẵn trong mỗi con người và nó là một trong thất tình của con người. Vì thế, hãy nghe cảm nhận về tình yêu của một nhạc sĩ đã đi vào lòng người với những bài tình ca bất hủ, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông ta có cảm nhận như sau: “Tình yêu thương mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đoá quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau….. Tình yêu khi đã muốn ra đi thì không một tiếng kèn nào đủ màu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm sống và sự huỷ diệt. Tình yêu tự đến và tự đi, không cần ai dìu dắt. Nó hoàn toàn tự do. Muốn giam cầm thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi có khi nó ở lại.
Có vẻ triết lý quá, vậy thử hỏi, Tình yêu có từ nơi đâu? Chúng ta hãy nghe lại trong thư thứ nhất của thánh Gioan như sau: “Các con rất thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Vì người nào yêu thương thì đã được sinh ra bởi Thiên Chúa, và nhận biết Thiên Chúa. Còn ai không yêu thương thì không nhận biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.
Đôi bạn trẻ thân mến, tình yêu có sẵn trong con người và nó phát xuất từ Thiên Chúa. Tình yêu nó cũng có hai mặt của nó như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì “Tình yêu thương mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc” hay người ta thường nói, hoa hồng nào cũng có gai. Trong cuộc sống lứa đôi của hai người sau này, chắc chắn không thể không có những khó khăn, sóng gió. Vì thế, tình yêu của hai bạn không phải lúc nào cũng màu hồng đâu. Khi mà trời đất đang trong cơn giông tố, mây đen mù mịt thì tất cả sắc màu đều trở thành đen. Đó là điều thực tế mà hai bạn phải đối mặt, thế nhưng chúng ta tin tưởng rằng, tất cả rồi cũng sẽ qua đi. Có điều các bạn có trung thành với nhau để mà chờ đợi cho những khó khăn qua đi không? Các bạn hãy nhớ lại lời của môn đệ Chúa yêu là thánh Gioan tông đồ nói: “Các con thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta dường ấy, thì chúng ta cũng phải yêu thương nhau. Chẳng ai thấy Thiên Chúa bao giờ; nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Ngài nơi chúng ta nên trọn hảo”.
Hãy yêu thương nhau và xin Thiên Chúa ở lại với chúng ta trong mọi cảnh huống của cuộc đời, lúc vui cũng như lúc buồn, lúc hạnh phúc cũng như lúc gặp đau khổ. Đừng từ chối Chúa thì Chúa sẽ không từ chối chúng ta. Và còn một bí quyết nữa là các bạn hãy chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau. Các bạn lại hỏi, thế chịu đựng cái gì? Hãy để thời gian trả lời cho các bạn biết là các bạn phải chịu đựng cái gì trong cuộc sống mai này? Quan trọng là các bạn phải biết tha thứ cho nhau. Như ca dao có câu: “Chồng giận thì vợ bớt lời, Cơm sôi bớt lửa cả đời không khê”. Ước mong rằng khi các bạn thề hứa trước mặt cộng đoàn và Hội Thánh của Chúa, thì Đức Kitô dang rộng tay chúc phúc cho hai bạn để hai bạn mãi mãi chung thủy với nhau và đảm nhận những trách nhiệm khác của hôn nhân.

THÔNG BÁO

THÔNG BÁO

Xin báo tin cho Quý Thầy lớp K9 ĐCVSBNT hiệp thông cầu nguyện và chia sẽ cho người anh trai của Thầy Anphongso Hoàng Phú Khánh là Anh Hoàng Đức Tuấn vượt qua tình trang khó khăn.(Anh Tuấn vừa mới trải qua 1 ca mổ não tại bệnh viện Chợ Rẫy hôm qua và có thể trong hôm nay và ngày mai còn tiếp tục một hoặc hai ca mổ nữa. Cụ thể là hôm thứ 7 anh có dấu hiệu của tai biến bị choáng váng và té ngã, mọi người đem đi bệnh viện, sau khi chup thì bác sĩ bảo là xuất huyết não, có máu bầm tụ lại trong dầu, vào có một mạch máu phồng to ra, có nguy cơ vỡ...nên phải phẫu thuật...)
Chỉ trong vài ngày mà  tốn kém rất nhiều tiền... xin báo tin để anh em hiệp thông cầu nguyện, và chia sẽ cho gia đình thầy Khánh trong giai đoạn khó khăn này.
Nếu có sự chia sẽ xin gởi về số tài khoản Vietcombank: 0121000220161 của Hoàng Thị Thu Ly em gái của Thầy Khánh.

Người báo tin
Jb. Trần Phan Thái Bình

THÔNG BÁO VỀ VIỆC TRUYỀN CHỨC LINH MỤC CỦA QUÝ THẦY KHÓA IX - GP.BMT

TÒA GIÁM MỤC BAN MÊ THUỘT
104 PHAN CHU TRINH
TP. BUÔN MA THUỘT
TỈNH ĐĂK LĂK

*
Số 50/14
THÔNG BÁO
V/v TRUYỀN CHỨC LINH MỤC
Kính gửi:  Quý Cha,
  Quý Tu sĩ, Chủng sinh
  và quý Anh Chị Em Giáo dân
Do nhu cầu mục vụ của Giáo phận, Đức Giám mục Giáo phận dự định truyền chức Linh mục  cho các Thầy Phó tế có tên sau đây:

Vậy, theo Giáo luật điều 1043: “Các Kitô hữu nếu biết [các ứng viên trên đây] có những ngăn trở lãnh nhận chức thánh, thì buộc phải trình báo cho đấng Bản quyền hay cho cha Quản xứ trước ngày truyền chức.”
Lễ truyền chức sẽ cử hành vào lúc 08g00, thứ năm, ngày 25/9/2014, tại Nhà thờ Chính tòa.
Xin Anh Chị Em cầu nguyện cho các Thầy Phó tế được trở nên linh mục như lòng Chúa mong ước.
Xin cảm ơn tất cả Anh Chị Em.
Làm tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, ngày 09 tháng 8 năm 2014
Linh mục Stêphanô NGUYỄN VĂN ĐẬU
           Tổng Đại diện
Lưu ý:Xin quý Cha Quản xứ của các Thầy Phó tế có quê quán hoặc giúp  xứ đọc Thông báo này vào ba Chúa nhật, ngày 24/8, 31/8 và 07/9/2014 và trình báo kết quả trước ngày 14/9/2014.

Nguồn: 
 VP. TGM - BMT

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A

THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A

(Gl 3, 1-5; Lc 11, 5-13)

“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

Phó tế. Louis Hồ Trọng Hưng

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, 

Ngày hôm qua Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết cầu nguyện là gì qua Kinh Lạy Cha, thì ngày hôm nay Lời Chúa lại hướng chúng ta bước sang một bước tiến khác trong lời cầu nguyện. Bước tiến đó là: chúng ta phải cầu nguyện như thế nào ?

Qua hai dụ ngôn của bài Tin Mừng: dụ ngôn Người bạn quấy rầy và dụ ngôn người cha với những người con, chúng ta có thể thấy được lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho mỗi người khi cầu nguyện đó là: Hãy cầu nguyện liên lỉ và đừng nản lòng. Một khi làm được những điều này với một lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa thì ắt Thiên Chúa sẽ nhậm lời. 

Thế nhưng trong đời sống đức tin của chúng ta, chúng ta thường cầu nguyện và xin gì cùng Thiên Chúa? Có phải chăng là một cuộc sống ấm no, hạnh phúc; hay phải chăng : xin cho con đừng cái này cái kia; hay hơn một chút là xin cho con biết yêu mến những người mà con không thích hay những người thân cận của con... Kính thưa quý ông bà và anh chị em, tất cả những lời cầu xin này, những lời ước nguyện này chắc không riêng gì quý ông  bà và anh chị em mà ngay chính bản thân con cũng đã làm và thường làm. Nhưng chỉ có một điều trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thường hay bỏ quên trong lời cầu nguyện, đó chính là Thánh Thần của Thiên Chúa. Và đây cũng có thể coi là điều quan trọng nhất và là món quà cao quý nhất, phần thưởng vượt trên mọi phần thưởng mà lời cầu nguyện mang lại. Cụ thể, để chốt lại những lời giáo huấn của mình thì Chúa Giêsu đã nhắc đến hai chữ Thánh Thần, như là thành quả cao quý mà Thiên Chúa Cha muốn ban tặng cho con người. 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, khi nói đến Thánh Thần, với niềm tin Kitô giáo, chúng ta xác tín Thánh Thần chính là Tình Yêu, Đấng của sức mạnh và mang nhiều ân sủng. Và cũng là Đấng của Bảy ơn mà chúng ta đón nhận trong ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. 

Trong Cựu ước, với hình ảnh của cột lửa, đám mây bao quanh nhà tạm của Thiên Chúa để nói rằng Thiên Chúa, Ngài đang hiện diện và nó cũng là thành quả của lời cầu nguyện làm đẹp lòng Thiên Chúa của vua Đavít. 

Còn trong Tân ước, ngoài Chúa Giêsu ra, thì Đức Maria là hiện thân của con người dư tràn ân sủng của Thánh Thần: “Này đây Thánh Thần sẽ rợp bóng trên Bà và Đấng Bà cưu mang sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”, vì Mẹ đã sống đẹp lòng Thiên Chúa. 

Như thế, đối với Thiên Chúa, Ngài sẽ ban Thánh Thần và làm cho Thần Khí của Ngài trở nên dồi dào nơi những ai sống đẹp lòng Ngài. 

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, chúng ta – những con người tội lỗi, mặc dù sống không đẹp lòng Thiên Chúa với những tội lỗi, và biết bao tật xấu, thậm chí là mang trong mình một mầm móng của sự bội nghĩa vong ân; một mầm móng của sự thất trung đối với Thiên Chúa do tội nguyên tổ gây ra. Nhưng với tình thương yêu hải hà vô bờ bến của Thiên Chúa, Ngài đã không ngại ban cho mỗi người Kitô hữu chúng ta đức tin, và đặc biệt là Thánh Thần trong ngày chúng ta Rửa Tội và cao điểm nơi Bí tích Thêm Sức. Còn phần con người, con người đã quên mất đi điều đó, quên mất đi món quà quý giá đó. 

Với Thánh Thần, và với ơn của Ngài chúng ta sẽ nhận ra được tất cả những gì mà Chúa muốn gửi đến và ban tặng cho chúng ta. Từ đó chúng ta dễ dàng đón nhận trước những vui buồn mà Thiên Chúa gửi đến trong niềm tin, lòng cậy và sự yêu mến. Chúa Giêsu đã từng nói: “Thầy sẽ ban cho các con Thần Chân Lý để các con nhận biết được Sự Thật”.

Ngược lại, với sức con người, chúng ta sẽ dễ dàng đối kháng lại với Thiên Chúa; trách móc Thiên Chúa vì Ngài đã không nghe những lời cầu xin của chúng ta. Và thậm chí chúng ta dễ dàng chạy đến những thần ngoại ban khác qua việc bói toán, xem quẻ, cầu am...

Quay trở lại một chút bài đọc II, trong thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galát, Thánh Phaolô đã gợi nhắc lại món quà quý giá là Thánh Thần mà Thiên Chúa ban tặng cho các Kitô hữu, thế nhưng họ đã quên mà chạy theo các sự mê hoặc khác của thế gian, xác thịt và ma quỷ : “...”

Lạy Chúa Giêsu, vì con yếu đuối và tội lỗi nên con dễ dàng đem những lời trách móc Thiên Chúa trong những giờ cầu nguyện khi con cầu nguyện nhưng Chúa không cho con theo ý muốn; nhưng có giả như theo ý muốn của con thì đó cũng chỉ là những lời cầu nguyện chỉ hòng mang lại lợi ích cho bản thân hoặc chỉ mang tính trần tục, mà quên đi rằng tất cả đều do ý Chúa muốn. Vì thế, lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần Chúa xuống trên con, để chính Ngài thánh hóa con và làm cho con được đẹp lòng Thiên Chúa: được kết hiệp với Chúa một cách liên lỉ nơi lời cầu nguyện và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN A

(Gl 2, 1-2.7-14; Lc 11, 1-4)

Phó tế. Louis Hồ Trọng Hưng

Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ, 

Thiên Chúa yêu thương con người là chủ đề của hai bài đọc Lời Chúa hôm nay, mà Chúa muốn gửi đến mỗi người chúng ta.

Trong bài đọc I, trích từ thư của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi cho Tín hữu Galát, đã thuật lại những lời trách cứ của ông Phaolô dành cho ông Phêrô. Phaolô đã kịch liệt lên án trước thái độ giả hình của Phêrô đã lôi kéo nhiều người tại Antiôkia sống sai lạc Tin Mừng được loan báo: Ơn cứu độ của Thiên Chúa thì được dành hết cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai, dù có cắt bì hay không cắt bì; dù là Do Thái hay không Do Thái, họ vẫn được ơn cứu độ, miễn sao họ tin vào Đức Kitô là được. 

Cụ thể, khi đến Antiôkia, một miền đất của dân ngoại thì Phêrô đã cư xử với những người dân ngoại ở đây như những người Pharisiêu giả hình: Khi không có mặt các Tông Đồ gốc Do Thái khác hiện diện thì sự niềm nở của ông Phêrô với những người dân ngoại rất đáng khích lệ, thế nhưng khi có sự hiện diện của một ai đó là gốc Do Thái thì ông lại trở mặt và trở nên xa lạ với những người dân ngoại này. “Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Gia-cô-bê đến ; nhưng khi những người của ông Gia-cô-bê đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do-thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Ba-na-ba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ.”

Còn bài Tin Mừng, nói lại sự việc các Tông đồ đến nài xin Đức Giêsu dạy cho việc cầu nguyện. Bởi lẽ, các ông ý thức được rằng: một khi trở thành môn đệ của Đức Kitô tức là các ông cũng đã trở thành những con người như vị Thầy Chí Thánh của mình là cầu nguyện và cầu nguyện liên lỉ. Thế nhưng vấn đề ở chỗ là các ông cảm thấy bối rối và không biết phải làm gì trong khi cầu nguyện. Và các ông cũng cảm nhận được ranh giới giữa một Kitô hữu và một người Pharisiêu thật là mong manh trong khi thực hành các công việc đạo đức, cách riêng là cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nhiều lần cảnh báo về những nguy cơ này: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả : chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy; anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời.” 

Đứng trước những lo âu bối rối của các Tông đồ thì Chúa Giêsu đã nhẹ nhàng hướng dẫn các ông cách cầu nguyện. Và Ngài đã đọc lên Kinh Lạy Cha mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, ....” Như thế, Kinh Lạy Cha là lời cầu nguyện cao trọng nhất mà chúng ta cần phải học hỏi và thực hành trong suốt đời sống của mỗi người Kitô hữu. Bởi lẽ, đây chính là lời dạy cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha. Và Ngài muốn như thế.
Kính thưa quý cộng đoàn phụng vụ, kinh Lạy Cha tuy ngắn nhưng thực sự nó chứa đựng cả một kho tàng đức tin sống động của Kitô giáo. Nói đến kho tàng thì thiết nghĩ quý ông bà, anh chị em và cũng như con phần nào hình dung được là nó chứa đựng biết bao là điều mà Chúa muốn gửi đến. Nhưng hôm này, con xin dừng lại để chia sẻ với quý ông bà và anh chị em câu mở đầu của lời cầu nguyện này: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!” 

Qua câu mở đầu này thì Chúa Giêsu muốn dạy cho chúng ta biết rằng việc cầu nguyện của chúng ta không đơn giản là một lời nói xuông, nhưng đây quả thực là một lời đối thoại cách thân tình với Thiên Chúa. Chúng ta đang ngỏ lời với một Thiên Chúa thực sự, Đấng đang ngự trên trời, Đấng mà chính Đức Giêsu Kitô đến trần gian làm chứng bằng chính giá máu của Ngài trên thập giá: “Lạy Cha chúng con ở trên trời!” Và Đấng ấy đang hiện diện và đang muốn lắng nghe những tâm tình của chúng ta dành cho Ngài.

Hơn nữa, ngay từ hai tiếng “Lạy Cha”, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa của chúng ta, Ngài là một Đấng đầy yêu thương. Ngài rất mong muốn mời gọi con người gọi Ngài bằng tiếng “Abba – Cha ơi!” đầy thân thương và gần gũi. Ngài không phải là một đấng nào đó xa lạ, nhưng Ngài chính là Cha của chúng ta, Ngài đặt chúng ta trong mối thân tình Cha – con, để qua đó chúng ta dễ dàng và tự tin đối đáp với Ngài.
Bên cạnh đó, hai tiếng “Lạy Cha” cũng muốn mạc khải cho chúng ta thấy được phẩm giá vượt bật của người Kitô hữu. Bởi lẽ, không có một tôn giáo nào trên trần gian này cho phép những tín đồ của mình gọi đấng chí tôn của họ là “Cha.” Nhưng đối với Kitô hữu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta điều đó. Điều mà một con người trần xác thịt với biết bao tội lỗi, biết bao tật xấu; phận bé mọn lầm than nơi trần thế lại được diễm phúc gọi Thiên Chúa là Cha. “Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ. Muôn ngàn đời Chúa...”

Lạy Cha, với những lời lẽ của chúng con, chúng con không thể nào nói hết được sự khôn ngoan của Cha và tình yêu mà Cha dành cho con. Con biết là Cha yêu thương con biết chừng nào. Vì thế, xin Cha hãy ban lòng tin cho con, để con tin rằng khi con cầu nguyện hay làm bất cứ việc gì thì con làm cho chính Cha và Cha đang hiện diện ngắm nhìn con trong từng cử chỉ và lời nói. Qua đó, con ý thức hơn những việc làm của con chứ không như cách giả hình của những người Pharisiêu đã làm. 

Xin Cha cũng hãy ban cho con sự thông hiểu, để con biết đào sâu lời kinh Lạy Cha mà chính Con Cha đã dạy cho con mà đem những lời dạy dỗ đó vào trong những giờ cầu nguyện cùng Cha và thiết thực hơn là đem áp dụng vào cuộc sống mà tạ ơn Cha trong mọi hoàn cảnh. Amen.