BAN PHÉP LÀNH QUA ĐIỆN THOẠI ĐƯỢC KHÔNG ?

Ban phép lành qua điện thoại được không?

Giải đáp của Cha Edward Mc Namara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
 
Hỏi: Thưa cha, có đúng là trong cách nào đó cầu nguyện cho một người qua điện thoại không? Người ta có thể xin một tân linh mục ban phép lành cho mình qua điện thoại không? - O. C., Avezzano, Ý.

Đáp: Về việc cầu nguyện, tôi thấy không có lý do tại sao là không. Nếu chúng ta có thể cầu nguyện cho ai đó từ xa, chẳng hạn như khi chúng ta lần hạt Mân côi để chỉ ý cho một người bạn hoặc người thân cần cầu nguyện, thì việc chúng ta cùng đọc với họ cách nào đó qua điện thoại hoặc các phương tiện truyền thông kỹ thuật, có thể là một phương tiện để tăng cường hiệu lực ấy từ một quan điểm chủ quan.

Trong trường hợp linh mục ban phép lành, chúng ta cần phải phân biệt một số yếu tố. Nếu việc ban phép lành là một lời cầu nguyện, tôi tin rằng một phép lành đơn giản có thể được trực tiếp chuyển qua bằng phương tiện điện tử, nếu ý định của linh mục là để cầu xin phước lành của Thiên Chúa trên người ấy.

Có một số người không đồng ý với quan điểm này, và tin rằng một việc ban phép lành của loại này được dành riêng cho Đức Thánh Cha. Các tài liệu là rõ ràng về quyền của Giáo Hoàng để ban các phép lành như vậy, nhưng không nói gì về các trường hợp khác.

Khi Đức Thánh Cha ban phép lành "Urbi et Orbi", bất cứ ai nhận phép lành này qua việc truyền tải trực tiếp là thực sự được Giáo Hoàng ban phép lành, và cũng hưởng các lợi ích từ đại xá gắn liền với phép lành ấy. Phép lành của Giáo Hoàng nhất thiết gắn liền với ơn đại xá, và chỉ Ngài mới có thể ban mà thôi.

Ơn đại xá này, và cả phép lành nữa, không được nhận lãnh qua việc truyền tải trễ lại. Như ‘Sách Enchiridion các Ân Xá’ nói: "Ơn đại xá được ban cho tín hữu nào, không hiện diện vì lý do hợp lý khi Giáo Hoàng ban phép lành, nhưng theo dõi một cách đạo đức các nghi thức này qua truyền hình hoặc truyền thanh 'dum peraguntur', nghĩa là 'trực tiếp khi các nghi thức ấy đang được thực hiện”.

Tôi tin rằng nguyên tắc phép lành không được ghi âm cũng sẽ áp dụng cho các giáo sĩ khác, vì họ chỉ có thể ban một phép lành đơn giản qua điện thoại, máy phát thanh hoặc phương tiện khác. Mặc dù một linh mục có quyền ban phép lành, nhưng việc ban phép lành, ngay cả trong hình thức đơn giản nhất, là một nghi thức của Giáo Hội, và các nghi thức đòi hỏi một hình thức tham gia trực tiếp nào đó.

Một phép lành được ghi âm có thể là một nguồn ân sủng, cũng giống như việc lần chuỗi Mân côi ghi âm có thể tác động chúng ta cầu nguyện. Nhưng nó không phải là một nghi thức của Giáo Hội, và trong trường hợp này, nói cho đúng, nó không đi vào phạm trù của á bí tích.

Cũng vậy, việc ban phép lành như thế không áp dụng cho các phép lành cấu thành, vốn đòi hỏi sự hiện diện thể lý của người hoặc đồ vật được ban phép lành. Các việc ban phép lành ấy chỉ liên quan đến các người làm việc ở trường học, nghề nghiệp tôn giáo… hoặc làm phép các đồ vật như chén thánh hoặc tràng hạt.

Một ngoại lệ này là rằng Đức Thánh Cha, trong một số trường hợp, có thể mở rộng ý định làm phép của mình để làm phép cho các đồ vật đạo đức, như các huy hiệu và tràng hạt qua đài phát thanh, truyền hình và Internet, cho những người theo dõi việc truyền tải trực tiếp. Điều này không thể được coi đúng cho mọi việc truyền thanh truyền hình thánh lễ Giáo Hoàng (hiện nay thường là phổ biến trong kỷ nguyên Internet), và ý định của Ngài thường cần được nói rõ.

Trong cùng một dòng suy tư này, tôi cũng sẽ nói rằng các phép lành phụng vụ trong Sách các Phép sẽ không nhất thiết là hiệu quả như là phép lành, nếu nghi thức ngụ ý một cách tự nhiên sự hiện diện thể lý của người được chúc lành.

Tuy nhiên, các công thức tương tự có thể được sử dụng như lời cầu nguyện cho các người đang ở xa. (Zenit.org 227-2014)

Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ 
Nguồn: Gpquinhon.org


PHẢI CHĂNG VŨ TRỤ DO "NGẪU NHIÊN" MÀ CÓ ?

Phải chăng Vũ Trụ do “ngẫu nhiên” mà có?

Theo thiển ý người viết, cần giải thích ý nghĩa của “ngẫu nhiên, thiên nhiên, tự nhiên, tạo hóa” trước khi mạo muội trả lời cho câu hỏi đã nêu ở tựa đề.
I- Ý nghĩa của chữ “ngẫu nhiên”
A- Từ “Việt-Nho”
“Ngẫu” () là “thình lình, tình cờ”, “nhiên” () là “như thế”. Chuyện “ngẫu nhiên” là việc “tình cờ xảy ra như vậy!”
B- Từ Anh, Pháp, Đức: par hasard; by chance; zufällig
1- Tiếng Anh: I met her by chance. (Tôi tình cờ gặp nàng.)
2- Tiếng Pháp: Si par hasard vous la voyez… (Nếu tình cờ anh gặp nàng…)
3- Tiếng Đức: Ich bin zufällig hier vorbeigekommen. (Tôi tình cờ đi qua đây.)
C- Nhận định về các câu ở phần B
Việc “gặp nàng” hay “đi qua nơi ấy” rõ ràng là KHÔNG DO chủ ý của tôi. Tuy nhiên, nếu bảo rằng hai “sự việc” ấy KHÔNG CÓ nguyên nhân thì tôi sai hoàn toàn bởi vì:
1- Nàng có LÝ DO nào đó mới đi qua nơi tôi cũng đi qua, chẳng hạn: do lầm đường, đang vui hay buồn quá đến nỗi nàng “quên” đường về.
2- Tôi cũng có LÝ DO là đến tiệm hớt tóc ở đường mà nàng “vô tình”, tức “không chủ ý” đi qua.
Cả hai, nàng và tôi, gặp nhau là DO tình cờ. Chữ TÌNH CỜ có nghĩa: không tính trước, không dè. Như vậy, xét cho cùng, ngoài hai LÝ DO đã nêu, TÌNH CỜ cũng là NGUYÊN NHÂN “đưa đẩy” nàng và tôi gặp nhau bởi vì:
a- Theo Luận Lý Học VỠ LÒNG, một trong bảy nguyên tắc căn bản của Lý Trí là: “Mọi sự đều có nguyên nhân.” đúng như câu nói của Gottfried Wilhelm Leibniz, nhà Toán Học, Triết Gia Đức: “KHÔNG có gì CHẲNG có gì mà KHÔNG có lý do.” (Rien n’a rien sans raison.)
b- Người Việt cũng viết, nói như người Anh, Pháp, Đức, chẳng hạn: “Tôi gặp nàng hoàn toàn DO tình cờ.” (I met her quite BY chance. Je l’ai vue complètement PAR hasard. Ganz DURCH Zufall habe ich sie gesehen.) Giới từ BY, PAR, DURCH đều có nghĩa: do, bởi, vì, qua.
3- Có thể thay “par hasard” bằng “par accident” và thay “by chance” bằng “by accident” vì “accident” do từ Latinh “accidens, accidentis” (participe présent) của động từ “accidere: xảy ra” có tiếp đầu ngữ “ac” (1) là do “ad” (có nghĩa: to, upon; à, sur) và ngữ căn “cidere” có nghĩa là “tomber, fall”: rơi. Người Đức cũng có chữ “Akzidenz” cùng nghĩa với Zufall mà “nguyên nghĩa: sens étymologique” là việc RƠI TRÚNG, RƠI XUỐNG…
Trong bài hát “Il était un petit navire”, có câu nói về số phận người sẽ bị ăn thịt: “Le sort tomba sur le plus jeune.” (Thủy thủ trẻ nhất BỊ trúng thăm.) Người Pháp cũng nói: “La pleine lune de ce mois tombe le samedi.” (Trăng tròn tháng này NHẰM ngày thứ bảy.) CHẲNG ai có thể bắt trăng phải tròn vào ngày mình muốn VÌ đó là “hiện tượng” theo QUY LUẬT DO ÔNG TRỜI LÀM NÊN, chứ KHÔNG DO tình cờ, chẳng hạn: hiện tượng mà chúng ta gọi là nhật thực, nguyệt thực.
4- CŨNG cho rằng “mọi sự đều có nguyên nhân” mà người Pháp định nghĩa chữ “ngẫu nhiên: hasard” như sau: “NGUYÊN NHÂN được gán cho các biến cố mà người ta xét là KHÔNG THỂ giải thích hợp lý BỞI VÌ các biến cố ấy chỉ tùy thuộc vào LUẬT xác suất.” (hasard: CAUSE attribuée aux événements considérés comme inexplicables logiquement et soumis seulement à LA LOI des probabilités.) Họ cũng viết: “Le hasard décidera.” (Sự ngẫu nhiên sẽ quyết định.) Người Đức viết “văn hoa” như người Pháp, Anh: “Der glückliche Zufall wollte es, dass… Le hasard voulut que… The chance wanted that…” Nếu dùng cách ấy cho trường hợp của chàng thủy thủ trẻ thì có thể dịch như sau: “SỐ LÀ anh ta bị trúng thăm.” (Le hasard voulut que le sort tombât sur lui.) Anh ta “không ngờ” mình gặp xui; cái xui ấy vẫn có NGUYÊN NHÂN: hết lương thực, thủy thủ đoàn sợ chết đói, ĐÀNH phải bốc thăm ĐỂ có thịt MÀ ăn. Anh ta BÈN lên boong tàu, quỳ gối, chắp tay cầu nguyện: “Ôi, lạy Thánh Nữ Đồng Trinh, ôi lạy Đấng Bảo Hộ con, xin Mẹ ngăn cản họ ăn thịt con.” (Ô Sainte Vierge, Ô ma Patronne, empêchez-les-les-les de me manger.) THẾ LÀ “vô số cá nhỏ nhảy vào tàu” là hiện tượng CÓ nguyên nhân, tức phép lạ QUA Trinh Nữ, NHỜ lời van xin CỦA anh ấy. NẾU cho rằng CHẲNG có phép lạ THÌ việc cá nhảy lên tàu cũng DO nguyên nhân nào đó.
II- Các chữ “nhiên, thiên nhiên, tự nhiên, tạo hóa”
A- “Nhiên”
Theo Cụ Đào Duy Anh, chữ “nhiên” () còn có nghĩa nầy: CỐ Ý CHO ĐƯỢC. Có người nghĩ rằng Vũ Trụ DO “tự nhiên” mà ra. Vậy, xin người ấy “nghe” cách giải thích sau đây:
B- Thiên nhiên (vẫn theo Cụ Đào Duy Anh): “Thiên nhiên” cũng là Tự nhiên. Tự nhiên tức Tạo hóa, là “sáng tạo và hóa sinh”, là “Trời: Créateur!”
C- Từ Điển của Cao Đài: “Thiên nhiên là Trời LÀM RA như thế.” (Chữ “Trời” được viết hoa.)
D- Từ Điển (Lê Khả Phiêu-Nguyễn Lân, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam): “Tạo hóa: Créateur.”
E- Từ Điển (Đào Đăng Vỹ): “Tạo hóa, ĐẤNG Tạo-hóa: Le Créateur.”
F- Tự Điển Việt-Anh (Đặng Chấn Liêu-Lê Khả Kế): “Tạo hóa: The Creator.”
G- Cuốn Vietnamesisch-Deutsch (Phan Trung Liên): “Tạo hóa: Weltschöpfer.”
III- Vũ Trụ không do ngẫu nhiên mà có
Kinh Thánh (Cựu và Tân Ước) ghi lại Lời Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng dựng nên Vũ Trụ từ hư không. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng Vũ Trụ hiện hữu là do ngẫu nhiên! Vậy, tôi xin viết thêm:
A- Tôi chẳng phải là “sản phẩm phụ, tình cờ trong Vũ Trụ” (an accidental by-product of nature) bởi vì tôi khác với loài vật và sự vật: tôi biết lý do, ý nghĩa, mục đích của đời mình, linh hồn tôi bất tử…
B- Cho nên, tôi KHÔNG sống theo bản năng như súc vật, mà theo Thiên Ân là mang Hình Ảnh của Đấng dựng nên Vũ Trụ VÌ Vinh Quang của Ngài, CHO tôi và VÌ tôi.
C- Tôi KHÁC “con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn” VÌ tôi có lý trí, lương tri, KHÔNG “hót như chim”, MÀ “hát Thánh Ca” ĐỂ tôn vinh Thiên Chúa ĐÃ “sáng tác bao nhiêu là Kỳ Công” CHO nhân loại hưởng nhờ, ngắm nhìn, suy nghĩ VÀ nhận ra ĐẤNG TOÀN NĂNG!
D- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ”, tức KHÔNG CÓ Đấng Tạo Hóa thì nên XÓA ĐI trong Tự Điển Bách Khoa các chữ “Datum, date, data” (có nghĩa: “ngày, tháng, năm” do Đấng-phi-thời-gian-phi-không-gian làm ra) vốn có gốc Latinh DATUM (được CHO, ĐƯỢC TẶNG) và những lời dạy của Thánh Hiền Việt Nam, của Thầy-Cô, của Tổ Tiên, của Ông-Bà, Cha-Mẹ tôi đều CHỈ là vô nghĩa VÌ các Vị ấy đã trở thành “TRO BỤI” trong lòng đất! Cho nên tôi phải thờ lạy “Vũ Trụ tự hữu, VÔ TRI” bởi vì ĐÂU CÓ “Tòa Án Tối Cao” của Thượng Đế mà tôi tưởng tưởng ra. Mắc mớ gì mà tôi phải sống “Đạo làm người” vì chết là hết cơ mà!?
E- Nếu Vũ Trụ này là “vô nghĩa” thì các nhà bác học vô thần là những người KHÔNG TƯỞNG (2) vì, (bằng những lập luận không có sức thuyết phục tôi và TUYỆT đại đa số người khác), họ phải UỔNG công chứng minh “Đấng-Không-Có” khiến tôi tự nghĩ: “Họ cũng nên khẳng định rằng Cổ Thành Erbil ở Iraq là DO TÌNH CỜ MÀ CÓ cách đây chừng 10.000 năm, CHỨ CHẲNG CÓ AI dựng nên nó cả!”
F- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ” thì AI là “Đấng Toàn Tri, Toàn Năng, Trên Cả tuyệt đối, Đấng Vô Hạn” (L’Infini) chế ra cái Cổ Máy CỦA Trời (Thiên Cơ) và trật tự lạ lùng của NÓ? Đó là CHƯA nói đến “phép lạ” trong từng tế bào nơi thân xác tôi mà con người CHẲNG tạo ra được từ hư không!
G- Nếu Vũ Trụ này DO “tình cờ” thì TẤT CẢ các THIÊN thể đã HÚC nhau và NỔ TUNG từ đời nào VÀ CHẲNG CÓ TÔI ngồi đây mà viết bài tôn vinh Chúa Cả Càn Khôn!
H- Máy Lotto “chọn” 6 con số trong 49 con. Máy ấy có tới 13.983.816 cách để cho chui ra 6 số mà thôi. Ai trúng thì là người may mắn KHÔNG do tình cờ VÌ máy đó là sản phẩn của những nhà Toán Học. Nhưng nhà Toán Học nào cũng THUA Đấng-Toán-Học-Toàn-Năng, chính là Thiên Chúa!!!
Đức Quốc, 23.7.2014
Đaminh Phan Văn Phước
Ghi chú
(1)- Giới từ “ad” Latinh cũng biến thành “à” trong tiếng Pháp và thành “at” trong tiếng Anh.
(2)- Cái “không tưởng” (utopie) do tiếp đầu ngữ Hylạp ο /u/ là “không”, và do ngữ căn τοπος /topos/ là “chỗ, nơi chốn”. Người-không-tưởng (utopiste) là thành phần đi theo chủ nghĩa “không tưởng”: doctrine utopiste, dạy những điều không tưởng!!!

Nguồn: lamhong.org


THẾ NÀO LÀ LỖI ĐỨC BÁC ÁI KITÔ GIÁO?

Thế nào là lỗi đức bác ái Kitô giáo?

Thánh Phaolô, trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, viết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”( 1Cr 13:13).

Sở dĩ ngài nhấn mạnh về Đức ái như vậy,  vì căn cứ vào lời  Giêsu đã truyền cho các môn đệ và mọi người chúng ta phải  tuân giữ và thực hành hai giới răn quan trong nhất là mến Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” và “yêu người thân cận như chính mình”(Mc 12:30-31).

Thật vậy, yêu người khác như yêu chính mình, đó là đức ái Công giáo. Đó là đức mến mà Thánh Phaolô đề cao hơn cả đức tin và đức cậy. Điều này thật chí lý vì nếu chúng ta tin có Chúa, yêu mến Chúa và hy vọng có ngày được gặp Chúa nhãn tiền thì chúng ta phải thể hiện niềm tin và cậy trông đó bằng đức ái nồng nàn. Nói khác đi, đức ái là thước đo đức tin và đức cậy. Nhưng làm thế nào để chứng tỏ chúng ta thực sự tin và yêu mến Chúa?

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta bí quyết: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Jn 14:21).

"Có và giữ" nghĩa là biết những giới răn của Chúa và thực hành những giới luật đó để minh chứng niềm tin và lòng mến Chúa thực sự.

Như vậy, thực hành tốt hai điều răn quan trọng nhất của Chúa về yêu mến Người và yêu tha nhân  là  cách biểu lộ hùng hồn nhất về niềm tin và yêu mến Chúa thực sự.

Trong giới hạn bài  này, tôi xin được trình bày đại cương về giới luật yêu mến tha nhân như yêu chính mình và những lỗi phạm đến điều răn quan trọng này.

Yêu mến người khác như yêu chính mình trước hết có nghĩa là mình ước muốn những gì tốt đẹp, hữu ích cho mình thì mình cũng phải mong muốn và làm những việc ấy cho người khác. Mình muốn được cơm no áo ấm, có những  phương tiện vất chất tối thiểu cần thiết để sống xứng đáng cương vị làm người thì cũng phải mong muốn và giúp người khác có được những nhu cầu cần thiết đó. Mình muốn danh dự, tiếng tốt cho mình thì cũng có bổn phận phải tôn trong danh dự và tiếng tốt của người khác như vậy. Nói khác đi, nếu mình không muốn bị hiểu lầm bị vu cáo những điều xấu thì cũng không bao giờ được phép gây ngộ nhận cho ai hoặc vô tình hay cố y bêu xấu ai vì bất cứ lý do gì. Sau hết, mình muốn được thăng tiến về mặt trí thức và siêu nhiên, thì cũng phải quan tâm đúng mức đến lợi ích tinh thần và thiêng liêng của người khác. Có như vậy mới thực sự là yêu người như Chúa dạy.

Nói tóm lại, dùng thước bác ái để đo mình thế nào thì cũng phải dùng chính thước đó mà áp dụng cho người khác như vậy. Nhưng trong thực tế, có rất nhiều người đã không sống bác ái hoặc tệ hơn nữa là đã lỗi phạm nhân đức này cách nặng nề.

Cái tội lớn nhất của con người ngày nay ở khắp mọi nơi trên thế giới là tội dửng dưng (indifference) trước sự đau khổ của người khác. Đau khổ về thể lý như đói nghèo, tù đày, bị đánh đập, hành hạ thân xác… Đau khổ về tinh thần như bị khinh chê, kỳ thị, lăng mạ, sỉ nhục, bị bêu xấu trong công luận. Gây cho người khác những đau khổ này hoặc dửng dưng khi thấy người khác phải chịu những đau khổ đó đều lỗi phạm đức ái mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải tuân giữ để được vào Nước Trời, là Vương Quốc của công bình, thánh thiện, và yêu thương. Có người đã nại lý do muốn sửa lỗi của anh chị em để giúp họ cải tiến. Thiện chí này rất tốt và phù hợp với Phúc Âm nhưng phải thi hành đúng với tinh thần mà Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm Thánh Matthêu như sau:

Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi.

Nếu nó chịu nghe anh,thì anh đã được món lợi là người anh em mình.Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai hoặc ba chứng nhân.Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế”(Mt 18:15-   ).

Như vậy, chỉ vì động cơ  bác ái thúc đầy mà ta muốn sửa lỗi người khác để giúp họ trở nên tốt hơn, chứ không vì một lý do nào khác.

Nghĩa là, phải đoan chắc rằng vì bác ái của Phúc Âm, vì thiện chí muốn giúp cho anh chị em mình nên hoàn thiện mà phải khôn ngoan sửa lỗi cho người khác để họ biết sống đẹp lòng Chúa .

Việc này hoàn toàn khác với mọi ý đồ muốn bêu xấu ai  vì lầm lỗi nào đó. Người ViệtNam hay mắc một tội thông thường là tội “nói hành nói tỏi người khác”. Chuyện gì không hay không tốt về người khác thường được loan truyền mau lẹ trong cộng đồng, giữa những người quen biết nhau. Chi tiết của câu chuyện được rỉ tai cứ gia tăng thêm từ người này sang người khác. Cuối cùng chỉ có nạn nhận chịu mọi thiệt thòi, tai tiếng bất công. Như thế, loan truyền tin cho  người khác biết chuyện  không tốt của ai  mà hậu quả làm mất danh dự, tiếng tốt của người ấy là chắc chắn lỗi đức bác ái Công giáo.

Lại nữa, công khai bêu xấu ai, hoặc lợi dụng truyền thông, báo chí để cố ý diễn dịch sai ý kiến của người khác hầu dành thắng lợi cho phe nhóm của mình cũng là  lỗi đức ái Kitô Giáo. Nghĩa là, không phải trách nhiệm của mình, nhưng chỉ vì muốn bêu xấu ai đó để thủ lợi cho phe nhóm mình  nên đã tìm mọi cách để loan tin cho người khác biết chuyện kín hay xuyên tạc lời nói hoặc tư tưởng của người thứ ba là phạm tội cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức Kitô Giáo. Tuyệt đối không có cơ sở luân lý, Kinh Thánh hay tín lý nào cho hành vi bêu xấu làm nhục người khác ở trong và ngoài Giáo Hội. Không ai có quyền tự dành  cho mình trách  nhiệm tố cáo để bôi nhọ người khác trước công luận xã hội dù núp dưới với bất cứ danh nghĩa nào. Phải tôn trọng danh dự, đời tư,  tính mạng và  tài sản của người khác như chính của mình. Đây là giới luật bác ái và công lý đòi buộc mọi công dân và giáo dân phải tuân giữ khi sống trong xã hội và Giáo Hội.

Tóm lại, bác ái không chỉ giới hạn trong việc cho người đói ăn, cho kẻ khát uống, kẻ rách rưới áo quần. Hơn thế nữa, Bác ái đòi hỏi phải yêu mến và tôn trọng người khác như chính mình, vì mọi người đều là hình ảnh của Chúa và là anh chị em với nhau.

Vậy nếu không yêu thương, tôn trọng được người anh em mà chúng ta trông thấy, gặp gỡ thường ngày trong cuộc sống thì làm sao chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa là Đấng chúng ta không nhìn thấy được trong cuộc sống ở đời này? 

LM. Px. Ngô Tôn Huấn

Nguồn: conggiao.info

TRÁCH NHIÊMJ CỦA CHA MẸ KHI CƯỚI VỢ KHÁC CHO CON

Trách nhiệm của cha mẹ khi cưới vợ khác cho con

Có một đôi vợ chồng kia, có làm phép Hôn phối, sau khi ăn ở với nhau được một người con thì người vợ bỏ đi vì làm đổ nợ. Người chồng sau một thời gian lại cưới một cô vợ khác và chỉ làm phép đời mà thôi, vì hôn phối trước theo phép đạo vẫn còn. Như vậy nếu cha mẹ của anh này chấp thuận cho anh ta cưới vợ khác, vì người vợ trước đã ra tòa ly hôn, thì cha mẹ của anh này có mắc lỗi không và có được rước lễ không ? (T.T.H.H., Giáo xứ Tân Bình).

Trả lời

Mặc dù người chồng đã ra tòa án dân sự ly hôn với người vợ trước, nhưng anh vẫn còn đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân theo phép đạo với người vợ trước, cho nên mắc ngăn trở và không thể kết hôn theo luật Giáo Hội với người vợ sau được (x. GL. điều 1085 §1). Dù người chồng có giấy đăng ký kết hôn theo luật đời với người vợ sau, nhưng cả hai người không phải vợ chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội. Người chồng ly dị và tái hôn thì rõ ràng là vi phạm Điều răn của Chúa, sống trong tình trạng ngoại tình công khai và thường xuyên (x. GLHTCG số 2384).

1. Trách nhiệm của cha mẹ: Có mắc lỗi không?

Trong trường hợp cha mẹ của anh chấp thuận cho anh cưới vợ khác thì không thể không mắc lỗi đồng phạm, nhưng mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào thái độ chấp thuận tích cực hay tiêu cực. Theo “Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo”, số 1868, tội là một hành vi cá vị, nhưng chúng ta có trách nhiệm trong các tội người khác phạm, khi chúng ta cộng tác vào các tội đó, bằng cách:

“- tham gia một cách trực tiếp và tự nguyện vào các tội đó;
- ra lệnh, xúi giục, khen ngợi hoặc tán thành những tội đó;
- không tố cáo hoặc không ngăn cản các tội đó, khi có bổn phận phải can ngăn;
- che chở những người làm điều xấu”.

Nếu cha mẹ đứng ra tổ chức đám cưới cho con trai, thì chắc chắn sẽ mắc lỗi nặng hơn với việc chỉ chấp thuận cho con muốn làm gì thì làm. Dù sao đi nữa, Giáo Hội cũng lưu ý chúng ta rằng: “Mặc dầu chúng ta có thể phán đoán một hành vi nào đó tự nó là một lỗi phạm nặng, chúng ta vẫn phải phó thác việc phán xét các nhân vị cho sự công bằng và lòng thương xót của Thiên Chúa” (GLHTCG số 1861).

2. Và có được rước lễ không?

Người ta thường hiểu việc có được rước lễ hay không ở đây là có bị vạ tuyệt thông (bị dứt phép thông công) hay không. Trong Bộ Giáo Luật hiện hành, không có điều khoản nào quy định phạt vạ tuyệt thông ngay tức khắc (nghĩa là cấm xưng tội rước lễ do chính sự kiện phạm tội) cho cha mẹ chấp thuận cho con cái ly dị và tái hôn. Tuy nhiên, Đức Giám mục giáo phận có quyền ra hình phạt vạ tuyệt thông đối với giáo dân trong giáo phận của mình (x. Điều 1315). Nếu Giáo phận nào có thiết lập hình phạt vạ tuyệt thông đối với loại tội phạm này thì lúc đó hình phạt mới được áp dụng. Thông thường, tùy theo mức độ tội nặng hay nhẹ trong việc cộng tác vào việc phạm tội của người con, mà cha mẹ có được rước lễ hay không. Nếu cha mẹ có tội nặng thì chắc chắn không được đi rước lễ. “Ai biết mình đang mắc tội trọng, thì phải lãnh nhận bí tích Hòa Giải trước khi đi lên rước lễ” (GLHTCG số 1385). Tuy nhiên cha mẹ đương sự cũng nên suy nghĩ điều này: không phải cứ cố tình vi phạm lề luật Chúa, gây ra gương mù gương xấu trong giáo xứ rồi đi xưng tội là xong. Hối nhân còn phải làm hết sức có thể để sửa sai (x. GLHTCG số 1459). Làm thế nào để sửa sai này đây?

Tác giả bài viết: Lm. LG Huỳnh Phước Lâm 
Nguồn tin: gplongxuyen.org


QUY ĐỊNH CỦA BỘ PHỤNG TỰ VÀ KỶ LUẬT CÁC BÍ TÍCH VỀ NGHI THỨC CHÚC BÌNH AN TRONG THÁNH LỄ

Quy định của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích về nghi thức chúc bình an trong Thánh Lễ

 Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích, trong một Thư luân lưu mới ra gần đây, công bố rằng thời điểm chúc bình an trong Thánh Lễ sẽ không thay đổi, và đưa ra một số khuyến nghị giúp cho việc cử hành nghi thức này được xứng hợp hơn.
“Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích… quyết định giữ nguyên ‘nghi thức’ và ‘cử chỉ’ chúc bình an vào thời điểm hiện nay trong Nghi thức cử hành Thánh Lễ”, cha Jose Maria Gil Tamayo, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha, đã viếtnhư trên trong bản Thông báo ngày 28 tháng Bảy vừa qua.
Cha nói rằng quyết định này được đưa ra sau khi xem xét thời điểm của nghi thức chúc bình an như “một đặc trưng củanghi lễ Roma”, và cho rằng việc “có những thay đổi cấu trúc Thánh lễ vào lúc này là không thích hợp đối với các tín hữu”.
Cử chỉ chúc bình an được cử hành sau khi truyền phép và ngay trước khi rước lễ; tuy nhiên đã có đề nghị dời cử chỉ này vào thời điểm trước khi dâng của lễ.
Bản thông báo của cha Gil đã được gửi đến các giám mục Tây Ban Nha cùng với Thư luân lưu của Bộ Phụng tự, do Đức hồng y Bộ trưởng Antonio Cañizares Llovera, và Đức Tổng giám mục Thư ký Arthur Roche, ký ngày 8 tháng Sáu. Và ngày hôm trước, Thư luân lưu này đã được Đức giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn và xác nhận.
Thư luân lưu đưa ra 4 khuyến nghị cụ thể nhằm bảo vệ chân giá trị của cử chỉ chúc bình an, tránh những lạm dụng.
Cha Gil cho biết Thư luân lưu là kết quả của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2005 về Thánh Thể, trong đó các giám mục đã bàn về việc có thể dời nghi thức chúc bình an vào lúc khác hay không.
“Thượng Hội đồng Giám mục cần điều tiết khi thực hành cử chỉ này, vì rất thường mang những hình thức thái quá và làm cho bầu khí cộng đoàn loãng đi trước lúc hiệp lễ”, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết như trên trong Tông huấn hậuThượng Hội đồng Sacramentum Caritatis.
Ngài nói thêm rằng: “Xét đến các thói quen cổ xưa và đáng kính cùng với những ước muốn của các nghị phụ Thượng Hội đồng, tôi đã đề nghị các Bộ có thẩm quyền nghiên cứu khả năng đặt việc chúc bình an vào lúc khác, ví dụ trước khi dâng lễ vật lên bàn thờ. Hơn nữa việc lựa chọn như thế làm nhớ lại một cách ý nghĩa lời khuyên răn của Chúa Giêsu rằng “Nếu ngươi sực nhớ ra anh em có điều bất bình với ngươi, hãy để của lễ ngươi trên bàn thờ, đi làm hòa cùng anh em trước đã” (Mt 5,23). Như thế có lẽ cũng sẽ khiến cho nghi lễ Roma phù hợp, về mặt này, với nghi lễ Ambrôsiô cử hành ởMilano.
Con đường Tân Dự tòng, một phong trào giáo dân trong Giáo hội, cũng đã dời nghi thức chúc bình an (trong nghi lễ Roma) đến trước khi dâng lễ vật.
Quyết định của Bộ Phụng tự giữ nguyên thời điểm chúc bình an là kết quả của cuộc đối thoại với các giám mục trên thế giới, bắt đầu từ năm 2008, và tham khảo ý kiến ​​với cả Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI và Đức giáo hoàng Phanxicô.
Bộ Phụng Tự cho biết sẽ “đề ra một vài biện pháp thiết thực để diễn tả tốt hơn ý nghĩa của cử chỉ chúc bình an và điều tiết những thái quá, thường gây ra xáo trộn trong cộng đoàn phụng vụ ngay trước khi rước lễ”.
“Nếu các tín hữu không hiểu và không bày tỏ, qua cử chỉ của mình, ý nghĩa thực sự của việc chúc bình an, quan niệm Kitô giáo về bình an của họ sẽ trở nên nghèo nàn, và việc tham dự Thánh lễ thiếu tính hiệu quả”.
Vì thế, Bộ Phụng tự đã đưa ra 4 khuyến nghị, tạo thành “nòng cốt” giáo lý của cử chỉ chúc bình an.
Trước hết, Bộ Phụng tự vừa khẳng định tầm quan trọng của nghi thức, vừa nhấn mạnh rằng “hoàn toàn hợp pháp khi khẳng định rằng không cần thiết phải mời các tín hữu chúc bình an một cách máy móc”. Nghi thức này là tùy ý, và chắc chắn có những lúc và những nơi mà nghi thức ấy không phù hợp.
Thứ hai, như bản dịch của ấn bản thứ ba Sách Lễ Rôma đã nói, Hội đồng Giám mục nên xem xét “thay đổi cách chúc bìnhan”. Đặc biệt, nên thay thế các cử chỉ chúc bình an “thông dụng và mang tính thế tục” bằng các cử chỉ khác “thích hợp hơn”.
Thứ ba, Bộ Phụng tự cũng lưu ý rằng cần phải chấm dứt nhiều vi phạm về nghi thức chúc bình an: chẳng hạn việc hát “bài ca hoà bình”, vốn không có trong nghi lễ Roma; việc các tín hữu rời chỗ để chúc bình an; linh mục rời khỏi bàn thờ để chúc bình an với các tín hữu; và những khi –trong những dịp như đám cưới hoặc đám tang–, nó trở thành một dịp để chúc mừng hay chia buồn.
Và cuối cùng, Bộ Phụng tự khuyến nghị các Hội đồng Giám mục cần chuẩn bị giáo lý phụng vụ về ý nghĩa của nghi thứcchúc bình an, và việc tuân thủ đúng đắn nghi thức này.
Thư của Bộ Phụng tự kết luận: “Rõ ràng, mối quan hệ mật thiết giữa ‘lex orandi’ (luật cầu nguyện) và ‘lex credendi’ (luật đức tin) nên được mở rộng thành ‘lex vivendi’ (luật sống)”.
“Việc người Công giáo ngày nay đang đứng trước nghĩa vụ nặng nề phải xây dựng một thế giới hoà bình và công bằng hơn, bao hàm phải hiểu biết sâu sắc hơn ý nghĩa Kitô giáo của sự bình an và cách diễn tả bình an trong cử hành phụng vụ”.
(CNA) 
Minh Đức
Nguồn: WHĐ


HAI PHÉP LẠ NUÔI ĂN

HAI PHÉP LẠ NUÔI ĂN

 

Jimmy Akin

Trong các Tin Mừng, ngoài sự kiện phục sinh, phép lạ thời danh nhất gắn liền với Chúa Giêsu là phép lạ nuôi ăn 5000 người được cả 4 Tin Mừng tường thuật (Mt 14,13-21; Mc 6, 30-44; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13).

Nhưng Tin Mừng Matthêô và Marcô còn tường thuật thêm một phép lạ nữa cũng tương tự như vậy: phép lạ nuôi ăn 4000 người (Mt 15,32-39; Mc 8,1-10). Các con số liên hệ với phép lạ này có khác biệt đôi chút (nuôi ăn 4000 người, dùng 7 ổ bánh và “mấy con cá nhỏ”, thu lại được 7 thúng thức ăn thừa), nhưng đại khái cũng cùng một thể loại phép lạ nuôi ăn cơ bản.

Và có thể đây là lý do tại sao Luca và Gioan không tường thuật phép lạ thứ hai này: vì giới hạn không gian trên các cuốn sách thời cổ xưa, chỉ cần viết đủ trên một cuộn giấy, nên họ quyết định chỉ ghi lại một phép lạ thuộc loại này và chọn phép lạ có ấn tượng hơn cả.

Nhưng cho dù việc hóa bánh ra nhiều rất diệu kỳ đã được thực hiện trước đó rồi nhưng điều gì được thực hiện ở một quy mô lớn thì nó vẫn còn gây ấn tượng đấy chứ! Chính vì thế mà Thánh Matthêô và Marcô đã chọn cách ghi lại nó.

Có thể còn có lý do khác nữa nhưng để biết được thì cần thêm một ít nghiệp vụ điều tra!

Các hành trình của Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng Matthêô, Marcô và Luca, hầu hết sứ vụ của Chúa Giêsu đều thực hiện tại Galilê, miền bắc xứ Giuđêa. Trong ba Tin Mừng này, Chúa Giêsu ở miền Giuđêa lúc bắt đầu sứ vụ, khi chịu phép rửa của Gioan, và một lần nữa vào cuối sứ vụ, khi chịu đóng đinh tại Giêrusalem. Tuy nhiên, Ngài ở tại Galilê hầu hết thời gian nhưng không phải trọn thời gian.

Đôi lần Ngài cũng đã đi vào miền đất Dân ngoại như lúc trừ quỷ ở Ghêrasa (Mc 5, 1-20). Đó là lý do tại sao có đàn heo hai ngàn con ở trong câu chuyện – bởi vì người Ghêrasa là dân ngoại giáo nên họ vẫn ăn thịt heo.

Điều thú vị là ở cuối câu chuyện này, Chúa Giêsu bảo người bị quỷ ám được chữa lành rằng hãy loan truyền điều Thiên Chúa đã làm cho anh. Đây thực là điều trái ngược hẳn với những gì xảy ra tại Galilê: Ngài thường bảo người dân giữ im lặng về những gì Ngài đã làm. Lời căn dặn này rõ ràng để tránh cho mình khỏi bị tôn làm vua trái với ý muốn khi dân chúng nhìn Ngài như là một Vị Cứu Thế theo nghĩa chính trị  (Ga 6, 15).

Chính vì thế mà khi bảo người bị quỷ ám ở Ghêrasa cứ thoải mái đi loan truyền những điều Ngài đã làm cho anh thì điều đó chẳng ảnh hưởng chi đến sứ vụ của Ngài bởi vì phần lớn thời gian Ngài đều ở tại Galilê. Vả lại, lời loan truyền của anh cũng giúp cho dân ngoại hiểu biết về Thiên Chúa của Israel!

Nếu đọc kỹ Tin Mừng, ta sẽ thấy rằng khi Chúa Giêsu tiếp tục đi vào miền đất dân ngoại – danh tiếng Ngài bắt đầu lớn dần lên. Và chúng ta có hai phép lạ nuôi ăn khác nhau.

Nuôi ăn 5000 người

Matthêô và Marcô nói phép lạ này xảy ra tại một nơi hoang vắng gần Biển hồ Galilê, nhưng không nói ở đâu (Mt 14,13; Mc 6, 32). Gioan cũng mập mờ về địa điểm của phép lạ (Ga 6, 1), nhưng Luca nói nó xảy ra gần Bethsaiđa (Lc 9, 10).

Bethsaiđa là quê quán của Phêrô và Anrê (Ga 1, 44). Đây là một làng chài trên Biển hồ Galilê. Thực ra, cái tên Beth-Tsaida có nghĩa là “ngôi nhà đánh cá”. Đây là lãnh thổ của người Do Thái nên phép lạ Nuôi ăn 5000 người có liên quan trước tiên đến đám người Do Thái. Thế còn phép lạ nuôi ăn kia?

Ai thật sự là người không tinh sạch ở đây?

Trong Tin Mừng Marcô chương 7, Chúa Giêsu bị nhóm ký lục và biệt phái chỉ trích vì các môn đệ của Ngài ăn mà không rửa tay theo tập tục người Do Thái. Chúa Giêsu bênh vực các môn đệ khi nói rằng điều không tinh sạch chính là những gì xuất ra từ tâm hồn con người chứ không phải những gì đi vào miệng  (7, 1-23).

Marcô còn thêm vào một lời bình phẩm: “Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (7,19). Đây là vấn đề quan trọng bởi vì trong Giáo Hội sơ thời có vấn đề tranh cãi rằng những Kitô hữu gốc ngoại giáo có cần phải giữ luật lệ ăn uống của người Do Thái hay không (Rm 14;  Gl 2,11-14; Cl 2,16).

Vấn đề này đã mở đầu cho một loạt câu chuyện có liên quan đến dân ngoại giáo.

Trước hết, Thánh Marcô tường thuật Chúa Giêsu đi về miền Tyrô và Siđôn, ngày nay là Liban, phía bắc Galilê. Ở đây, Ngài gặp người phụ nữ Syrôphênixi – một người dân ngoại – và trừ tà cho con gái của bà  (7,24-30).

Marcô khẳng định: “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Siđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh” (7,31).

Miền Thập Tỉnh là nhóm mười thành phố nằm bên bờ đông của sông Giođan, hiện nay là nước Jordan.

Vào thời ấy, đây là các thành phố La-Hy, và là các thành phố của dân ngoại hơn là của người Do Thái. Thật vậy, Ghêrasa và Gadara là hai trong số mười thành phố này, và như vậy Chúa Giêsu đã trở lại lãnh thổ mà Ngài đã trừ tà cho người bị quỷ ám.

Nhưng lúc này danh tiếng làm phép lạ của Ngài đã nổi như cồn, có lẽ do lời loan truyền của người được chữa khỏi quỷ ám, và người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến cho Ngài chữa lành (7,32-37). Chính lúc ấy thì điều thú vị đã thật sự xảy ra.

Nuôi ăn 4000 người

Marcô tường thuật: “Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giêsu gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn! Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến” (Mc 7, 1-3)

Như vậy, câu chuyện nuôi ăn 4000 người xảy ra trong bối cảnh hàng loạt câu chuyện liên quan đến Dân ngoại, sau khi Chúa Giêsu đi vào miền Thập Tỉnh, và có liên hệ với đám người ngoại giáo. Nói cách khác: đây là phần dành cho dân ngoại tiếp nối câu chuyện Nuôi ăn 5000 người.

Chúa Giêsu có thể gặp rắc rối ở quê nhà– chẳng hạn như cuộc xung đột với người Pharisiêu về tập tục rửa tay – nhưng danh tiếng của Người ở miền Thập Tỉnh đã trở nên lớn mạnh đến nổi có thể thu hút cả 4000 người dân ngoại và giữ họ ở lại tới 3 ngày cho đến khi cạn kiệt lương thực, và hậu quả là phép lạ nuôi ăn thứ hai đã xảy ra.

Trình thuật trong Tin Mừng Matthêô cũng tương tự như thế: có xảy ra xung đột với người Pharisiêu về việc rửa tay (Mt 15, 1-20), rồi Chúa Giêsu đi đến miền Tyrô và Siđôn, trừ quỷ cho con gái người phụ nữ Syrôphênixi (Matthêô đặc biệt ghi chú rằng người phụ nữ là “người Canaan” - Mt 15, 22). Sau đó, như trong Tin Mừng Marcô, Chúa Giêsu đi khỏi miền ấy và “đi dọc theo Biển hồ Galilê” (Mt 15, 29), đây là đoạn đường bạn phải đi để đến được miền Thập Tỉnh.

Matthêô không nói rõ ràng rằng Chúa Giêsu đang ở miền Thập Tỉnh khi làm hàng loạt những phép lạ gồm các “việc chữa lành kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa” (Mt 15, 30), nhưng ông nói rằng “đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Israel” (Mt 15, 31).

Thật là điều kỳ quặc nếu cho rằng đám đông này là người Do Thái bởi vì người Do Thái đã tôn vinh Thiên Chúa của Israel rồi. Lúc nào họ cũng làm điều đó. Họ thờ phượng Thiên Chúa hằng ngày. Nói rằng họ tôn vinh Thiên Chúa thì cũng bằng thừa!

Sẽ là rất ấn tượng – và xứng đáng để được Matthêô lưu ý – là người dân ngoại tôn vinh Thiên Chúa của Israel.

Và như vậy chúng ta thấy rõ ràng rằng trình thuật Nuôi ăn 4000 người của Marcô có liên hệ đến đám người ngoại giáo và đám đông tôn vinh Thiên Chúa của Israel trong Matthêô cũng là đám đông ấy (Mt 15,32-38).

Như vậy, có vẻ như cả Matthêô lẫn Marcô đã tinh tế phác họa nên việc Nuôi ăn 4000 người như là một phiên bản dành cho dân ngoại của phép lạ nuôi ăn 5000 người, tiên trưng cho sự việc bao gồm cả dân Do Thái lẫn dân ngoại vào trong Giáo Hội của Chúa.

 

Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ 
Nguồn tin: Gpquinhon.org 

ĐỨC ÁI MỤC TỬ

ĐỨC ÁI MỤC TỬ

 

Chúa Giêsu đã hỏi Thánh Phêrô tới ba lần và sau mỗi lần Chúa Giêsu hỏi: “Này anh Simon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Simon Phêrô đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy.” thì Chúa Giêsu đều nói: “ Hãy chăm sóc chiên của Thầy.” (Ga 21, 15-17). Như vậy, điều kiện, tiêu chuẩn trên hết và trước hết để Chúa Giêsu trao đoàn chiên của Ngài là Yêu mến. Dĩ nhiên, Yêu mến đây là yêu mến Thầy Giêsu. Nhưng nếu Chúa Giêsu đã chọn mặt gửi vàng theo tiêu chuẩn yêu mến thì yêu mến đây cũng chính là yêu mến những con chiên “vàng”, những con chiên yêu quí mà Ngài đã thí mạng cho chúng được sống và sống dồi dào (Ga 10,10). Tông huấn NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC nói đến những mục tử như lòng Chúa mong ước mà cũng là Giáo hội mong ước và ngay cả giáo hữu ước mong. Thế mà có thể nói rằng toàn bộ Tông huấn NHỮNG MỤC TỬ NHƯ LÒNG MONG ƯỚC xoay quanh “Đức ái mục tử”. Chính Đức ái mục tử cho chúng ta khởi điểm mà cũng là tận điểm cho sứ vụ mục tử của các linh mục. Xin chia sẻ Đức ái mục tử qua 3 cụm từ: Với anh em, Cho anh em và Vì anh em.

Rất nhiều lần chúng ta đã đọc câu Xướng-đáp trong giờ Kinh chiều II lễ các Thánh Mục tử rằng:

Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Câu Xướng-đáp vần điệu tuy rất vắn gọn và đơn sơ nhưng lại chất chứa tất cả nội hàm của Đức ái mục tử.

Trước hết, Đây là người đã sống hết tình Với anh em.

ĐGH Phanxicô nhắn nhủ các đại chủng sinh chủng viện liên giáo phận Leoniano ngày 14-4-2014 rằng : ”Các chủng sinh quí mến, các thầy không chuẩn bị để thi hành một nghề, hoặc trở thành những nhân viên của một xí nghiệp hoặc một cơ quan hành chánh. Tôi nhắn nhủ các thầy đừng rơi vào tình trạng đó. Các thầy đang trở thành những mục tử theo hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử nhân lành, để giống như Chúa và ở giữa đoàn chiên trong cương vị của Chúa, để chăn dắt các chiên”. Trong Thánh Lễ ngày 6-6-2014, tại nhà nguyện Thánh Mác-ta, Đức Thánh Cha đã giảng giải lời Chúa mời gọi chăm sóc dân Chúa: “Hãy chăm sóc đoàn chiên của Ta.” Tôi phải tự hỏi: “Tôi có phải là chủ chiên hay chỉ là nhân viên của một tổ chức dân sự, thiện nguyện có tên là Giáo Hội? Có một sự khác biệt.” Ngài nhấn mạnh: linh mục được mời gọi để trở nên trước hết một chủ chăn, trước tất cả học vấn, kiến thức về triết học và thần học. Tất cả mọi thứ khác đến sau.

Thế nhưng linh mục cũng chỉ là một con người đầy hạn chế, yếu đuối và tội lỗi thì làm sao mà làm việc của Chúa được? Trong loạt bài Giáo Lý về các Bí Tích vào ngày 26 tháng 3 năm 2014, ĐGH Phanxicô nói về Bí Tích Truyền Chức Thánh như sau: Bí Tích Truyền Chức Thánh là Bí Tích làm cho việc thi hành tác vụ mà Chúa Giêsu đã trao phó cho các Tông Đồ, để chăn nuôi đàn chiên của Người trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, theo con tim của Người, có thể xảy ra được. Chăn nuôi đàn chiên của Chúa Giêsu không phải bằng quyền năng của sức con người hoặc sức riêng của mình, nhưng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần và theo con tim của Người, con tim của Chúa Giêsu, là một con tim yêu thương. Linh mục, Giám mục, Phó tế phải chăn nuôi đàn chiên của Chúa với tình yêu.  Nếu không làm điều ấy với tình yêu thì không phải là phục vụ.  Một linh mục mà không phục vụ cộng đồng của mình thì không làm tốt, mà làm sai. Những người được truyền chức thánh được đặt làm đầu của cộng đồng theo Chúa Giêsu có nghĩa là đặt quyền hành của mình vào việc phục vụ, như chính Người đã cho thấy và dạy cho các môn đệ của Người với những lời này: Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:25-28; Mc 10,42-45).

Thì ra để làm đầy tớ anh em theo gương Chúa, chính linh mục phải cảm nhận Chúa đã yêu thương phục vụ mình thế nào. Sáng 11-6-2010, ĐGH Bênêđictô XVI đã chủ thánh lễ đồng tế đông đảo nhất trong lịch sử, nhân dịp bế mạc Năm Linh Mục. Trong bài giảng, Ngài quảng diễn các đoạn Kinh Thánh của ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, đặc biệt là đáp ca trích từ thánh vịnh 23: ”Chúa là mục tử chăn dắt tôi” và qua đó ngài nêu bật lòng từ nhân, sự ân cần quan tâm chăm sóc của Chúa đối với chúng ta. Chúa biết tôi, ngài lo lắng cho tôi, và linh mục cũng phải phản ánh trong sứ vụ của mình: Thiên Chúa muốn chúng ta, trong tư cách là linh mục, trong một điểm nhỏ của lịch sử, chúng ta chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người.

Thánh GH Gioan XXIII đã sống thế nào để chia sẻ những quan tâm của Chúa đối với con người? Chúng ta hãy đọc những điều ngài viết trong cuốn ”Nhật Ký của Tâm Hồn: “ Từ lâu tôi đã chọn hướng đi: Trong mọi công tác mục vụ, tôi nhất quyết hy sinh, hy sinh vô điều kiện cho các linh hồn”. Thực tế, đây là một dốc quyết không dễ thực hiện. Đức Cha Mátthêô trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin đã nói: “ Theo Thánh Gioan Maria Vianney, không thể có chuyện linh mục làm việc cầm chừng, làm việc vừa đủ với bổn phận thôi, để đời sống được dễ dãi thoải mái. Cám dỗ bằng lòng với cái tối thiểu là cám dỗ rất nguy hiểm, nó hạ thấp lý tưởng linh mục, làm nguội nhiệt tình và người linh mục rảnh rỗi dễ bị sa vào điều không tốt”. Nhớ lại lúc học về Mục vụ giáo xứ, Cha giáo có in đậm trong cours: Cha xứ cần hai điều: tận tâm và có phương pháp. Tận tâm là sống hết tình với đoàn chiên như Thánh GH Gioan-Phaolô II nói: “ Đời sống của các linh mục, sự tận tâm triệt để cho dân Thiên Chúa, chứng tá phục vụ yêu thương của họ cho Chúa và cho Giáo Hội của Ngài – một chứng tá được đánh dấu bằng dấu chỉ thập giá, được chấp nhận trong niềm hy vọng và niềm vui phục sinh (Pastores dabo vobis, 41). Trong bài Huấn dụ ngày 03/7/1993 Ngài đã nói:” CĐ Vatican II nói chức linh mục như suối nguồn của Đức ái mục tử làm cho các linh mục hiểu biết rõ các con chiên của mình cũng như có khả năng phục vụ xả kỷ mà không bao giờ cho người khác cảm tưởng mình là ân nhân, đặc biệt là cuộc sống của những anh chị em nghèo túng nhất theo gương Vị Mục tử nhân lành. Thánh Gioan Maria Vianney chia sẻ: "Bí quyết của tôi là rất đơn giản, đó là cho đi tất cả và không giữ lại gì". Xảy ra là khi ngài không còn gì, thì ngài nói với những người nghèo gõ cửa nhà ngài: "Tôi cũng nghèo như ông/bà vậy; hôm nay tôi là một người trong số ông bà".

Bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một “khuôn mặt toả sáng” của công giáo Pháp thế kỷ XX cảm nhận: Khi giáo dân đã gặp được một linh mục hiểu họ, một linh mục với trái tim nhân loại của mình đã đi vào đời họ, thì họ sẽ không bao giờ quên được nữa. Quả thế, ĐHY Manning, TGM Westminster, khẳng định: “ Một linh mục tận tâm, cho dù chết, nhưng ngài vẫn còn nói được vì những công việc ngài đã làm sẽ còn sống mãi sau khi ngài đã qua đi!”. Nhiều Cha đàn anh đạo đức chia sẻ rằng cứ chân thành sống hết tình với giáo dân thì thấy bình an cho dù gặp khổ, gặp khó, dù bị ngay cả bề trên hiểu lầm, anh em khích bác, gièm pha. Hơn 20 năm rồi mà những giáo dân ở giáo xứ Châu Me vẫn cầu nguyện cho Cha cố Giuse hằng ngày và cứ luôn nhắc đến Ngài. Quả là giáo dân rất nhạy bén cảm nhận được sự tận tâm hết tình của các linh mục và họ cũng nhớ đời sự tận tâm  tận tình đó. Chính Cha sở Ars đã chẳng bị Bề trên nghi ngại, hiểu lầm, anh em linh mục khích bác, gièm pha, chê bai và ngay cả giáo dân đã muốn trục xuất ngài đi khỏi Ars sao? Vì chống lại những đòi hỏi của ngài, họ nói xấu ngài đủ điều, cho ngài đạo đức giả để che lấp những tật xấu. Thấy ngài gầy ốm xanh xao, họ nói ngài đêm đêm lén lút truy hoan. Họ gởi thư nặc danh, dán tờ bướm lăng nhục trước cửa nhà xứ rồi còn tổ chức những đêm huyên náo, chen lẫn với những tiếng thú vật kêu và văng tục đủ thứ..... Đức Giám Mục Belley buộc phải cho điều tra. Để đáp lại, ngài giữ im lặng.

Chân Dung Người Mục Tử Lý Tưởng theo ĐGH Phanxicô là những người không có “tâm lý của các ông hoàng”. Là những người không tham vọng và là các phu quân của một Giáo Hội, chứ không đợi chờ một Giáo Hội khác. Là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì đoàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là, làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim. Là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn. Thánh Phêrô trong thư thứ 1 khuyên nhủ các bậc kỳ mục rằng: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy”

Trong lời khuyến dụ dành cho các giáo sĩ giáo phận Assisi trong cuộc thăm viếng ngày 4-10-2013, ĐGH Phanxicô đã xin các linh mục hãy nhớ rõ không những tên của những người giáo dân trong giáo xứ, mà còn cả các con thú cưng của họ nữa. Đây chính là con đường giúp người mục tử gần gũi với đàn chiên của mình. Sự gần gũi này là hết sức cần thiết, vì chỉ khi gần gũi với người tín hữu, người mục tử mới có thể trao ban cho họ hương thơm của Đức Giê-su. Hơn nữa, để có thể trao ban thứ hương thơm ấy, các ngài phải để hương thơm của Đức Ki-tô thấm đượm nơi chính bản thân mình.

ĐHY Manning, TGM Westminster, chia sẻ :” Vị chủ chăn biết con chiên mình, biết tên tuổi, nhu cầu của họ và nhất là :” Không gì làm tôi vui sướng hơn bằng khi nghe biết con cái tôi sống trong sự thật” (3Ga 4). Linh mục có thể nói như thánh Phaolô:” Anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi” (Pl 4,1) “Anh em hãy vui lên và chia sẻ niềm vui với tôi” (Pl 2, 18).

Một khi đã vui với con chiên và vì con chiên, các linh mục không còn sợ bị con chiên quấy rầy. ĐGH Phanxicô nói với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tụ tập tại quảng trường Thánh Phêrô trưa Chúa Nhật 11 tháng 5.-2014 rằng:  Hãy nhớ tới hình ảnh đẹp này của con bê con mà thánh Cesario thành Arles, một trong các Giáo Phụ thuộc các thế kỷ đầu của Giáo Hội đã diễn tả. Khi con bê đói, thì nó sà vào vú mẹ nó để bú. Nó cứ dí mõm vào vú mẹ nó để nút sữa, quấy rầy mẹ nó thế nào để mẹ nó cho nó bú sữa. Thánh nhân giải thích dân Chúa phải giúp chủ chăn như thế đó. Tôi xin anh chị em hãy quấy rầy các chủ chăn, quầy rầy tất cả chúng tôi là các chủ chăn, để chúng tôi có thể cho anh chị em sữa của ơn thánh, của giáo lý và sự hướng dẫn. Hãy quấy rầy!

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Noi gương Chúa Giêsu, mỗi chủ chăn “đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng . Những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 31) Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em.

Thứ đến, Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.

Đức Hồng Y Cláudio Hummes, Bộ trưởng Thánh Bộ Giáo sĩ  trong thư gửi các linh mục vào những ngày cuối của Năm Linh mục nói: “Anh em linh mục thân mếnCầu nguyện chiếm vị trí trung tâm trong đời sống linh mục. Điều này không khó hiểu vì cầu nguyện cổ vũ sự thân tình của người môn đệ với Thầy mình là Đức Giêsu Kitô. Nhưng trên hết, ở đây, tôi muốn nói đến sự cần thiết của cầu nguyện để, như Thánh Phêrô Kim Ngôn nói, chủ chăn có thể đánh bại ma quỷ và vì thế họ sẽ không sa sút. Thật vậy, không có lương thực đầy sức sống của lời cầu nguyện, Linh mục trở nên đau yếu, người môn đệ không thể tìm thấy sức mạnh để theo bước Thầy mình. Hậu quả là đàn chiên tản mác và chết đi. Hơn nữa theo gương của Môisen, cánh tay linh mục phải luôn giơ lên Trời trong tư thế cầu nguyện  để đoàn người không bị nguy hiểm.”          
 
Trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin, Đức Cha Mátthêô đã khẳng định: “Trong các cám dỗ, cám dỗ không cầu nguyện là căn bản và đáng sợ nhất”. Chẳng vậy mà ngay một giáo dân như Bà Madeleine Delbrêl (1904-1964), một người công giáo Pháp thế kỷ XX đã thốt lên rằng:Thiếu vắng một linh mục đích thực trong một đời người là một nỗi khốn cùng không diễn tả nổi! Nhưng những dấu hiệu mà chúng tôi chờ đợi về sự hiện diện của Chúa nơi linh mục là gì? Tiêu chuẩn đầu tiên là- Cầu nguyện: Có những linh mục, người ta không bao giờ thấy cầu nguyện” . Chẳng phải đùa mà Cha thánh Ars nhận xét: “Có một số người dường như nói với Chúa thế này: Con chỉ có đôi điều để nói với Chúa, vậy con nói cho mau chóng để còn đi làm việc khác.”

Trong SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI CẦU NGUYỆN CHO CÁC ƠN GỌI LẦN THỨ 47 hôm CN IV PS 25.04.2010  ĐGH Bênêđictô XVI nói: “ tôi muốn nhắc lại ba khía cạnh của đời sống linh mục, mà theo tôi là thiết yếu cho một chứng tá linh mục hữu hiệu. Đời sống cầu nguyện là chứng tá đầu tiên nơi các linh mục. Thánh Vianê đúng là con người của cầu nguyện. Trải qua những khoảng thời gian thật dài trước nhà Tạm, một sự thân tình chân thành với Thiên Chúa, một sự từ bỏ hoàn toàn để đón nhận thánh ý, một khuôn mặt biến đổi… Ngần ấy yếu tố thôi cũng đủ đánh động những ai gặp gỡ thánh nhân và đủ nhận ra nơi ngài một đời sống cầu nguyện rất nội tâm cũng như sự kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Nhà Tạm là niềm vui lớn của cha thánh và là điểm hẹn thân tình với Thiên Chúa”. Không vui sướng hạnh phúc sao được vì như Cha thánh Ars chia sẻ: “Khi Thiên Chúa thấy chúng ta tới, ngài nghiêng trái tim ngài xuống thật thấp ngang tầm với thụ tạo nhỏ bé của mình, như một người cha nghiêng mình để lắng nghe đứa con nhỏ bé của mình vậy!” Như thế, có thể nói là linh mục tha hồ nói đủ thứ chuyện với Chúa. ĐHY Manning, TGM Westminster, nói:” Linh mục hằng ngày đến báo cáo với Thầy Chí Thánh về những nỗi lo âu, những ưu tư mục vụ và những khó khăn riêng”.  Còn Giáo huấn của cha Chevrier lại xác quyết: « Thiên Chúa đã đặt Linh mục ở trần gian là để ngài làm nhiệm vụ cầu nguyện . Cầu Chúa cho dân đó là nhiệm vụ cao cả của Linh Mục.  Khi người ta giao chiến thì Linh mục, chẳng khác nào Mai sen xưa ở trên núi, ngài cầu nguyện cho họ thắng trận ».

Trong Thánh Lễ Dầu ngày 28 tháng 3, 2014, ĐGH Phanxicô chia sẻ: “Dân chúng cám ơn chúng ta vì họ cảm thấy rằng chúng ta đã đưa vào lời cầu nguyện của mình những thực tại đời sống thường ngày của họ, những đau khổ và niềm vui, những lo âu và hy vọng. Và khi họ cảm thấy hương thơm của Đức Kitô, Đấng-Được-Xức-Dầu, đến với họ qua chúng ta, họ được khích lệ để ký thác cho chúng ta tất cả những gì họ ước muốn dâng lên Thiên Chúa: “Xin Cha cầu nguyện cho con, vì con có vấn đề này…”, “Xin chúc lành cho con”, “Xin cầu nguyện cho con”, đó là dấu hiệu cho thấy dầu xức đã đạt tới gấu chiếc áo choàng, bởi lẽ nó đã biến thành lời khẩn cầu của Dân Thiên Chúa.” Và còn nhiều lần nữa, cả sau khi xưng tội, biết bao hối nhân trong đời linh mục chúng ta lại chẳng xin cha cầu nguyện cho con...
Khi đến họ đạo Ars, một ngôi làng nhỏ với 230 dân cư, mà vị Giám mục báo trước là Cha Vianney sẽ gặp phải một hoàn cảnh tôn giáo bấp bênh: "Không có nhiều tình yêu Thiên Chúa trong giáo xứ này, cha sẽ mang nó vào đó". Bởi thế, ngài hoàn toàn ý thức rằng ngài phải đến đó để nhập thể sự hiện diện của Chúa Kitô, làm chứng cho sự yêu thương cứu độ của Người: "[Lạy Thiên Chúa của con], xin ban cho con sự hoán cải của giáo xứ này; con bằng lòng chịu đau khổ những gì mà Chúa muốn trong suốt đời con !" , chính bằng lời cầu nguyện này mà ngài đã bắt đầu sứ mệnh của mình. Cha Sở Thánh đã hiến mình cho sự hoán cải của giáo xứ của ngài bằng tất cả sức lực, dành chỗ nhất trong những ưu tư của mình cho việc đào tạo giáo dân được giao phó cho ngài. Trong suốt 41 năm mục vụ, ngài có dịp nghe những tội lỗi của con người, những vấn đề, những khó khăn của trần gian. Ðể xoa dịu, mỗi sáng bước lên bàn thờ dâng Thánh Lễ, ngài mang theo hết mọi ý nguyện, mọi hoài bão cũng như mọi yếu đuối, mọi lỗi lầm của toàn dân, để xin Thiên Chúa thanh luyện, cải hóa. Vậy mà ngài vẫn chưa lấy làm đủ! Vào một đêm khi toan tính đào tẩu khỏi Ars, Ngài cảm thấy lo âu: “Đây có phải là thánh ý Chúa mà tôi đang làm không? Sự trở lại của một linh hồn không đáng giá hơn tất cả các lời cầu nguyện mà tôi có thể dâng trong cô tịch sao?”

Bà Catherine Lassagne làm chứng rằng Ars bây giờ không còn là Ars trước đây, bà nói: “Chúng ta không bao giờ biết hết những ơn hoán cải mà Cha sở đã có được nhờ lời cầu nguyện của mình và nhất là nhờ việc dâng lễ…Đã có một cuộc cách mạng xảy ra trong các tâm hồn. Ân sủng mạnh đến độ ít ai có thể cưỡng lại được! Mọi người đều cố gắng hết sức để ra khỏi tội lỗi. Sự cả thẹn đã bị lật tẩy: người ta cảm thấy xấu hổ khi không làm điều tốt và không giữ đạo. Ai ai cũng tỏ ra nghiêm túc và đầy ưu tư. Có những người từ rất lâu không đi xưng tội, nay tuyên bố lớn tiếng: “Tôi muốn đi xưng tội”.

Cuối cùng, Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Hôm CN IV PS 25.04.2010  ĐGH Bênêđictô XVI nói khía cạnh thứ hai của một chứng tá linh mục hữu hiệu là:  Việc trao hiến hoàn toàn chính mình cho Thiên Chúa là một khía cạnh khác của việc thánh hiến linh mục và của đời sống thánh hiến. Thánh Gioan Tông đồ đã viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em.” (1Ga 3, 16). Cử chỉ của Chúa Giêsu mà, vào bữa Tiệc Ly, đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn rồi thắt lưng, và cúi xuống để lau chân cho các Tông đồ, diễn tả ý nghĩa phục vụ và sự trao hiến được biểu lộ trong toàn thể cuộc sống của Ngài, trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha ( Ga 13, 3-15). Bước theo Chúa Giêsu, toàn thể con người mà được kêu gọi sống một đời thánh hiến riêng biệt phải nỗ lực làm chứng cho sự trao hiến hoàn toàn chính mình này cho Thiên Chúa. Chính từ đó mà tiếp đến nảy sinh khả năng tự hiến cho những người mà Thiên Chúa Quan Phòng giao phó cho người ấy trong thừa tác vụ mục tử, bằng sự tận tâm trọn vẹn, thường hằng và trung tín, trong niềm vui trở nên bạn đồng hành với biết bao anh chị em, để họ mở mình ra cho sự gặp gỡ với Chúa Kitô và để Lời của Ngài trở nên ánh sáng trên đường đời của họ

Cha Phêrô Huỳnh Kim Lăng, trong dịp kỷ niệm 40 năm linh mục, chia sẻ rằng: “Tôi cảm tạ Chúa đã không chấp tội lỗi tôi. Tôi cảm tạ Chúa vẫn mãi thương tôi. Trong thống hối, tôi thường ước ao được chết sớm còn hơn sống lâu. Bởi vì tôi rất sợ đời linh mục chỉ còn là cây vả không trái hoặc đã trở thành mảnh đất cứng khô!”. Nỗi sợ của Cha Phêrô cũng chẳng khác mấy so với nỗi sợ của Cha Vianney. Dù khao khát và sung sướng làm linh mục của Chúa nhưng Thánh nhân lại rất sợ làm cha sở! Ngài nói: “Thật là một việc khủng khiếp khi bước từ một giáo xứ đến tòa phán xét của Thiên Chúa! Nói cho cùng, tôi không sợ khó nhọc. Tôi sẽ là người hạnh phúc nhất nếu không có ý nghĩ này là rồi đây tôi sẽ phải ra trước tòa Chúa với cuộc đời làm cha sở tội nghiệp của tôi!”. Thật ra, Thánh Gioan Maria Vianney bị mê hoặc thực sự bởi ơn cứu rỗi nhân loại. Điều đó có thể tóm tắt chuỗi thời gian suốt 41 năm hiện diện của ngài tại Ars. Bị ám ảnh về phần rỗi của mình cũng như của giáo dân, đặc biệt là của những ai đến với ngài hay là ngài có trách nhiệm. Ngài nói: Là một cha xứ, Thiên Chúa sẽ đòi « cả vốn lẫn lời », Cũng vì thế mà cha thánh đã làm việc không ngừng đến nỗi Ngài cảm nhận rõ ràng: “ Nếu một linh mục chết do quá lao công lao lực cho vinh quang của Chúa và ơn cứu rỗi của các linh hồn, thì là không tồi đâu!”.

Thánh GH Gioan Phaolo II nói: “Toàn sứ mệnh chức thừa tác linh mục phát xuất từ Hiến tế Thánh Thể. Chính khi lặp lại lời truyền phép :”Này là Mình thầy….Này là Máu Thầy…” linh mục đạt điểm cao nhất trong chức vụ của mình. CĐ Vatican II nhấn mạnh rằng Chức linh  mục đòi buộc linh mục phải bắt chước Chúa Kitô tử nạn. Các linh mục phải hiến dâng mình với Chúa Kitô, bằng cách chấp nhận mọi hy sinh của đời linh mục, luôn sống với Chúa Kitô và như Chúa Kitô, Linh Mục-Bánh Thánh. Vì vậy mà chúng ta hiểu lý do tại sao CĐ Vatican II lại khuyến khích các linh mục cử hành Thánh Lễ cả khi không có giáo dân tham dự” . Còn Mẹ Têrêxa khi nói chuyện với các linh mục về Thánh Thể đã chia sẻ: “Cũng như  từng giọt dầu không ngừng đốt cháy ngọn đèn bên cạnh Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc sống của anh em cũng phải là một tiếp nối của Thánh Thể mà chúng ta cử hành tức là phải được bẻ ra, đổ ra cho nhiều người”. Điều này cũng được cảm tác trong bài thơ LINH MỤC, MỘT HUYỀN NHIỆM ngày 11/8/2009 của Linh mục thi sĩ Xuân Ly Băng:

…Ôi linh mục
Từ xa xưa
Cho đến mãi về sau
Ngài là quà tặng nhiệm mầu
Của Trái Tim Chúa
Chúa dùng ngài như chiếc bánh thơm ngon
Được bẻ ra từng miếng nhỏ
Để mọi người có thể đến ăn
Nhất là những ai nghèo đói
Về tinh thần và thể xác…


Đức Cha Mátthêô trong cuốn Kinh Lạy Cha của Linh mục trong Năm Đức Tin cũng đã nói: “ Linh mục cũng phải trở nên con người của Thánh Thể, phải sống theo khuôn mẫu của Thánh Thể, sẵn sàng để cho mình bị ăn. Khi đọc:”Này là Mình thầy….Này là Máu Thầy…” linh mục không lặp lại một cách máy móc lời của Chúa trong bữa tiệc ly, nhưng phải hiểu đây là một hành động chịu đóng đinh, chịu đâm thủng của linh mục, một sự tự hiến chính mình”. Vâng, “ Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm: Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,5). “ Vì Người phải mang những vết thương mà anh em được chữa lành” (1Pr 2,28).

Tiến sĩ Goldfrey thuật lại câu chuyện sau đây:
“Trong một làng nọ có một bà cụ là người tin Chúa sắp chết. Trải qua 80 năm, bà đã thành tâm bước theo con đường của Chúa, đến độ vinh quang của Thiên đàng tỏa sáng trên gương mặt bà. Một ngày nọ, có một người kia đến thăm bà, ông nghĩ rằng nếu ông không mở cửa thiên đàng, thì bà tín đồ này không sao vào đó được.
Ông nói:
-Thưa bà, tôi đến đây để ban phép giải tội cho bà.
Bà trả lời:
-Thế có nghĩa là gì?
Ông kia đáp:
-Tôi đến để tha tội cho bà.
-Xin cho tôi xem bàn tay của ông. Xem một hồi, bà cụ nói:
-Ông là một người giả mạo
Ông kia ngạc nhiên hỏi:
-Sao bà gọi tôi là giả mạo
Bà cụ đáp:
-Vì người tha tội cho tôi phải có dấu đinh trong tay đó!

Thật ra, ai không ngại khó sợ khổ huống hồ một linh mục khi gặp những hoàn cảnh khó khăn cùng cực. Thánh Gioan Maria Vianney đã phải thốt lên rằng: “Nếu tôi biết khi tới Ars tôi sẽ phải đau khổ như thế nào, tôi sẽ chết đứng tại chỗ!”. Ấy vậy mà thánh nhân đã giải thích cho một người anh em linh mục: "Tôi xin nói với cha phương pháp của tôi. Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ và tôi đền tội thay cho họ phần còn lại". Bên kia những việc đền tội cụ thể mà Cha Sở họ đạo Ars tiến hành, thì cốt lõi trọng tâm của giáo huấn của ngài vẫn luôn có giá trị cho mọi người: Chúa Giêsu đổ máu mình cho các linh hồn và linh mục không thể hiến dâng cho ơn cứu độ của họ nếu ngài từ chối tham dự cách cá nhân vào cái "giá cao" của ơn cứu độ.

Thánh GH Gioan XXIII  ngày nhận chức tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Máccô ghi trong nhật ký: tôi đã có một dốc quyết: ”Tôi chỉ có một ý tưởng, một ý chí, là sống và chết cho các linh hồn đã được trao phó. Người mục tử tốt lành phải chết vì đàn chiên... Hôm nay, tôi tự hỏi: Cả cuộc đời hèn mọn 50 năm linh mục của tôi là gì? Phải chăng là một tiếng vọng rất bé của câu ‘Lòng thương xót Chúa thay cho tài đức của tôi’... Tôi xác tín hơn nữa rằng: Chủ chăn phải rất bác ái và nhân hậu. Bằng không sẽ thành con chó sói, là kẻ chăn thuê tác hại đàn chiên. Ôi Chúa Giêsu, xin cho con thấm nhuần trọn vẹn tinh thần mục tử của Chúa...”

Trong bài giảng thánh lễ sáng 11-1-2014, ĐGH Phanxicô lại chia sẻ: ”Thật là đẹp khi thấy những linh mục hiến mạng sống mình như linh mục, và dân chúng nói về các linh mục ấy: “Cha này, cha kia khó tính, nhưng đó là một linh mục! Dân chúng 'đánh hơi' giỏi lắm! Trái lại, khi dân thấy các linh mục thờ thần tượng, những linh mục thay vì có Chúa Giêsu, thì lại có những thần tượng nhỏ, tôn thờ cái thần tôi của mình, thấy các linh mục như thế, dân chúng chíp miệng: ”thật là một kẻ tội nghiệp!”.

Để kết, xin mượn tâm tình của Thánh GH Gioan Phaolo II trong dịp mừng Kim Khánh linh mục 01/11/1996 rằng: “…Tôi đã hiểu mỗi ngày một nhiều hơn rằng: linh mục không sống cho mình mà cho Giáo Hội và cho việc thánh hóa dân Chúa…”. Vâng, có thể nói điều đó được tóm gọn trong “Đức ái mục tử” vừa được diễn tả qua ba cụm từ: Với anh em, Cho anh em và Vì anh em.

Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình.

Khi đọc kinh thần vụ với câu xướng-đáp trên thì đó không chỉ là lời kinh nguyện trên môi miệng linh mục mà còn là lời tuyên xưng đức tin bằng cả con người linh mục vì Luật cầu nguyện là luật đức tin.

Trong nghi thức phong chức linh mục, Đức Giám Mục nói: “ Con hãy tin điều con đọc. Hãy dạy điều con tin và hãy làm điều con dạy.”. Nếu nối ba mệnh đề trên lại thì sẽ là: “ Con hãy làm điều con đọc”. Như vậy, câu xướng đáp trên không chỉ là lời kinh nguyện, lời tuyên xưng đức tin mà còn là lời cam kết thi hành của linh mục nữa. Vả lại, Linh đạo linh mục có thể được tóm gọn trong câu: “Con hãy bắt chước điều con cử hành” nữa mà.

Xin Chúa Giêsu Linh Mục, Mục Tử Nhân Lành, qua lời bầu cử của Mẹ Maria, Mẹ các Linh mục; Thánh Giuse; Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các linh mục; Thánh Stêphanô Thể; Thánh Anrê Kim Thông và Á Thánh Anrê Phú Yên chúc lành cho những nỗ lực nhỏ bé của chúng ta trong Năm Gia Tăng Đức Ái này để các Ngài sẽ nói với mỗi anh em linh mục chúng ta rằng:

 Đây là người đã sống hết tình Với anh em,
Và cầu nguyện nhiều Cho dân chúng.
Đã hy sinh tính mạng Vì anh em mình. 
                                                   

Tác giả bài viết: Lm. PM. Hà Đức Ngọc 
Nguồn tin: Gpquinhon.org 

TÔN GIÁO VÀ KHOA HỌC

KHOA HỌC VÀ TÔN GIÁO 

“Khoa học mà thiếu tôn giáo thì khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng.” - Albert Einstein


Loài người chúng ta đã trải qua nhiều nền văn minh, cùng với đó khoa học đã và đang phát triển. Đặc biệt trong thế kỷ 21, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần rất lớn trong việc cải thiện cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trí năng của nhân loại có xu hướng phân mảnh, tách rời, ít khi chúng ta xâu chuỗi để nhìn được một bức tranh toàn thể, nên đôi khi chúng ta bỏ qua nhiều điều mà vũ trụ tỏ bày. Khi xem xét một vấn đề cụ thể, chúng ta luôn chia nhỏ để xem xét, phân tích, dựa vào các kinh nghiệm có sẵn để đưa ra nhận xét. Tuy nhiên đôi lúc phải bỏ qua cái nhìn hẹp hòi, đầy thành kiến để thấy được cái nhìn toàn thể hơn, sống động hơn.

Chúng ta hãy thử quay về với 4 bộ môn khoa học tự nhiên cơ bản đó là toán học, vật lý, hóa học và sinh học để thử tìm xem cái trật tự, bức tranh toàn thể đằng sau mà Đấng Tạo Hóa đã tỏ bày cho chúng ta.
Về toán học: Nếu ta bỏ vào túi 10 thẻ nhỏ, mỗi thẻ có ghi từ số 1 đến số 10, và tuần tự rút ra từng cái một. Sau khi rút xong ta lại bỏ thẻ vào túi, trộn đều và rút ra lần nữa. Làm sao ta có thể rút ra tuần tự từ số 1 đến số 10? Theo toán học, ta phải rút mười lần, mới có một lần rút được thẻ mang số 1. Phải rút 100 lần mới có một lần rút được số 1 và 2. Phải rút 1000 lần mới được số 1, 2, 3 liên tiếp. Nếu muốn rút theo thứ tự từ 1 đến 10, thì trường hợp đặc biệt này chỉ có thể xảy ra một lần trong mười tỷ lần, có đúng không? Nếu áp dụng toán học vào các điều kiện tạo ra đời sống ở quả đất này, thì ta thấy nguyên lý ngẫu nhiên không sao hội đủ các điều kiện cần thiết.
Vậy thì ai đã tạo ra nó? Trái đất quay quang trục của nó với vận tốc 1600 cây số một giờ ở giữa đường xích đạo. Nếu nó quay chậm 10 lần thì ngày sẽ dài gấp 10 và dĩ nhiên sức nóng của mặt trời cũng gia tăng gấp 10 lần. Thế thì cây cối, sinh vật đều bị thiêu sống hết còn gì. Nếu cái gì chống lại được sức nóng thì cũng chết lạnh vì đêm cũng dài ra gấp 10 và độ lạnh cũng tăng lên gấp 10 lần kia mà. Ai đã làm ra trái đất quay trong một điều kiện tốt đẹp như thế? Mặt trời là nguồn sống của quả đất phải không? Mặt trời nóng khoảng 5500 độ C. Quả địa cầu ở đúng một vị trí tố đẹp không xa quá mà cũng không gần quá. Vừa vặn đủ để đón nhận sức nóng của mặt trời.
Nếu sức nóng mặt trời gia tăng một chút, ta sẽ chết thiêu, và ngược lại nếu sức nóng mặt trời giảm đi một chút, ta sẽ chết rét. Tại sao trái đất nằm ỏ điều kiện thuận lợi như vây? Trục trái đất nghiêng theo một tọa độ là 23 độ. Nếu trái đất đứng thẳng, không nghiêng theo bên nào thì sẽ không có thời tiết bốn mùa. Nước sẽ bốc hơi hêt về hai cực và đông thành băng giá cả. Mặt trăng là một vệ tinh của trái đất, điều khiển thủy triều biển cả. Nếu nó không cách xa trái đất 380000 cây số mà xích lại gần hơn 80000 cây số thì một cuộc hồng thủy sẽ xảy ra. Nước sẽ bị sức hút dâng lên ngập tất cả các lục địa mỗi ngày hai lần. Tóm lại, tất cả sự sống trên mặt địa cầu sẽ biến mất, nếu các điều kiện hiện tại này sai lệch đi một ly. Nếu nói rằng đời sống chỉ một là sự ngầu nhiên thì trong tỷ tỷ lần may ra mới có một điều kiện tốt đẹp hoàn toàn để có được sự sống như thế.
Về vật lý: Có 4 lực căn bản tác động lên vật chất: Lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân mạnh và lực hạt nhân yếu. Bốn lực trên hoạt động một cách cân bằng tuyệt đối cho phép vũ trụ tồn tại và giãn nở với một tốc độ bền vững. Nếu lực hấp dẫn mạnh hơn một chút, mọi vật chất có thể bị rút vào trong lòng chính nó. Nếu lực hấp dẫn yếu hơn một chút, nguyên tử đã không thể hình thành. Nếu nhiệt độ của vũ trụ hạ xuống chậm hơn, proton và neutron có thể đã không dừng lại ở dạng helium và lithium mà tiếp tục cô đặc cho đến khi thành sắt, quá nặng để hình thành thiên hà và các ngôi sao. Sự cân bằng tuyệt đẹp của bốn lực trên có vẻ như là cách duy nhất làm cho vũ trụ giữ được hình dạng của nó. Các bạn có nghĩ là có một quyền năng chi phối không?
Về hóa học: Nếu sự hình thành của sự sống được hình thành trên một tế bào khởi nguyên, thì trước hết phải có ánh sáng mặt trời. Nhưng nếu trái đất không có tầng ozon bảo vệ thì tia cực tím sẽ phá hủy tế bào khởi nguyên này. Nhưng để có khí ozon thì phải có oxy, nhưng nếu có oxy thì nó sẽ oxy hóa các amino axit trong tế bào khởi nguyên, và nó sẽ không thể tồn tại.
Một sự mâu thuẫn về lý luận hóa học. Thế chúng ta nghĩ rằng ai đã can thiệp để có được sự sống trên trái đất?
Về sinh học: Theo quan điểm tiến hóa, thì đa số các nhà khoa học nhận xét rằng nếu một loài tiến hóa lên một giống mới thì giống cũ sẽ biến mất. Chẳng hạn loài chim tiến hóa từ khủng long, và khủng long thì đã tuyệt chủng. Vậy nếu con người tiến hóa từ loài khỉ thì loài khỉ phải biến mất, thế sao loài khỉ giờ này vẫn tồn tại?
Thiên nhiên luôn tỏ bày một trật tự siêu việt. Loài nào có đời sống ngắn ngủi sẽ được bù lại bằng khả năng sinh sản nhanh chóng. Vi khuẩn và các loài côn trùng sinh sản với một tốc độ khủng khiếp, nếu chúng không chết vì điều kiện môi trường không cho phép thì chắc khoảng vài phút chúng đã lấp kín cả địa cầu!
Nhờ khám phá ra Hiệu ứng Compton, liên quan đến tia X, tiến sĩ Arthur Holly Compton đã được trao giải thưởng Nobel vật lý. Năm 1927. Tiến sĩ Compton đã viết:
“Với tôi, đức tin bắt đầu bởi sự nhận biết rằng một sự khôn ngoan siêu việt đã dựng nên vũ trụ và tạo nên con người. Không khó để tôi có niềm tin này, bởi một vũ trụ thông minh, trật tự đã xác nhận cho phát ngôn vĩ đại nhất: ‘Ban đầu, Đức Chúa Trời dựng nên trời đất…’”
Không lâu sau khi đoạt giải Nobel vật lý năm 1988, tiến sĩ Leon Lederman đã phát biểu với tờ Chicago Tribune, rằng:
“… Sẽ luôn có chỗ cho Chúa Trời. Nếu chúng ta khám phá được mọi quy luật của vật lý, câu hỏi vẫn còn, đó là: ‘Ai đã thiết lập các quy luật này?’”
Erwin Schrodinger, một nhà vật lý học người Áo tiên phong trong vật lý lượng tử được trao giải Nobel vật lý năm 1933 đã nói:
“Tôi hết sức ngạc nhiên rằng bức tranh khoa học của thế giới thực xung quanh tôi thật thiếu hụt. Nó cho rất nhiều thông tin xác thực và sắp xếp những kinh nghiệm của chúng ta theo một trật tự thích hợp, đẹp đẽ, nhưng nó lại yên lặng đáng sợ về tất cả những điều thật sự quan trọng đối với chúng ta. Nó không thể phân biệt đắng và ngọt, đau buồn và vui sướng. Nó không biết gì về đẹp hay xấu, tốt hay không tốt, Đức Chúa Trời và cõi đời đời. Đôi khi khoa học giả vờ trả lời những câu hỏi thuộc về những lĩnh vực nầy, nhưng những câu trả lời thường ngây ngô đến mức chúng ta không có chiều hướng xem trọng chúng.”
Với trí năng của chúng ta hoàn toàn giúp chúng ta có thể thấy về trật tự vũ trụ và quyền năng chi phối các quy luật. Để kết thúc bài viết, tôi xin trích một đoạn sách Rô – ma trong kinh thánh:
“Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Ðấng Tạo Hóa. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Ðàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Ðàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình.
Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá họa. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là: hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.”

Khải Huyền



Tác giả bài viết: Khải Huyền 
Nguồn tin: www.triethocduongpho.com