TƯ TƯỞNG XÃ HỘI CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE

TƯ TUỞNG XÃ HỘI CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ
TRONG THÔNG ĐIỆP CARITAS IN VERITATE
Đức Cha Michel Schooyans
Giáo sư Université Catholique de Louvain
Thành viên sáng lập Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng các khoa học xã hội
Cố vấn Hội Đồng Giáo Hoàng về các gia đình
Thông điệp Caritas in veritate là một trong bộ ba thông điệp mà Đức Bênêđictô XVI đã liên tục hiến tặng cho chúng ta: Deus caritas est năm 2005, Spe salvi năm 2007. Trong ba đại văn bản này, Đức Bênêđictô đã lấy lại mà không bao giờ lập lại một chủ đề chính có nơi các văn kiện trước đó. Ta có thể đúc kết ngắn gọn điều trọng tâm này như sau: Con người chỉ có thể thực hiện trọn vẹn chính mình khi mở lòng ra với Thiên Chúa. Điều này đúng đối với hoạt động cá nhân cũng như các hình thức hoạt động xã hội. Không có Thiên Chúa, con người rơi vào chủ nghĩa tương đối (relativisme) và mất đi cọc tiêu hướng dẫn cần thiết cho hoạt động của mình. Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa là nguyên tắc cho những mối tiểu tương giao cũng như những quan hệ rộng lớn hơn. Tình yêu phải bén rễ sâu trong chân lý để rực sáng lên: chân lý mà ngọn lửa nhỏ của nó luôn cháy sáng trong lòng mỗi người, chân lý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người khi mạc khải chính mình cho họ, khi nói với họ, khi đến để sẻ chia hiện hữu với họ. Trong một nền văn hoá không có chân lý, tình yêu chạm mặt với nguy hiểm chết người: nó có nguy cơ biến thành một vỏ ốc trống rỗng sẵn sàng bị lấp đầy bởi bất cứ thứ gì cũng được. Tình yêu không chân lý dẫn đưa đến khuynh hướng duy cảm (sentimentalisme); chân lý không tình yêu đưa dẫn đến một nền kỹ thuật không có tâm hồn. Đó là điều chính yếu!
Thông điệp là gì?
Thông điệp là một thư luân lưu mà Đức Giáo Hoàng gởi cho toàn thể tín hữu và những người thiện chí. Trong thư của mình, các vị giáo hoàng đương đại đã đề cập đến những vấn đề thời sự, chẳng hạn như giáo dục, hôn nhân, phụng vụ, những ý thức hệ hiện đại, etc. Từ thời Đức Lêô XIII (1810-1903), có khoảng hai mươi thông điệp đã đề cập đến những vấn đề xã hội. Cũng  nên đặc biệt lưu ý đến Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, với đề tựa Giáo hội trong thế giới hôm nay, được Công Đồng Vatican II ban hành năm 1965.
Khi chuẩn bị viết một thông điệp, các giáo hoàng luôn mời các nhà cố vấn theo sự lựa chọn của mình. Có hai cơ quan đặc biệt được mời làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng khi ngài soạn thảo các thông điệp xã hội (tương ứng với các uỷ ban thường trực). Trước hết phải kể đến Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hoà Bình mà cơ cấu đã được chỉnh đốn vào năm 1988, sau đó là Hàn Lâm Viện Giáo Hoàng về các khoa học xã hội, được thành lập vào năm 1994, đứng đầu là bà Mary Ann Glendon, giáo sư Phân khoa Luật của Đại Học Havard. Ngài cũng thường mời các nhà chuyên môn và việc soạn thảo thường kéo dài trong nhiều năm.
Tính liên tục
Như tất cả các thông điệp về xã hội, Caritas in veritate là một tài liệu nằm trong bối cảnh lịch sử của thời đại mình. Đức Bênêđictô XVI muốn nói lên những gì mà Giáo Hội chưa thực hiện được, còn mắc nợ bức thông điệp thời danh Populorum progressio của Đức Phaolô VI viết vào năm 1967. Qua đó, Đức Bênêđictô nói lên tính liên tục của giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Phải thường xuyên nhắc lại giáo huấn này bởi vì trong vài năm qua, xã hội loài người đã tiến hoá, toàn cảnh quốc tế đã thay đổi, các phương tiện phân tích trở nên hiệu năng hơn và suy tư thần học cũng tiến triển.
Cách nào đi nữa, tính liên tục này không phải là sự lập lại. Đức Bênêđictô đã tái kích hoạt ý hướng sâu xa của các vị tiền nhiệm. Chẳng hạn, ngài không lập lại những gì mà các vị tiền nhiệm có thể đã viết về lương bổng lao động, nhưng tra vấn về cách mà vấn đề này đặt ra cho ngày hôm nay.
Nhận định mới
Những vấn đề mà các vị giáo hoàng trước kia đề cập đến, ngày nay đòi hỏi một cách nhận định mới. Vài ví dụ đủ để cho thấy những tiếp cận mà Caritas in veritate đã triển khai chung quanh những vấn đề trong các thông điệp trước kia.
1.    Từ năm 1968, ý thức con người cũng tạm tiến triển để tạo thành một đại cộng đoàn. Sự tuỳ thuộc giữa con người với nhau và giữa các xã hội trở nên chặt chẽ, hiểu biết nhau hơn; nhất là sát cánh bên nhau hơn bao giờ hết. Những cuộc chiến tranh, thảm hoạ thiên nhiên, khủng hoảng tài chính mới đây – chỉ đan cử ra vài ví dụ - cũng đã đưa đến việc phân tích nói lên sự toàn cầu hoá.
2.    Kế đó, Đức Giáo Hoàng giải thích rằng tương quan giữa các Nhà Nước đang biến đổi. Vai trò của các quốc gia đang biến chuyển hướng ngoại (ad extra), nghĩa là trên sân khấu quốc tế, và hướng nội (ad intra) trong mối liên hệ giữa Nhà Nước và xã hội dân sự.
3.    Thông điệp cũng nhận thấy sự tiến hoá của các trung tâm quyết định kinh tế trong đời sống quốc tế và trong đời sống các quốc gia. Vai trò mới này không phải là không ảnh hưởng trên đời sống chính trị.
4.    Từ thời bức thông điệp lừng danh của Đức Phaolô VI, tự do tôn giáo thường bị đàn áp, đôi khi bị nhạo báng. Đức Bênêđictô XVI tái khẳng định rằng con người tự triển nở qua hành vi đức tin, vì rằng mối tương quan liên nhân vị sâu thẳm nhất mà chúng ta có thể tự do kết nối đó là mối tương quan kết nối chúng ta với Chúa. Nơi nào mà sự tự do này bị chèn ép, nơi đó nhân tính có nguy cơ bị suy giảm.
5.    Đức Giáo Hoàng còn đưa ra một cách tiếp cận mới cho quyền được sống (droit de vie), chủ đề thường được Đức Gioan Phaolô II bàn luận. Với những vấn đề được gộp chung lại dưới nhãn hiệu đạo đức sinh học (bioéthique), quyền được sống được bàn thảo như một vấn đề thuộc luân lý xã hội. Nơi nào quyền được sống có vấn đề thì nơi đó cơ cấu gia đình bị lung lay. Và khi gia đình có vấn đề thì xã hội mất đi nền tảng tự nhiên của nó. Do đó, cần phải suy nghĩ sâu hơn về những giới hạn của quyền can thiệp của Nhà Nước, của những tổ chức quốc tế, của các tổ chức phi chính phủ (ONG) trong những vấn đề này. Cần phải hành động khác đi để sự sống được bảo vệ tốt hơn, để bảo vệ quan niệm chết tự nhiên.
Những vấn đề trước kia chưa có
Thông điệp Caritas in veritate cũng đưa ra những vấn đề mới và dành cho chúng một sự quan tâm đặc biệt.
1.    Đức Bênêđictô nhận ra sự suy thoái của những ý thức hệ đã từng thống trị suốt thế kỷ XX. Tuy nhiên sự suy thoái này lại nhường chỗ cho một hình thức ý thức hệ mới cất cánh lên mà nguồn gốc của nó bắt nguồn từ chủ nghĩa khoa học thực chứng (scientisme positiviste). Theo chủ nghĩa này, khoa học sẽ trả lời tất cả những vấn đề liên quan đến con người và vận mệnh của mình, cũng vậy, nhiều người ngày nay cho rằng những tiến bộ kỹ thuật nói chung và những kỹ thuật đặc thù cho phép con người giải quyết những vấn đề đặt ra cho mình. Trước hết họ nghĩ đến việc làm chủ sự sống, thuyết ưu sinh, quản lý cái chết, etc.
2.    Ta cũng nghĩ đến những tương quan mới giữa con người với thiên nhiên, nghĩa là môi trường sống. Ta biết rằng trong những cuộc biểu tình đầu tiên, phong trào sinh thái kêu gọi trách nhiệm của mọi người tránh việc phung phí nguyên liệu, thải khí độc hại, diệt chủng các loài vật, etc. Hiện nay, phong trào sinh thái biến chuyển thành hai khuynh hướng. Một đàng, ta thấy có khuynh hướng thừa nhận các nhà nguyên cứu sinh y học (biomédecine) được quyền can thiệp trên con người mà không quan tâm đến các hệ quả ngắn hạn hay dài hạn của những can thiệp này. Đàng khác, khuynh hướng xem con người phải quy phục Mẹ Trái Đất (Terre-Mère), Gaïa[1], xem con người chỉ như một sản phẩm giữa những sản phẩm khác của tiến hoá tự nhiên.
3.    Trong những vấn đề mới mẻ cũng có vấn đề tôn trọng bản sắc văn hoá (identité culturelle) của xã hội loài người. Nơi nhiều quốc gia, bản sắc này thường xuyên bị đe doạ bởi những hậu quả suy đồi nào đó của việc toàn cầu hoá, trong chiều kích chính trị và kinh tế của việc toàn cầu hoá. Sự san bằng văn hoá còn bị thúc đẩy qua việc lạm dụng các kỹ thuật truyền thông.
4.    Thông điệp còn đề cập đến một vấn đề mà ít có nhà luân lý hay đạo đức sinh học nào chú trọng cho đến hiện nay: vấn đề già nua dân số. Một vấn đề ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia Châu Âu, nhưng cũng bắt đầu ảnh hưởng đến các quốc gia khác trên thế giới. Một phần ba các quốc gia, sự sinh sản đã xuống thấp đến mức dân số không đổi mới được nữa.
5.    Trong các doanh nghiệp, thông điệp nhấn mạnh đến việc tìm kiếm ích lợi xã hội phải đi kèm với việc tìm kiếm lợi nhuận. Trao đổi và lợi nhuận, cho dù hợp pháp, cũng không đủ để đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của luân lý xã hội. Do đó Đức Giáo Hoàng dài dòng nhấn mạnh đến logique quà tặng (logique du don) trong tương quan xã hội.
6.    Đức Giáo Hoàng cũng lưu tâm đến các xí nghiệp nhỏ hưởng lợi nhờ các khoản tiểu tín dụng. Qua đó ngài khuyến khích nhiều dự án được thực hiện tại các quốc gia đang phát triển, được nhiều nhà kinh tế học có tiếng tăm khuyến khích.
7.    Ngoài những vấn đề trên đây, nhiều vấn đề khác cũng được đề cập đến trong thông điệp. Sự nghèo khổ, thiếu hiểu biết, tham nhũng, bất công, sự xem thường hay lỏng lẻo của luật lệ: không phải tất cả đều không tránh thoát được nếu con người nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm luân lý của mình.
Chọn lựa ngôi sao
Để con người có thể đối diện với nhiều vấn đề xã hội của ngày hôm nay, Đức Bênêđictô đưa ra một sứ điệp đầy hy vọng. Sứ điệp này có thể được trình bày chi tiết ở một vài điểm cơ bản, những điều khác đã được đề cập đến trong các văn bản khác của ngài. Điều mới mẻ đó là trong Caritas in veritate Đức Bênêđictô XVI quy về những điểm này để phát động giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Đức Giáo Hoàng kích động tính giao du xã hội tự nhiên (sociabilité naturelle) của con người. Con người tự nhiên có khuynh hướng nhân ái đối với đồng loại. Xã hội loài người không có tương lai nếu nguyên tắc huynh đệ bị lờ đi hoặc hiểu sai.
Đức Bênêđictô đã gán cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội một quy chế và một chiều kích mà cho đến hiện nay chưa được vén mở. Trước khi kết thúc, tôi muốn giải thích vắn gọn điểm chính yếu này mà thông điệp đã không ít lần nhắc đến.
Ta hãy lấy lại suy tư ở đầu bài. Nói theo Đức Bênêđictô, con người thực hiện trọn vẹn chính mình khi mở lòng ra với Thiên Chúa. Nhưng phải sống sự cởi mở này như thế nào?
Như Avital Wohlman[2], giáo sư Đại Học Do Thái Jérusalem, đã nói rằng đối với người Do Thái, con người được cứu thoát nhờ cố gắng tuân giữ Lề Luật. Đối với Đức Giêsu, cũng như lời dạy của Thánh Phaolô trong thư Rôma và Galát, chính Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên người công chính, nghĩa là thánh nhân. Thiên Chúa công chính hoá chúng ta, thánh hoá chúng ta khi tiếp cận chúng ta bằng ân sủng, và Thiên Chúa chờ đợi chúng ta tự do đáp ứng với sự viếng thăm của ngài trong lịch sử chúng ta. Đó cũng chính là những gì mà Thánh Gioan đã viết trong Lời Tựa Tin Mừng của ngài.
Dầu là ai, Do Thái hay dân ngoại, con người chỉ được công chính hoá do Thiên Chúa. Ngay cả người Do Thái cũng cần Thiên Chúa để thực sự trở nên công chính, để mở ra với sự công chính hoàn toàn, mở ra với sự thánh thiện. Về phần dân ngoại – và tất cả chúng ta đều là dân ngoại một cách nào đó – tình trạng của họ chỉ khác với người Do Thái về một điểm cơ bản: Thiên Chúa mạc khải cho họ sau khi tỏ lộ cho người Do Thái. Tuy nhiên, ngài hiện diện trong lương tâm họ và một vài người đã nhận ra dấu vết của ngài trong thiên nhiên và nơi tha nhân. Thế nhưng, dầu cho đáng khen ngợi, sự kiếm tìm của con người được phó mặc cho sức lực của riêng mình, vì thế nhiều người thất bại. Trong khi Lề Luật được Thiên Chúa ban cho người Do Thái, vậy mà khi đến với họ thì lề luật này chứa đựng lòng sùng kính ngẫu tượng và tính bất luân[3], thì đối với dân ngoại mà Lề Luật và Lời Chúa chỉ mới được trao ban sau này, họ bị phó mặc cho việc tôn sùng các yếu tố thiên nhiên và lòng đam mê xác thịt mà lý trí của họ không thể cản ngăn được. Dân ngoại đã có thể biết điều gì đó về Thiên Chúa nhưng điều này không đủ để ngăn cản họ phạm tội.
Khi con người từ chối ánh sáng soi chiếu trong tâm hồn họ, có thể nói được rằng ánh sáng này tạo dịp cho Thiên Chúa có thể mạc khải chính mình, thì khi đó họ đã quyết định xa cách Thiên Chúa, họ bị phó mặc cho mọi lỗi lầm đối với chính mình, với tha nhân, với xã hội và với thiên nhiên như Thánh Phaolô đã giải thích (Rm 1).
Trong những thông điệp trước, các vị Giáo Hoàng đã đề cập đến giáo lý này khi đưa ra những tác hại của việc không nhận biết Chúa, đây là giáo lý rất cơ bản nơi Thánh Phaolô. Caritas in veritate còn đi xa hơn khi cho thấy những tác hại của việc không nhận biết Chúa trong đời sống các xã hội. Thời nào cũng vậy, cũng luôn có những người không cần đến Thiên Chúa. Ngày nay cũng có những xã hội không cần đến Thiên Chúa và khi đó nó phó mình cho đủ mọi thứ cư xử đáng hổ thẹn nhân danh sự phủ nhận Thiên Chúa có phương pháp của nó. Những dân ngoại hôm qua và ngày nay bị phơi bày cho cơn giận của Thiên Chúa[4] vì sự vô đạo và trơ trẽn của họ, như Thánh Phaolô đã nói, Chân lý bị bắt giữ làm tù nhân cho sự bất công và khả năng yêu thương bị chế ngự.
Trong Caritas in veritate, cũng như trong Hội Nghị Ratisbonne[5] và các tài liệu khác, Đức Bênêđictô muốn cứu thoát lý trí con người và hoà giải lý trí với Lời Mặc Khải. Với Công Đồng Vatican I (1869-1870), Đức Giáo Hoàng nhìn nhận rằng Thiên Chúa có thể được nhận biết qua lý trí con người và phát hiện được qua công trình sáng tạo. Ngài mời gọi con người ngày nay – Do Thái, dân ngoại, Kitô hữu – đừng lún sâu vào những việc tôn thờ ngẫu tượng phi lý thời hiện đại: ví dụ như môi trường thế giới không được nhìn nhận như là quà tặng của Thiên Chúa để con người hiểu biết và hành động có trách nhiệm; hoặc ngẫu tượng mà trong đó con người bị sát hại bởi vì không còn được nhìn nhận như là anh em hay hình ảnh của Thiên Chúa. Đối với Đức Bênêđictô, một xã hội phá bỏ con cái mình (phá thai) là một xã hội phá bỏ tương lai.
Đức Bênêđictô XVI mời gọi những người Do Thái nhớ lại rằng Lề Luật được trao ban cho Môisen chỉ để cho họ hoán cải, và trong tâm hồn được tinh luyện, họ đón nhận Ngôi Lời hoá thành xác thịt đã được các Ngôn Sứ loan báo và Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ cho thấy. Đức Giáo Hoàng mời gọi dân ngoại nhìn nhận rằng một khi ganh ghét Thiên Chúa, hoặc phớt lờ Ngài đi trong lý thuyết hay thực hành, họ bị các ngẫu thần của tính hiện đại và thú vui xác thịt vồ lấy. Trong thế giới đầy biến động, Đức Giáo Hoàng mời gọi Giáo Hội công bố rằng con người đã nhận được trí năng có thể hiểu biết dấu ấn của Thiên Chúa và yêu thương trong chân lý.
Như vậy thông điệp của Đức Bênêđictô XVI mang đến cho mọi người – Do Thái, dân ngoại, Kitô hữu – là một sứ điệp mang niềm hy vọng lớn lao. Mọi vấn đề xã hội mà chúng ta gặp phải đều giải quyết được nếu con người ngừng hủy hoại lý trí của mình. Đối với nhiều người, sự cứu rỗi cho lý trí này bắt đầu bằng việc đánh thức ngọn lửa lập loè nơi sâu thẳm hồn mình. Với tất cả mọi người, vào một lúc nào đó, sự cứu rỗi tuỳ thuộc vào một quyết định dứt khoát: sự chọn lựa của Hêrôđê hay chọn lựa của các Đạo Sĩ Phương Đông. Các bạn thân mến, như các hiền sĩ thời xưa, chúng ta có thể lựa chọn đúng và đi theo ánh sao dẫn đến Bêlem!
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
(trích “Bản Thông Tin” Giáo phận Qui Nhơn, số tháng 8/2010)


------------

[1] “Giả thuyết Gaïa” do nhà sinh thái học người Anh James Lovelock đề xướng trong tác phẩm « Gaia: A New Look at Life on Earth », cho rằng Trái đất phải được xem như là một đại cơ thể (macro-organisme individuel). Trái đất là « một hệ thống sinh lý năng động (physiologique dynamique) bao gồm sinh quyển và nó duy trì cho hành tinh chúng ta được hài hoà với sự sống từ hơn ba tỷ năm nay”. Như vậy, toàn thể sinh vật sống trên Trái đất như một cơ thể vĩ đại (được gọi là Gaïa, theo tên một vị nữ thần trong thần thoại Hy Lạp tượng trưng cho Trái đất), và chúng đã cùng nhau phát triển khả năng điều chỉnh môi trường toàn cầu để duy trì sự sống. ( người dịch )
[2] Avital Wohlman, Thomas d’Aquin et Maimonide. Un dialogue exemplaire , Paris, Cerf, 1988
[3] Xem Mc 10, 2-12
[4] Rm 1,17 tt; cũng xem chương 3 và chương 8, 1 tt
[5] Có thể xem bản văn của Hội Nghị Ratisbonne (gặp gỡ với các đại diện giới khoa học tại Đại Học Ratisbonne) ngày 12 tháng 9 năm 2006 trong Documentation catholique, số 2366, ngày 15 tháng 10 năm 2006, tr. 924-929.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét