TÌNH YÊU THA THỨ
Lời mở đầu :
Đức TGM José H. Gomez, giáo phận Los Angeles đã nhận xét: “Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa thiếu vắng sự tha thứ. Người ta mau chóng kết án và mau chóng chỉ trích. Chúng ta hãy cố gắng trở nên con người của lòng xót thương và thứ tha”. Lòng xót thương và thứ tha của TC chính là sứ điệp cốt lõi của Tin Mừng. Chúa không bao giờ bẻ gãy cây sậy đã dập và không dập tắt tim đèn còn khói. Đó chính là con đường tình yêu của T.C, là mẫu mực của mọi tình yêu, được thể hiện tron vẹn nơi ĐKT, Đấng đã thứ tha tất cả tội lỗi của nhân loại, Đấng mà lời nói cuối cùng của Ngài là lời tha thứ: “Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc.23,34) .Chúng ta phải cố gắng từ bỏ lối sống nhỏ nhen ích kỷ của mình và đi theo con đương tình yêu cao cả này . Nhưng tại sao chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho nhau? Chúng ta phải yêu thương và tha thứ cho nhau vì : “TC là tình yêu" và “T.C đã yêu thương chúng ta trước.” (1Jn 4,8.16.19). Đó chính là một tình yêu quảng đại, cứu độ, khoan dung và tha thứ như lời thánh vịnh 144 đã ngợi ca: “Chúa là đấng hiền hòa lân ái, giàu tình thương, chậm nổi lôi đình! Khoan hồng với mọi người hết thảy… Ai té ngã, Chúa nâng chỗi dậy. Ai gù lưng cho đứng thẳng người”. (Tv. 144, 8-9.14).
Con người chúng ta thường hay nuôi thù và tìm cơ hội để báo oán, có những mối thù truyền kiếp từ đời nay qua đời khác, có những người chấp nhận đem oán hận xuống mồ chứ không chịu tha thứ, hoặc là nếu phải tha thứ thì người ta cũng đặt ra nhiều điều kiện. Thiên Chúa đã hành xử hoàn toàn khác với con người. Thiên Chúa của chúng ta là một người Cha vô cùng quảng đại nhưng con người vẫn cứ nhìn Thiên Chúa như một vị quan tòa, chỉ rình chờ con người sai phạm để kết án, hay trừng phạt. Con người muốn một Thiên Chúa khép kín, một Thiên Chúa phải ra tay trừng phạt kẻ có tội. Câu chuyện ngụ ngôn của Lm Anthony de Mello cũng muốn nhắc nhở chúng ta về điều đó: “Một ngày kia, Thiên Chúa vào thăm Thiên Đàng, Ngài vô cùng ngạc nhiên khi thấy tất cả mọi người đều ở đó. Không một linh hồn nào bị ném vào hỏa ngục. Điều này làm Ngài bực mình và khó chịu, bởi vì không phải bổn phận của Ngài là phải xét xử công bình sao? Và dầu sao đi nữa, nếu không dùng thì dựng nên hỏa ngục để làm gì? Vì thế, Ngài dạy Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel: “Hãy tập họp tất cả mọi người lại trước tòa Thiên Chúa và đọc Mười điều răn”. Khi mọi người đã hiện diện đông đủ, Thiên Thần Gabriel đọc điều răn thứ nhất. Bấy giờ Thiên Chúa phán: “Ai đã phạm giới răn này thì hãy lập tức xuống hỏa ngục”. Một vài người bỏ hàng ngũ và buồn bã đi vào hỏa ngục. Cứ như thế, lần lượt giới răn thứ hai, thứ ba, thứ tư, rồi thứ năm. Lúc bấy giờ, số người trên Thiên Đàng đã vơi đi một cách đáng kể. Sau khi, Thiên Chúa đã đọc giới răn thứ sáu, thì tất cả mọi người hiện diện tự động đi xuống hỏa ngục hết, chỉ trừ một thầy dòng ẩn tu mập mạp, già và gù lưng. Bấy giờ Thiên Chúa mới ngẩng đầu lên và hỏi Thiên Thần Gabriel: “Chỉ còn một người duy nhất ở lại trên Thiên Đàng sao?” Gabriel trả lời: “Thưa đúng thế ạ”. Thiên Chúa liền phán: “ Được, nhưng nó ở đây một mình không tốt, vậy hãy gọi tất cả trở lại”. Khi vị thầy dòng ẩn tu nghe rằng mọi người tội lỗi được tha thứ, ông rất bất mãn và gào lên với Chúa: “Không thể được! Tại sao Chúa không bảo con trước”? Và ngài kết luận: “Ông thầy ẩn tu là một tên biệt phái trá hình, một đứa con cả khác trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu”. Kẻ chỉ tin vào sự thưởng phạt là một người chỉ biết kiến tạo một sự công bình khắc nghiệt. (“Tiếng hót muôn chim” , của linh mục Athony de Mello, trang 118 đến 121).
Sự ích kỷ, ghen tương và thù hận của chúng ta nhiều lúc cũng được thể hiện đối với nhau như thế .
1- TC luôn bao dung và tha thứ :( Patricia McCarthy, Lời đem lại bình an, tr,125-126). Câu chuyện tiên tri Giona và dân thành Ninivê cho ta thấy rõ hơn tình yêu bao la của T.C. Lúc ấy tiên tri Giona bực mình vì thấy Chúa không đánh phạt dân thành Ninivê như đã tuyên bố. Ông giận dỗi ra khỏi thành. “Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên ở phía trên ông ông Giôna vui vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa cho có một cơn gió đông nóng bỏng và mặt trời dội nắng xuống đầu ông Giôna. Ông ngất xỉu và xin cho mình được chết… Thiên Chúa hỏi ông Giona: “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu như thế có lý không?” Ông trả lời: “Con con có lý để nổi giận đến chết được”, Đức Chúa phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó và không làm cho nó lớn lên…Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn 120.000 người không phân biệt được bên phải với bên trái và lại có rất nhiều thú vật hay sao?”. Patricia đã nhận định: “Thiên Chúa không bao giờ kết án. Câu chuyện về Giôna mặc khải cho chúng ta về lòng cảm thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa đầy lòng cảm thương với con người mặc dù con người không xứng đáng lãnh nhận.
Sau khi trốn tránh Thiên Chúa, cuối cùng thì ông Giôna cũng vâng phục Ngài để đi rao giảng cho dân Ninivê biết phải hoán cải cuộc sống của họ. Ông chỉ mới rao giảng một ngày thôi mà toàn thể thành phố từ vua đến dân đều ăn năn sám hối và cầu xin Thiên Chúa tha thứ. Những quyết tâm hoán cải này đến tai Giôna. Nhưng ông lại không thích nó xảy đến. Ông nghĩ dân Ninivê không xứng đáng được tha thứ và Thiên Chúa không nên tha thứ cho họ quá dễ dàng như vậy. Bấy giờ Thiên Chúa bực mình với Giôna. Giôna hay xét đoán người khác, đó không phải là trách nhiệm của con người. Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền xét đoán mà thôi. Nếu Thiên Chúa đối xử nhân hậu đối với người khác, chúng ta không có quyền kết án. Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền xét đoán các hành vi của con người mà thôi. Vai trò của chúng ta là loan báo lời Thiên Chúa cho cả kẻ tin lẫn người không tin, cho người thân thuộc lẫn người xa lạ. Chúng ta không bao giờ được phép ngồi trong bóng mát và phàn nàn vì Thiên Chúa đã không giáng phạt những kẻ bị chúng ta kết án. Lời biện hộ đầy lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân thành Ninivê, lòng cảm thương của Ngài đối với họ đã làm tỏ lộ một tiêu chuẩn cho cách đối xử của tất cả những ai muốn sống với Ngài. Nếu chúng ta muốn sống bình an phải loại bỏ óc xét đoán của những kẻ tự coi mình là người công chính. Trong Thiên Chúa, chỉ có lòng thương xót mà thôi. Tất cả mọi sự được Thiên Chúa ban cho vì lợi ích của con người và cho họ có cơ hội hoán cải.” ((Lời đem lại bình an của:Patricia Mccarthy, C.N.D trang 125 đến 126). Thiên Chúa không muốn lên án ai, vì Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót như lời Chúa phán với ngôn sứ Edêkien rằng : “ Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống ” ( Ed 18, 23) Không phải Thiên Chúa dung dưỡng kẻ phạm tội Nhưng Ngài muốn mở lối cho kẻ ăn năn và hối cải trở về với một điều kiện duy nhất, đó là “ Sự sám hối và lòng tin” .
2. Đức Kitô , chứng nhân của tình yêu tha thứ :
a/ Người đàn bà tội lỗi:( Lc.7,36-49)
Để thể hiện tình yêu tha thứ cứu độ, TC đã sai con của Ngài là ĐKT đến trần gian để đón nhận cái chết đau thương nhằm cứu vớt nhân loại, đúng như lời Người đã minh xác: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết…Quả vậy TC sai con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ ” (Ga 3, 16.17) .
Vào một hôm, có một người Pharisêu tên là Simôn mến mộ Đức Giêsu và đã “mời Ngài đến dùng bữa tại nhà mình. Trong lúc mọi người chén tạc chén thù thì có một người phụ nữ xuất hiện. Tất cả mọi người trong bàn tiệc có vẻ như bực bội về sự xuất hiện của người phụ nữ này. Họ bực bội bởi nàng là “một người tội lỗi ” khét tiếng trong thành, họ bực bội bởi những cử chỉ của nàng đối với Đức Giêsu. Thật tự tin, nàng đến bên Đức Giêsu, ngồi sát chân Người mà khóc. Không ai có thể tưởng tượng được rằng nàng khóc nhiều đến nỗi có thể “lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người ”. Chưa dừng lại đó, nàng còn “lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người ”, cuối cùng, “nàng lấy dầu thơm mà đổ lên ”. Tới lúc này thì ông Simôn không còn bình tĩnh được nữa , tâm hồn ông nghĩ ngợi lung tung về Đức Giêsu . Ông nghi ngờ về vai trò của Ngài , vai trò của một ngôn sứ , như ông ta đã nghĩ như thế …Ngôn sứ gì mà không biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là một người tội lỗi !!!. Vâng không phải Đức Giêsu không biết nàng “vốn là người tội lỗi trong thành” nhưng, trước lòng tin của nàng, Đức Giêsu tuyên bố : “Tội của chị rất nhiều,nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều…Lòng tin của chị đã cứu chị, Chị hãy đi bình an” ( Lc 7, 47…50) Những người chứng kiến đã coi thái độ của CGS như là một sự đồng lõa. Nhưng CGS đã nhìn thấy tâm hồn của người phụ nữ, đã thấy lòng sám hối trong những giọt nước mắt ăn năn. Có thể nói, tất cả những người hiện diện trong nhà ông Simon tuy “đồng bàn” với Đức Giêsu nhưng họ đã không “đồng cảm” với Ngài. Có thể họ chưa nghe được những gì Đức Giêsu đã giảng dạy rằng: “ Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối ” ( Lc 15, 10). Đối với Chúa sự tha thứ.là tình yêu cao cả nhất.
b/ Người đàn bà ngoại tình: (Jn. 8,1-11)
Và trường hợp người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang còn bi đát hơn. Nàng bị đem đến trước mặt CGS để xin Ngài luận tội. Ngài chỉ hỏi những kẻ ác tâm muốn Ngài kết án để ném đá cô ta một câu thôi: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Đó là một lời mời gọi rà soát lại lương tâm của nhưng kẻ tố cáo. Đó cũng chính là điêu chúng ta phải tự hỏi chính mình trước khi muốn ném đá bất cứ người nào. Và họ đã tuần tự bỏ đi. Chỉ còn lại một mình CGS và người phụ nữ. Ngài nói: “ Tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Trong sự tha thứ, CGS không dừng lại ở quá khứ đau buồn của chị. Chúa giục chị ra về vì Chúa hoàn toàn tin cậy chị ta sẽ làm lại cuộc đời. Con đường tái sinh đã rộng mở. Và chúng ta cũng phải tự nghĩ rằng, người phụ nữ ấy cũng chính là chúng ta, là cả nhân loại.
c/Tha thứ vô giới hạn và vô điều kiện: (Mt. 18, 21-35 )
Một hôm Phêrô đến gần CGS và hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không.?” Đức GS đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Điều đó có nghĩa là phải tha thứ vô giới hạn, tha thứ mãi mãi, không tính toán bằng con số, không cần đo lường đếm. Thánh Phêrô nghĩ rằng tha đến 7 lần là quá sức, là cao thượng lắm rồi. Nhưng đối với Chúa “giới hạn của tình yêu là yêu vô giới hạn”. Vì thế Ngài dạy chúng ta: “cho dù anh em có xúc phạm đến con bảy lần một ngày và bảy lần nó trở lại với con mà nói: tôi xin chừa cải, thì con phải tha thứ cho nó.” (Lc.17,4 ). Tha thứ không phải là vấn đề số lượng mà là vấn đề chất lượng. Một người có thể tha thứ 490 lần nhưng không để tha thứ thâm nhập vào lòng mình. Tha thứ không phải là một hành vi vào một thời khắc nhất định nhưng là một thái độ thường xuyên. Ngài tha thứ lúc đang ở tận đáy vực thẳm của cơn hấp hối, chính lúc ngài bị hạ nhục và chà đạp không chút tiếc thương. Mặc dầu phải đau đớn khôn xiết, bị khinh miệt và bị chối bỏ nhưng ngài cầu nguyện rằng “Lạy cha xin tha cho họ….”. (Lc 23,34). Chính trên thập giá Chúa đã thực hiện sự tha thứ như một gương mẫu tuyệt vời. Trong lúc hấp hối Chúa Giêsu nghe tên trộm van xin: “ông Giêsu ơi khi ông vào nước của ông xin nhớ đến tôi” (Lc 23,43). Nếu là chúng ta chắc chúng ta đã trả lời: “tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đến bù các tội ác của mình ít là khoảng 20 năm trong luyện ngục”. Trái lại Chúa Giêsu trả lời cho anh ta: “ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng ta trên thiên đàng” (Lc 23,43). Ngài đã quên tất cả tội lỗi của người ăn trộm (Chứng nhân hy vọng, ĐGM Nguyễn văn Thuận, 2000, tr.24). Cũng như Ngài đã chẳng hỏi gì về quá khứ của người đàn bà tội lỗi. Ngài chỉ nói: “Tội của con tuy nhiều, nhưng đều được tha hết vì con đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47).
Trong dụ ngôn người con trai hoang đàng, chúng ta cũng thấy tình yêu tha thứ của người cha là một tình yêu vô điều kiện. Anh ta đã chuẩn bị sẵn trong lòng điều sẽ nói: “Thưa cha con đã phạm tội với trời và với cha, con không còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin hãy đối xử với con như những đầy tớ của cha” (Lc 15,8). Nhưng khi người cha thấy người con ấy từ đằng xa, liền quên hết mọi sự và chạy ra đón con, ôm hôn con và không để anh ta rụt rè nói lên bài diễn văn đã dọn sẵn. Người cha gọi những đầy tớ đang kinh ngạc và nói: “hãy mang quần áo đẹp nhất ra đây và mặc cho anh, hãy xỏ nhẫn vào tay và xỏ giầy cho anh.H ãy mang bê béo để làm thịt, và chúng ta hãy mở tiệc, vì con ta đã chết nay sống lại…” (Lc 25,22). Chính trong dụ ngôn nầy, chúng ta đọc thấy tình yêu dung tha cao vời của TC. Và trong lời nguyện cầu của Chúa trên Thập Giá: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” ( Lc. 23,34), Chúa đã cho chúng ta cảm nghiệm được đỉnh cao tình yêu tha thứ diệu vợi của Ngài. Ngài đã trở nên mẫu gương tuyệt vời cho tình yêu thương của chúng ta đối với anh em đồng loại. Và từ đó, Ngài còn dấn bước trên con đường khó khăn: yêu thương kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em..”(Mt.5,44-45)
Mục sư Martin Luther King trong tác phẩm “Dũng mạnh để yêu thương” đã nói: “ Lịch sử nhân loại là một đại dương không ngừng bị khuấy động bởi các đợt sóng dâng cao là hận thù và báo oán. Con người không bao giờ vươn lên trên quy luật báo oán: “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Xh 21, 23) .
Trên thập giá , Đức Giêsu đã long trọng công bố luật trổi vượt hơn. Người biết rằng luật cũ “mắt đền mắt” sẽ làm cho mọi người bị mù. Người đã không tìm cách thắng sự dữ bằng sự dữ nhưng thắng sự dữ bằng sự lành. Bị đóng đinh vì hận thù, Người đáp lại bằng tình yêu.
Đây quả là một bài học cao quý. Các thế hệ có thể sinh ra và biến mất, con người có thể tôn thờ và phủ phục trước bàn thờ thần báo oán, nhưng một lời gọi thắm thiết luôn mãi đến với chúng ta từ bài học trên núi Sọ: chỉ có lòng nhân ái mới có thể tiêu diệt tận căn sự dữ, chỉ có tình yêu mới thắng được hận thù” (Dũng mạnh để yêu thương, M.Luther King, tr. 37)
Lời kết: Xã hội chúng ta đã có quá nhiều bạo lực. Đức cha Gomez đã kêu gọi: “Trong công cuộc tân Phúc Âm hóa cho nền văn hóa của thời đại nầy, chúng ta được mời gọi để làm cho lòng xót thương và sự tha thứ trở thành sứ điệp và chứng từ sống động cho thế giới nầy.” Mahatma Gandhi đã nói: “Ăn miếng trả miếng khiến cả thế giới mù lòa”. Chỉ có tình yêu tha thứ mới liên kết mọi người thành một cộng đoàn huynh đệ’:
“Nơi ĐKT chẳng có Đông và chẳng có Tây
Chẳng có Nam và chẳng có Bắc
Nơi ĐKT tình yêu huynh đệ
Liên kết mọi người trên toàn cõi đất”
(Dũng mạnh để yêu thương, tr.58)
Chúng ta nguyện cầu cho ước vọng của tiên tri Isaia sớm được thưc hiện:
“Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày
Rèn giáo mác nên liềm nên hái
Dân nầy nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau
Và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is. 2,4), Amen
Tác giả bài viết: Lm. Anrê Hoàng Minh Tâm
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét