CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A



CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Tiếp cận với trang Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy, thánh Matthêu gợi lên ba vấn đề: Vấn đề trước hết, đó là Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó lần thứ nhất - Vấn đề thứ hai, thánh Phêrô can gián Chúa Giêsu - Và vấn đề cuối cùng, đó là Chúa Giêsu đề nghị một lối sống cho những ai muốn theo Ngài. Hôm nay, tôi xin mời quý ông bà và anh chị em, chúng ta cùng suy nghĩ về vấn đề thứ ba này, với lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Thưa quí ông bà và anh chị em! Với lời mời gọi của Chúa Giêsu đó thoáng nghe xem ra không mấy hấp dẫn, nếu không muốn nói đó là một lời mời gọi xa lạ, thật khó nghe; không những đối với các môn đệ ngày xưa, mà nhất là đối với con người trong thời đại hôm nay. Tại sao thế?    -    Là bởi vì đang khi người ta đề cao sự chiếm hữu, đề cao cái được: được tiền tài, được danh vọng; Chúa Giêsu lại bảo: hãy bỏ mình thì sao mà nghe được. Và đang khi cuộc đời này, luôn nói đến sự hưởng thụ, sự thỏa mãng sung sướng; Chúa Giêsu lại nói đến thập giá thì sao mà mê được.
Như thế, một lời chất vấn được đặt ra cho tôi và cho từng người chúng ta hôm nay: lời mời gọi của Chúa Giêsu đó, có nghĩa gì? thưa quí ông bà và anh chị em!
Trong niên học 2012-2013, tôi và một số thầy cùng lớp đi mục vụ tại Giáo xứ Cây Vông. Mỗi sáng Chúa Nhật, chúng tôi đi sớm để kịp tham dự thánh lễ nhất cùng với giáo xứ. Mới ba rưỡi bốn giờ sáng ấy vậy mà tôi đã chứng kiến những người đi bách bộ, chạy bộ, trên con đường chúng tôi đi; bất chấp trời mưa, hay trời lạnh rét. Hay chúng ta thử nhìn vào các vận động viên, các cô người mẫu chẳng hạn; tôi cũng thấy họ chấp nhận kiên khem, chấp nhận mất mát nhiều thứ lắm: sức lực, tiền bạc và thời giờ, để tập luyện hàng ngày. Điều gì đã có thể khiến cho những con người đó, chấp nhận mất mát, chấp nhận hy sinh như thế, nếu không phải là vì: để có được một sức khỏe tốt, một vóc dáng thật đẹp, để có được những kỹ năng thi đấu tốt nhất.
Và như thế vấn đề là: một khi con người ta chấp nhận mất mát, chấp nhận hy sinh, là họ luôn ý thức mình hy sinh vì cái gì? hy sinh vì mục đích nào? Người ta phải có một lý tưởng, có một mục đích mà người ta xác tín, người ta gắn bó, người ta say mê, người ta yêu mến thì lúc đấy, người ta sẽ dễ dàng chấp nhận hy sinh     Cái lý tưởng và mục đích đó, tôi xin gọi bằng một từ tổng quát hơn đó là: “cái tầm nhìn về cuộc sống”.
Tương tự như vậy, trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, không hẳn là vì chúng ta sợ hy sinh, sợ từ bỏ hay sợ vác thập giá, mà chúng ta không dám theo Chúa Giêsu; nhưng có lẽ, vì quí ông bà, anh chị em và tôi, chúng ta chưa dám mang lấy cái tầm nhìn của Chúa Giêsu về cuộc sống. Cho nên, chúng ta còn e ngại, và tìm cách tránh né để an thân.
Và Quý ông bà, anh chị em sẽ hỏi rằng: cái tầm nhìn của Chúa Giêsu đó, là cái tầm nhìn như thế nào? Dĩ nhiên, chúng ta phải đọc toàn bộ các sách Tin Mừng thì sẽ thấy rõ. Tuy nhiên, có một câu mà Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng hôm nay, cũng phần nào, giúp chúng ta nhận thức, về cái tầm nhìn của Chúa Giêsu là gì. Đó là: “được lợi cả thế giới này, mà mất linh hồn, thì được ích gì?”.
Hàm nghĩa trong câu nói đó là: đang khi người ta nhấn mạnh đến cái bên ngoài, cái thế giới này, theo nghĩa là cái bên ngoài thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh cái bên trong là linh hồn; và gắn với linh hồn là những giá trị tinh thần như là: lương tri, là ý chí, là tự do, là lương tâm của con người. Chúa Giêsu luôn đề cao những giá trị nội tâm đó. Rồi đang khi, người ta nhấn mạnh đến lối sống hưởng thụ cái trước mắt trong thế giới này thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến linh hồn, có nghĩa là một sự sống đang có ngày hôm nay, nhưng nó không chấm dứt trong cuộc đời tại thế này, mà nó sẽ tồn tại mãi trong vĩnh cữu. Đó chính là cái tầm nhìn của Chúa Giêsu về cuộc sống, và về con người.
Và tôi tự hỏi điều gì đã làm nên sự biến đổi nơi các Tông đồ? Từ những con người đã từng chối Chúa như Phêrô, đã từng bách hại đạo Kitô như Phaolô, trở thành những con người dám sống và dám làm chứng về ĐKT bằng chính mạng sống của mình. Điều gì? Nếu không phải nơi các ngài đã có được cái tầm nhìn về ĐKT bằng cập mắt đức tin; và nhất là, có được cái tầm nhìn của Chúa Giêsu về cuộc sống, xuyên qua cuộc TN và PS của ĐKT; đặc biệt, sau khi đón nhận được Chúa TT trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chính cái tầm nhìn của Chúa Giêsu đó đã định hướng cho lối sống của các ngài. Cũng vậy, nếu quý ông bà, anh chị em và tôi mà mang lấy cái tầm nhìn ấy, say mê cái tầm nhìn ấy, thì một cách rất tự nhiên, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận hy sinh, chấp nhận từ bỏ và vác thập giá.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em! Có được cái tầm nhìn của Chúa Giêsu đã khó, nhưng sống triệt đễ cái tầm nhìn đó lại càng không dễ chút nào. Rất có thể, khi sống theo cái tầm nhìn mà Chúa Giêsu đã sống và mời gọi, chúng ta dễ rơi vào một trong hai trạng thái, của hai nhân vật, trong các bài đọc Kinh Thánh ngày hôm nay. Trước hết, là thánh Phêrô: có thể chúng ta không can gián Chúa Giêsu trực tiếp như Phêrô, nhưng rất có thể, qua lối suy nghĩ và cách sống của chúng ta, chúng ta cũng đã từng là vật cản lối Chúa, cũng đã từng tìm cách thoái thác, tránh né những đau khổ, thử thách, để đi tìm sự an thân. Hoặc nếu chúng ta không đối nghịch như vậy thì chúng ta sống trong một sự giằng co nội tâm, giống như Giêrêmia trong bài đọc I: Chúa sai ông đi rao giảng Lời Chúa, người ta không muốn nghe; còn hơn thế nữa, người ta còn tìm cách loại trừ. Cho nên, Giêrêmia đã than thở với Chúa: tôi tự nhũ là tôi không nhớ đến Người nữa, tôi sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó ông cảm thấy trong lòng như có một lò lửa cháy bừng bừng, thúc bách ông tiếp tục thi hành sứ mạng rao giảng.
Con đường theo Chúa là thế, luôn nhướm màu của sự bỏ mình và thập giá. Chính vì thế, điều cần thiết cho những ai muốn theo Chúa là phải mặc lấy cái tầm nhìn của Chúa Giêsu. Và để được biến đổi và nhất là để có được cái tầm nhìn theo chuẩn mực của Chúa Giêsu. Tôi thiết nghĩ chúng ta cũng hãy mặc lấy cái tâm tình và thái độ của hai môn đệ trên đường Em-mau. Là biết mở lòng mình ra để đón nhận những lời giáo huấn, và Thánh Thể Chúa, đặc biệt qua các Thánh lễ. Để sau khi đón nhận được Lời Chúa và Thánh Thể, cũng như hai môn đệ ngày xưa, chúng ta cũng được biến đổi và mang lấy cái tầm nhìn của Chúa Giêsu, vào trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta; sẵn sàng lên đường, đi theo con đường, mà Chúa Giêsu đã đi, và mời gọi.
Và cuối cùng, nếu chúng ta nhận thức rằng cái tầm nhìn của Chúa Giêsu, không dựa trên những tiêu chuẩn của bậc thang gía trị, theo sự tính toán khôn ngoan của người đời, mà dựa trên Thần Khí; Và nhất là, dựa trên nền tảng của niềm tin, một niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng đã sống một cách trọn hảo, sự bỏ mình và vác thập giá; thì với ý thức đó, tôi mời cộng đoàn chúng ta cùng tuyên xưng niềm tin đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét