CHÚA NHẬT I – MV A
(Is 2, 1 – 5; Rm 13,11 - 14; Mt
24, 37- 44)
Kính thưa quý ông bà và toàn thể
anh chị em rất thân mến, hôm nay Giáo Hội bước vào năm phụng vụ mới với Mùa
Vọng – được gọi là mùa trông đợi. Giáo Hội từ xưa cho đến nay vẫn luôn đặt lễ Giáng Sinh vào trong mối
tương quan với niềm mong chờ Chúa lại đến. Niềm vui quá khứ của đêm Giáng Sinh,
chính là khởi điểm cho một niềm hy vọng khác sẽ tới, đêm huyền nhiệm ấy chính là bình minh của ơn cứu độ và hướng về ngày
Chúa trở lại, ngày hoàn tất lịch sử sáng tạo và tái tạo con người. Chính khi chúng ta mừng kỷ
niệm Chúa Giáng Sinh, Giáo Hội muốn chúng ta tin tưởng chờ đợi ngày Người trở lại trong vinh quang. Đó chính là tinh thần sống mà Giáo Hội muốn gởi đến cho chúng ta trong Mùa Vọng và trong dịp lễ Giáng Sinh.
Quả
vậy, qua những bài đọc trong thánh lễ hôm nay, Phụng vụ cho chúng ta một cái
nhìn sâu sắc về ý nghĩa đích thực của Mùa Vọng, cũng như về thái độ căn bản của
người tín hữu, không chỉ trong thời gian này mà còn trong suột cuộc đời, đó là
hướng lòng chúng ta về Ngày Chúa sẽ đến lần thứ hai, ngày quang lâm. Thế có khi
nào quý ông bà và anh chị em thắc mắc là tại sao mới đầu năm phụng vụ mà lại
đọc những đoạn Kinh Thánh nói về ngày cánh chung, ngày kết thúc lịch sử nhân
loại không? Vậy đâu là lý do sâu xa mà phụng vụ lại sắp xếp như thế? Thưa đó là
vì chủ yếu của Mùa Vọng không nhằm việc dọn mừng lễ Giáng sinh; nhưng muốn khơi
lại niềm tin về Ngày Chúa sẽ trở lại, để cả cuộc đời của chúng ta luôn là Mùa
Vọng, luôn trông đợi “Ngày Chúa lại đến”.
Như
vậy Mùa Vọng nhắm lễ Giáng sinh chỉ như mục tiêu gần để vươn tới và đạt được
mục tiêu cuối cùng là Ngày Đức Kitô lại đến. Bởi đó, Phụng vụ không phải chỉ là
kính nhớ hay kỷ niệm biến cố Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, mà phải mang đến
ơn Chúa Giáng sinh thật sự, nghĩa là phải làm sống lại thật sự cho chúng ta sự
kiện Đức Kitô đã làm người, phải hiện tại hóa cho chúng ta ngày nay việc Ngài
đã Giáng sinh ở Bêlem, để chúng ta được tiếp nhận Ngài như Đức Maria và thánh
Giuse ngày xưa.
Thế thì còn trần trừ gì nữa, tôi cũng
như quý ông bà và anh chị em, ngay từ giờ phút này, hãy tích cực chuẩn bị tâm
hồn, để xứng đáng đón tiếp Chúa khi Ngài viếng thăm.
Đến đây, chắc
quý ông bà và anh chị em cũng đã tự hỏi rằng: Ngày quang
lâm có gì đặc biệt mà chúng ta phải chuẩn bị kỹ càng đến như vậy? Đúng là nó
rất đặc biệt thưa quý ông bà và anh chị em:
Thứ
nhất, vì ngày quang lâm có tính chất bất ngờ, không ai biết trước được ngày
nào, giờ nào và ngay chính Chúa Giêsu đã trả lời cho các môn đệ là Ngài cũng
không biết, mà chỉ duy một mình Chúa Cha biết mà thôi. Ngày ấy có thể đến ngay
lúc này, một lát nữa, ngày mai hay ngay mốt chăng, thấy ai cũng lắc đầu bó tay
và tôi cũng chiu chết thôi. Trái lại, ngày Chúa đến thật bất ngờ, như trận lụt
hồng thủy bất chợt ập tới, thình linh như kẻ trộm trong đêm tối như bài Tin
Mừng diễn tả. Chắc quý ông bà và anh chị em cũng cảm thấy điều đó ngay trong
cuộc sống hằng ngày: có những con người kết thúc cuộc đời cách bất ngờ, nhiều
khi chết mà không biết tại sao mình chết, chết bất đắc kỳ tử: đang khỏe mạnh tự
nhiên lăn ra tắt thở, đang đi trên vỉa hè có xe lạc tay lái đâm vào, ra đi
không lời trăn trối, và mới đây nhất cơn bão Haiyan – Hải yến quét qua Philippin
làm thiệt mạng cả ngàn người. Đó chính là ngày cánh chung riêng của mỗi người,
quả thật chúng ta không thể ngờ được và cũng không ai học hết được chữ ngờ cả.
Lý
do thứ hai của ngày quang lâm đó chính là ngày kết thúc lịch sử nhân loại, khi
Đức Kitô đến, số phận của mỗi người sẽ quyết định cách dứt khoát, kẻ sống cũng
như người chết, đó chính là ngày tận thế. Ngày ấy số phận của mỗi người rất khác
biệt nhau, dù sống trong những hoàn cảnh rất giống nhau, nhiều khi đang cùng làm trên một thửa ruộng, đang xay bột
chung một cối, với Nhân Cơ chúng ta có khi đang cùng hái cafê với nhau cũng có.
Tuy vậy, số phận ấy được chuẩn bị ngay trong hiện tại, ngay trong những công
việc, những sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Tất cả sẽ mang
lại giá trị cho hạnh phúc Nước Trời, nếu chúng ta làm với tinh thần yêu mến,
thì dù ăn, dù uống hay làm bất cứ điều gì mà vì danh Đức Kitô đều mang lại giá
trị làm hành trang cho ngày Chúa đến. Với những lý do ấy, việc chuẩn bị sẵn
sàng chính là thái độ của người khôn ngoan. Hơn nữa, việc tiếp đón Đức Khâm Sứ Tòa
Thánh, đại diện ĐTC đến thăm Gx chúng ta vào ngày 10/11 vừa qua, cả Gx đã phải
chuẩn bị trước đây cả tháng trời, thế thì việc đón tiếp chính Chúa, vị khách
cao cả nhất của đời ta, lẽ nào lại không dốc toàn lực để chuẩn thật chu đáo
sao?
Và
điều cuối cùng tôi cùng quý ông bà và anh chị em khát khao được ánh sáng Lời Chúa
hướng dẫn là phải chuẩn bị canh thức thế nào để có thể sẵn sàng đón ngày Chúa đến?
Lời
Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy canh thức và sẵn sàng để đón
chờ Chúa đến, chứ không dửng dưng như những con người thời ông Nôê, chỉ biết chú tâm vào những việc đời
thường, dẫu rằng chuyện ăn chuyện uống, cưới vợ lấy chồng không có gì xấu cả,
nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì cũng chỉ là chuyện nhân sinh thông thường mà
thôi, trái lại với người Kitô hữu thì phải biết làm cho nó thăng hoa, biết dùng
những gì trong hiện tại như thời gian, sức khỏe, tài
năng, phương tiện Chúa ban để làm giàu cho hành trang bước vào Nhà Chúa, tạo sự
tự tin đón chờ ngày Chúa quang lâm; Canh thức là phải biết khôn khéo như người
quan lý bất trung biết chuẩn bị cho tương lai, sau khi bị cắt chức quản lý; Hay
như năm cô trinh nữ khôn ngoan với đèn luôn cháy sáng trên tay và bình đầy dầu,
nên khi chàng rể tới đã được cùng vào phòng tiệc, vui hưởng hạnh phúc, mà như
bài Tin mừng đó là những người được đem đi, còn những người chưa sẵn sàng thì
bị bỏ lại, tức là không được cứu thoát.
Kính
thưa cộng đoàn, Lời Chúa trong các bài đọc ngày hôm nay có một sự bổ túc và gắn
kết với nhau rất mật thiết. Cách cụ thể phải canh thức thế nào mà bài Tin Mừng
nêu lên lại được Tiên tri Is chỉ cho chúng ta rõ hơn: là phải
biết đường lối Chúa và bước theo đường Người chỉ vẽ: là yêu chuộng hòa bình: dân
này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, tức là tôn trọng sự sống của tha
nhân, xóa bỏ hận thù và thay vào đó bằng tình thương yêu chân thành. Cũng vậy, Thánh
Phaolô mời gọi chúng ta hãy sống xứng đáng là con cái ánh sáng: là chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và
cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như
người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng,
cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng
chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng. Do đó, chúng ta rất dễ nhận
ra giáo huấn của chúa, điều còn lại là chúng ta có sống điều ngài dạy hay không
mới quan trọng.
Chúng ta cũng cần
phân biệt thái độ của người luôn canh thức và sẵn sàng: đó không phải là quá lo âu sợ hãi đến nỗi làm tê liệt cả nhịp
sống hiện tại, mà là sẵn sàng đối diện với thực tại, là thường xuyên ở trong tư
thế hành động tích cực nhất. Chắc hẳn quý ông bà và anh chị em đã có lần nghe
nói đến vị thánh trẻ Đaminh Saviô, ngài vốn là học trò của cha thánh Gioan
Boscô – đấng sáng lập dòng Don Boscô, cũng vào tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng
như ngày hôm nay, trong một giờ giáo lý, cha Bosco hỏi các em thiếu nhi rằng:
“Nếu các con đang vui chơi ngoài sân, bất thần Chúa đến và bảo rằng: 10 phút
nữa, Chúa sẽ gọi các con về với Chúa, thì các con sẽ làm gì ngay lúc ấy?” em
thì trả lời: Dạ thưa cha, con sẽ chạy ngay về nhà để từ giã ba má ạ; em khác nói:
Con sẽ xin cha cho con xưng tội ngay, chắc chắn con sẽ được vào Nước Trời!”. Ấy
là được Chúa cho biết trước, chứ bất thình lình thì làm sao gặp được cha mà
xưng tội phải không thưa quý ông bà và anh chị em. Sau mấy câu trả lời ấy, Cha
Bosco vẫn chưa tỏ vẻ hài lòng. Cuối cùng cha chỉ tay gọi Đaminh Saviô, thế còn
phần con, Saviô, con sẽ làm gì? Saviô mỉm cười, đơn sơ trả lời: “Thưa cha, con
sẽ vẫn tiếp tục vui chơi ạ!” vừa dứt lời, Cha Bosco vui mừng chạy tới ôm chầm
lấy cậu bé và reo lên: “Ôi đúng rồi ! Đó chính là câu trả lời mà cha đã chờ
suốt nãy giờ. Saviô, con yêu dấu của cha, con thật là xứng đáng ra đón Chúa bất
cứ lúc nào trong đời!”
Thưa quý ông bà và anh chị em, thái độ lạc quan của cậu Saviô chính là
thái độ của người luôn canh thức và sẵn sàng, Chúa gọi lúc nào là vui vẻ bước
theo, Chúa đến giờ nào cũng hân hoan tiếp đón.
Lạy Chúa, qua Giáo
Hội, Chúa muốn cho chúng con được sống và sống đồi dào. Bởi đó, ngay đầu năm
phụng vụ, Mẹ Giáo Hội muốn chúng con trở thành những con người có thái độ sẵn
sàng, khi nêu cao ý thức "CHÚA SẼ ĐẾN". Xin giúp chúng con luôn biết thao
thức sống sao cho đẹp lòng Chúa, hầu chúng con có được sự bình an đích thực,
sẵn sàng nghênh đón Người, không phải trong tủi hổ đớn đau muôn đời, mà là
trong niềm hạnh phúc chan hòa với Đấng chúng con hằng mến tin. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét