Chúa nhật V phục
sinh, năm A
Kính thưa Ông bà
và anh chị em,
Chúng ta đã bước sang CN V PS, và phụng vụ
Lời Chúa trong cả ba bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta tiếp tục sống trong niềm
vui. Niềm vui mà tôi muốn chia sẻ hôm nay trước hết là niềm vui được làm con
Chúa, được tuyển chọn vào dân của Người và được gọi là Kitô hữu.
Thư thứ nhất của thánh Phêrô mà ÔNG BÀ
ANH CHị EM vừa nghe đã xác nhận điều đó: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển
chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan
truyền những kỳ công của Ngài”. Thật vậy, nhờ bí tích rửa tội ÔNG BÀ
ANH CHị EM được đón nhận đức tin, được gia nhập vào gia đình Hội Thánh Chúa, được
làm con của Chúa và được gọi là Kitô hữu. Nói theo từ ngữ, Kitô là ĐGS Kitô; hữu
là bạn cùng chí hướng. Kitô hữu là bạn của Đức Kitô. Kitô hữu là người “được
xức dầu bằng Thánh Thần, được tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu làm
Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Giả”.
Giáo lý Hội Thánh dạy ta điều đó.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng, trong Hội
Thánh có hai chức tư tế: chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác. ÔNG BÀ
ANH CHị EM thuộc chức tư tế cộng đồng (dĩ nhiên phó tế vẫn thuộc hạng này). Còn
chức tư tế thừa tác chỉ dành cho ĐGH, các Hồng y, Giám mục, Linh mục. Tuy khác
về cấp bậc, bản chất nhưng cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa
Kitô nhờ việc xức dầu trong bí tích thánh tẩy. Như vậy ai cũng có bổn phận và sứ
mệnh tùy theo ơn gọi riêng của mình trong việc tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô
là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Thật vậy, điều này Công đồng khẳng định rằng: “Chính
qua bí tích thánh tẩy, thêm sức, các tín hữu được ‘thánh hiến để trở nên hàng
tư tế thánh’” (LG 10,1). Chúng ta có quyền vui mừng, hãnh diện và tạ ơn
Chúa về điều đó.
Đó là niềm vui thứ nhất. Niềm vui thứ hai ở
trong bài Tin Mừng ngày hôm nay, khi Chúa Giêsu nói: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin
vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở. Vì thế, Thầy
đi dọn chỗ cho anh em, và sẽ trở lại đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh
em cũng ở đó”. Đây là một trong những lời cáo biệt của Chúa Giêsu trước
khi Ngài lên Giêrusalem để chịu nạn, chịu chết. Nhưng tại sao tôi gọi đó là niềm
vui? Vui bởi vì đó cũng là lời khích
lệ cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay trên hành trình tiến về nhà Cha.
Nhưng cũng là niềm hy vọng, vì Chúa
Giêsu sẽ trở lại đón chúng ta về với Ngài.
Xin ÔNG BÀ ANH CHị EM lưu ý hạn từ ‘có
nhiều chỗ ở’.“Chỗ” ở đây không phải chỉ là “một
bất động sản” ta sẽ an cư lạc nghiệp trong đó, nhưng có nghĩa là
nơi đó, Thiên Chúa ban chính mình trọn vẹn cho chúng ta. Nơi Người
chúng ta sẽ được tất cả và mỗi chúng ta sẽ chiếu tỏa ánh quang của Người là nét
độc đáo riêng mà chỉ có Người mới có thể ban cho chúng ta. Mỗi người đều có
chỗ riêng của mình mà lại hiệp thông với tất cả mọi người khác. Nói cách khác,
đây chính là Thiên Đàng mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người hãy cố gắng qua cửa hẹp
mà vào. Và đó cũng là mục đích và lý tưởng cho mỗi người Kitô hữu chúng ta đi tới.
Kính thưa ÔNG BÀ ANH CHị EM, niềm vui, sự
hãnh diện luôn đi liền với bổn phận và trách nhiệm. Vì thế, để niềm vui ở trên
được trọn vẹn và viên mãn, tôi xin được chia sẻ hai chữ thôi đó là TIN và YÊU.
1.
TIN: có nghĩa là “sự
tự tin” “sự tin tưởng”, sự “tín nhiệm”. Đó là nghĩa thông thường, tự nhiên. Còn
một nghĩa cao hơn, đó là chữ “TIN trong Đức tin” nghĩa là “phó thác hoàn toàn
vào Chúa”. Xin nhớ rằng đây là một hồng ân nhưng không của Chúa. Điều tôi muốn
nói ở đây, là cả hai nghĩa của từ ‘TIN” này nó có liên quan mật thiết với nhau.
Nói cách khác, nó luôn đi liền với nhau. Chẳng hạn, trong cuộc sống thường ngày
của ÔNG BÀ ANH CHị EM ở ngoài xã hội, chúng ta vẫn lấy chữ “TÍN” làm đầu. Bởi
vì đó chính là tiêu chuẩn, để con người có thể đến với nhau, để giao lưu trao đổi
buôn bán, ký nhận các hợp đồng. Nếu chúng ta gian dối, lừa lọc thì mọi người
không còn tin chúng ta nữa. Bởi lẽ “một
lần bất tín thì vạn lần bất tin”.
Đời sống Kitô hữu của mỗi người chúng ta
cũng thế, nếu mình không tập sống chữ “TÍN’,
không tập sống thật thà, chân thành với mọi người bất kể họ có cùng niềm
tin hay không? Thì khó có thể sống “đức tin’ của người Kitô hữu một cách đúng
nghĩa. Nghĩa là phải tự tin, can đảm sống những gì mình tin. Dĩ nhiên, cần phải
có ơn Chúa giúp sức. Do đó, Tin Mừng ngày hôm nay, CGS đã nhấn mạnh: Anh em hãy tin vào Thiên Chúa, và tin vào
Ngài. Nghĩa là đừng có tin ai khác ngoài Thiên Chúa và Đức Giêsu. Bởi vì, với
xã hội ngày hôm nay, chúng ta dễ dàng bị cuốn hút bởi những ông thần khác như
Tiền tài, danh vọng và quyền lực. Nhiều khi chúng ta xem chúng không phải là
phương tiện nhưng là ông chủ, là thần hộ mệnh cho cuộc đời của chúng ta mà quên
rằng chính Thiên Chúa mới chính là ông chủ
đích thực của mỗi người chúng ta. Vì Ngài làm chủ sự sống của chúng ta.
Nhưng để đến được với Chúa Cha thì chúng ta phải đến với Chúa Giêsu trước. Bởi
vì “Ngài là con đường, là sự thật và là
sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài”. Chúa Giêsu nói Ngài chính là con đường. Nghĩa là Ngài
đã nhập thể và trở nên người phàm như chúng ta, với mục đích là để chúng ta ở với
Ngài, chúng ta sẽ thấy được Chúa Cha. Sự thật là Ngài đã đi hết con đường của
Ngài, con đường của thập giá, hy sinh và cuối cùng đã chết ô nhục trên thập giá
vì yêu thương. Như thế qua thập giá và sự chết, chúng ta sẽ chinh phục được sự
thật của chính mình và sẽ đạt tới sự sống.
Nói cách khác, khi chúng ta chấp nhận hoàn
cảnh của chính chúng ta và chỉ khi nào chúng ta chấp nhận vác thập giá của mình
thì lúc đó chúng ta sẽ vượt qua được. Bởi vì, Chúa Giêsu đã nói rằng ơn Ta đủ
cho con. Chúng ta hãy tin tưởng điều đó, bởi vì không bao giờ Chúa cho thập giá
vượt quá sức chúng ta đâu. Vậy hãy chấp nhận, và vui vẻ đón nhận thập giá của
mình. Chiara Lubich đã cảm nghiệm rằng: thập giá sẽ nặng nề nếu ta tìm cách trốn
tránh, ngược lại sẽ nhẹ nhàng nếu ta chấp nhận vác lấy. Hãy sống chân thành với
chính mình, cũng như với người khác, cũng đừng gian dối, bởi vì Nước Trời chỉ
dành cho những ai sống chân thành, có thì nói có không thì nói không.
Kính thưa ÔNG BÀ ANH CHị EM, nói thì dễ lắm
nhưng làm mới là quan trọng. Thánh Giacôbê đã khẳng định: “Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Chính vì thế, khi đã TIN
thì cũng phải YÊU.
2.
YÊU: Với từ này cũng
rất nhiều nghĩa. Ở cuộc sống hằng ngày, có lẽ ÔNG BÀ ANH CHị EM đã cảm nhận điều
này trong gia đình của mình, hay ở nơi chúng ta làm việc. Nếu mình không yêu
thì làm gì cũng hỏng, cũng thất bại. Ca dao đã ví von: Yêu nhau mấy núi cũng
leo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Hay là “Yêu nhau củ ấu cũng tròn,
ghét nhau thì quả bồ hòn cũng méo”. Nhưng chữ “Yêu” ở đây cũng có nghĩa là sự tự
hiến, hy sinh tính mạng vì người khác. Một tình yêu AGAPE mà Chúa Giêsu là nhân
chứng đích thức của loại tình yêu này.
Chúng ta phải sống điều này như thế nào?
Như đã nói, khi đã tin thì cũng phải Yêu. Nói cách khác, khi đã tin rồi, ta dễ
dàng hành động và làm những gì để thể hiện niềm tin ấy. Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu cũng đã nói rất rõ ràng: “Thầy bảo
thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy
làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha”.
Những việc Chúa Giêsu đã làm là sống cùng,
sống với và sống cho con người. Thật vậy, Tin Mừng đã ghi lại việc Chúa Giêsu
cho người mù sáng mắt, kẻ điếc được nghe, người què đi được, kẻ chết sống lại
và nhiều phép lạ khác. Có điều là sau những phép lạ ấy, Ngài đều nói: “Đức
tin con đã cứu con”. Nói cách khác là phép lạ chỉ xảy ra khi có sự cộng
tác của con người. Tất cả những gì CGS làm là phục vụ cho con người và cứu độ
con người.
Trong bài đọc 1 mà ÔNG BÀ ANH CHị EM vừa
nghe, sách Công vụ kể lại việc tuyển chọn Bảy Người cũng với mục đích là PHỤC VỤ.
Sách kể ra hai kiểu phục vụ: Kiểu phục vụ của bảy người được chọn chính là
chuyên lo cầu nguyện, và phục vụ Lời Chúa. Còn có kiểu phục vụ của những bà góa
là “phân phát lương thực”. Nói nôm na là lo việc hậu cần, nội trợ. Điều này có
ý nghĩa là mỗi người trong sống gia đình Giáo Hội, ai cũng có việc cho mình. Ai
cũng thi hành ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo tùy theo bậc sống
của mình. Tất cả có chung một điểm đó là phục vụ vì Giáo Hội, vì Chúa Kitô. Nói
sâu xa hơn, ai cũng có thể nên thánh tùy theo bậc sống của mình. Hãy chu toàn bổn
phận và sứ mệnh của mình.
Kính thưa ÔNG BÀ ANH CHị EM, lắng nghe lời
Chúa hôm nay, ước mong mỗi người luôn nhớ và ý thức mình là Kitô hữu. Và luôn
hãy tạ ơn về điều đó. Tạ ơn không chưa đủ, mà còn phải thực hiện sứ mệnh của một
người Kitô hữu, đó là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế: tức là rao giảng, thánh hóa
và lãnh đạo, tùy theo bậc sống của mình.
Để làm việc này, hãy bắt đầu ở chính mình. Xin hãy dành ra ít phút mỗi tối,
xét mình và đọc vài kinh với tâm tình tạ ơn Chúa qua một ngày sống. Có thể, cả
gia đình cùng đọc kinh chung với nhau mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, và sau khi
thức dậy. Tôi nghĩ đây là cách thức mình sống đức tin hay nhất, đồng thời đây
cũng là cách để nuôi dưỡng đức tin và làm cho đức tin của mỗi người trong gia
đình được lớn lên. Từ đó, mỗi người dễ dàng phục vụ lẫn nhau, và dĩ nhiên hạnh
phúc sẽ đến trong gia đình của mình. Cầu chúc ÔNG BÀ ANH CHị EM luôn phó thác
cuộc đời mình trong tay Chúa, đó là chữ “TIN’, đồng thời cố gắng phục vụ tha
nhân với lòng yêu mến Chúa, đó là chữ “YÊU”.
Lạy Chúa, xin ban thêm
đức tin cho cộng đoàn giáo xứ chúng con, để mỗi người trong giáo xứ càng ngày
càng lớn lên trong đức tin, đức cậy và đức mến. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét