CHÚA NHẬT II PHỤC SINH A

Chúa nhật II phục sinh Năm A

Kinh thưa cộng đoàn phụng vụ!
Lời Chúa của 3 bài đọc sách thánh hôm nay nói với chúng ta về đức tin. Thật vậy, không 1 ai có thể chứng kiến giây phút Đức Kitô, Chúa chúng ta phục sinh nhưng với đức tin từ thời các tín hữu tiên khởi (nơi bài đọc1 trích sách Tđcv) cho đến hôm nay và mãi đến hậu thế, chúng ta đã và sẽ trở thành những chứng nhân cho Chúa Kitô phục sinh. Đức tin là bảo chứng (được nói tới nơi bài đọc 2 trích sách Kh) cho niềm hy vọng của người Kitô hữu.
Cả bốn sách Tin mừng đều thuật lại những lần Chúa hiện ra với những cá nhân: M. Mađalena hay  2 môn đệ trên đường Emmaus nhưng những cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh với nhóm mười một có tầm quan trọng đặc biệt hơn, bởi vì Chúa muốn họ trở thành những chứng nhân niềm tin, chứng nhân mắt thấy tai nghe về Người, để họ sẽ loan báo Tin mừng ấy cho muôn dân.
1/ Tin mừng hôm nay thánh Ga ghi nhận rằng khi Chúa hiện ra với nhóm mười một thì Tôma “không ở với” các ông. Có lẽ Tôma về quê, giống như 2 môn đệ trên đường về Emmaus, vì quá thất vọng, quá đau khổ và vỡ mộng, bởi Đức Giêsu, Thầy của mình đã bị đóng đinh tủi nhục trên thập giá. Thế rồi, Tôma đã về lại với các bạn.
Chúng ta có thể hình dung được sự mừng rỡ của các Tông đồ kia khi gặp lại người anh em và họ đã nhanh nhẩu khoe với Tôma rằng : “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. 
Đối với Tôma, không khí ảm đạm, u buồn và tuyệt vọng của chiều ngày thứ Sáu như mới hôm qua vậy mà giờ đây, các Tông đồ lại báo tin “Chúng tôi đã được thấy Chúa”. Có lẽ chính trong sự đau buồn về cái chết thảm thương của Thầy mà Tôma đã thốt ra những lời xem ra đầy sự hoài nghi : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi chẳng tin”. 
2/ Trước sự hoài nghi của Tôma, Chúa đã đối xử với ông như thế nào? “Tám ngày sau”, Chúa lại hiện ra với các môn đệ, đương nhiên là có cả Tôma. Lần này thì Chúa nói riêng với một mình Tôma thôi : “Tôma, con hãy đặt ngón tay con vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Chớ cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Chúa không một lời trách cứ, chỉ động viên và củng cố niềm tin của Ong. Lời đáp trả của Tôma trước Đức Kitô Phục sinh là “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Lời tuyên xưng niềm tin của riêng Tôma như là kiểu mẫu cho mỗi người Kitô hữu chúng ta bắt chước noi theo. Đối với tôi, Đức Kitô là ai?
Ông bà anh chị em thân mến!
Đức tin của mỗi người chúng ta là hồng ân Chúa ban mà chúng ta đã nhận lãnh trong ngày Rửa tội. Đức tin đó phải được sống trong cộng đoàn giáo xứ, phải hiệp thông với Giáo Hội. Vì thế, lát nữa đây, trong kinh Tin Kính, bên cạnh việc tuyên xưng “Tôi tin”, chúng ta còn tuyên xưng “Chúng tôi tin”, như là một hành vi vừa bản thân, đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn…”(Tự sắc Năm Đức tin, số 10).
Một đức tin trọn vẹn nơi chúng ta phải được thể hiện dưới hai chiều kích: cá nhân và cộng đoàn. Nếu chỉ có “Tôi tin” mà thôi, đức tin của tôi dễ bị khiếm khuyết, lầm lạc. Nếu chỉ dùng lại ở “Chúng tôi tin”, đức tin ấy sẽ mang tính cơ hội, phong trào. Lời của ĐTC Benedicto XVI dạy chúng ta: “Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng đức tin là một điều riêng tư, không ăn nhập gì tới đời sống cộng đoàn. Tin là chúng ta quyết định đứng về phía Thiên Chúa, về sự thật và sống cho Ngài, vì thế chúng ta cũng có trách nhiệm về những gì chúng ta tin đối với cộng đoàn, với xã hội.  (Tự sắc Cánh Cửa Đức Tin, số 10)
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mỗi người trong giáo xứ chúng ta biết ý thức được 2 chiều kích quan trọng của đức tin để chúng ta cố gắng làm cho đức tin của mình lớn lên và vững mạnh trong môi trường giáo xứ ngõ hầu nâng đỡ niềm tin của những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống thường nhật.
Tôi xin mượn lời của Đức Cố Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận để kết thúc bài chia sẻ: “Hãy có một đức tin sắt đá, con sẽ làm được tất cả, vì mỗi lần Chúa làm phép lạ, Người hỏi con có tin không. Đức tin con làm cho con được lành” (Đường hy vọng, số 278)
Kính mời ông bà, anh chị em tuyên xưng đức tin.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét