CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN A



CHÚA NHẬT XIV – TN A
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 18-23; Mt 11, 25-30
Cộng đoàn phụng vụ thân mến!
Để giúp chúng ta sống tốt, sống an vui hạnh phúc ở đời này hầu đạt được hạnh phúc đời sau. Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy chúng ta về đời sống đức tin, về đời sống siêu nhiên mà còn dạy chúng ta cách sống nhân bản. Trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta học nơi Ngài 2 nhân đức nhân bản, Ngài nói: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường”(Mt 11,29). Điều này đã được nói đến từ thời Cựu Ước, trong bài đọc 1, tiên tri Dacaria loan báo cho dân thành Giêrusalem biết : Đấng Messia không đến trong quyền uy với võ khí hủy diệt, nhưng đến với một thứ võ khí đặc biệt đó là “hiền lành và khiêm nhường”. 2 nhân đức mà Chúa Giêsu dạy chúng ta hôm nay được viết nên bằng chính đời sống của Chúa.
1.      Trước tiên chúng ta cùng nhìn vào Chúa để học nhân đức Hiền lành
Hiền lành chính là sự yêu thương tha thứ và nhường nhịn. Hiền lành bao gồm tâm thế bên trong là luôn hoà nhã, yêu thương, nghĩ tốt về người khác; còn bên ngoài thì nhẹ nhàng, tôn trọng.
Sự hiền lành của Chúa thể hiện qua việc yêu thương người khác, đặc biệt là những người bé mọn. Chúa luôn muốn và làm điều tốt cho mọi người. Chúa không lên án, không thành kiến với những người mà xã hội coi là xấu xa, tội lỗi. Như việc Ngài đồng bàn và trọ lại nhà Gia kêu, một người thu thuế tội lỗi. Chúa hiền lành không nặng lời, không kết án. Ngài nói trong dụ ngôn Người phụ nữ ngoại tình :“Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8,1-11). Trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15,4-7), Chúa không hề đánh đập, giận dữ hay quát tháo, mà lại yêu thương tìm và vát chiên lên vai. Có rất nhiều dụ ngôn nói về sự hiền lành của Chúa.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta sống tinh thần hiền lành theo gương Chúa như thế, cuộc sống chúng ta sẽ không còn hận thù, ghen ghét, cãi vã mà thay vào đó là sự yêu thương. Và trên hết là chúng ta sẽ đạt được nước Trời. Vì Chúa hứa “Phúc thay ai hiền lành vì Nước trời là của họ”.
Thế nhưng để sống hiền lành, đòi hỏi chúng ta phải tập luyện thường xuyên. Thánh Phanxicô Salêsiô là một người nóng nảy, sau một thời gian dài luyện tập, đã trở nên một vị Giám mục hiền lành. Chuyện kể rằng : Ngày kia, có một người đang tức giận đối với ngài. Ông ta xua bày chó sang tòa Giám mục để chúng sủa vang. Còn ông ta và đám gia nhân thì bước vào phòng ngài và chửi bới om xòm. Chính ông ta đã nhổ nước miếng vào mặt ngài. Thế nhưng, ngài vẫn yên lặng, bình tĩnh rút khăn ra lau. Chính thái độ hiền hòa khả ái này đã cảm hóa được ông ta, khiến ông ta sám hối và quay trở về cùng Chúa.
Sự hiền lành của Thánh nhân đã lôi kéo được nhiều người lạc giáo trở về với Giáo hội, chính ngài đã nói lên kinh nghiệm của mình : “Tất cả đều được chinh phục bởi dịu hiền, chứ không phải bạo lực”. Đấy cũng là lời nhắn nhủ gởi đến mỗi người chúng ta.
Cộng đoàn thân mến!
2.      Tiếp đến chúng ta cùng học nơi Chúa Giêsu nhân đức Khiêm nhường
Người khiêm nhường là người sống đơn sơ phó thác cho Thiên Chúa, là người sống trong sự thật. Đây là điều mà Thánh Phaolô nhắn nhủ với dân thành Rôma trong Bài đọc 2 : “Nếu anh em sống theo thần khí của sự thật, anh em sẽ diệt trừ hành vi ích kỷ nơi con người anh em, và anh em sẽ được sống”.  
Nhân đức khiêm nhường là một nhân đức cao cả nhất để chống lại sự kêu ngạo. Mẹ Têrêxa nói : “Nếu biết sống khiêm nhường, thì không gì có thể làm ta thay đổi, dù lời khen, lời chê. Ai chỉ trích không làm ta nản lòng. Ai khen tụng ko làm ta tự mãn”.
Chúng ta cùng nhìn lên Chúa Giêsu trên Thánh giá trước mặt chúng ta kia. Cây Thánh giá kia chính là dấu ấn về đức Khiêm nhường của Chúa. Chúa đã khiêm nhường đến nỗi Ngài là Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống với loài người chúng ta, Ngài khiêm nhường tuyệt đối để rồi chết trên thánh giá. Và “khiêm nhường” chính là di chúc mà Chúa muốn để lại cho mỗi người chúng ta. Trong giờ phút từ biệt các môn đệ, để ra đi chịu chết, Chúa đã không ngần ngại hạ mình và quì xuống rửa chân cho các môn đệ, để nêu gương khiêm nhường, Con người đến không phải để được hầu hạ, nhưng đến để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Nhân đức “khiêm nhường” mà Chúa muốn dạy mỗi người chúng ta cốt ở hạ mình trở nên bé nhỏ sống phó thác cho Thiên Chúa; trở nên bé nhỏ để thấy được và tới gần những người khó khăn, vất vả, nghèo hèn mà phục vụ qua việc nâng đỡ và sẻ chia với họ. Chúng ta đừng sợ mình bị thiệt khi sống như vậy. Vì Chúa luôn bên vực những người khiêm nhường. Thánh Luca nói : “Chúa dơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 51-52).
Cộng đoàn phụng vụ thân mến!
Thế nhưng, Trong cuộc sống thời đại ngày nay sống 2 nhân đức này theo tinh thần của Chúa đòi hỏi chúng ta phải nổ lực rất nhiều, đôi khi phải bị thua thiệt. Vì chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi một xã hội mà sự khiêm nhường và hiền lành là điều xem ra khó tìm thấy và tình yêu dường như đã bị bóp nghẹt. Đó là một xã hội mà danh vọng và quyền lực đã chi phối mọi hoạt động con người. Một xã hội mà truyền thanh, truyền hình luôn nêu lên bạo lực, hận thù. Điều đó đã ảnh hưởng đến con người rất nhiều, dễ đưa xã hội đến hướng hận thù, ganh ghét, đề cao sự ích kỷ và tham lam.
Là con cái Chúa, chúng ta luôn dùng tấm gương sáng của Chúa mời gọi hôm nay, để chiếu vào cuộc sống mỗi ngày, hầu chúng ta có thể loại bỏ tất cả những gì là đen tối, lội lỗi; mà huệ lụy của nó chính là nóng nảy, kêu ngạo, ích kỷ. Đồng thời chúng ta cầu xin ơn Chúa nâng đỡ thêm cho chúng ta.
Lạy Chúa, chút nữa đây chúng con được rước Chúa vào lòng, xin Chúa trở nên nguồn sức mạnh cho chúng con, để chúng con có đầy đủ nghị lực, đầy đủ tinh thần để chúng con sống lời Chúa mời gọi hôm nay là “hiền lành và khiêm nhường”. Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét