CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A

CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN A


Hc 27, 30-28,7              Rm 14, 7-9                    Mt 18,21-35
Kính thưa quý ông bà và anh chị em
Phụng vụ Lời Chúa, Chúa nhật 23 tuần vừa qua đã cho chúng ta một cái nhìn về lòng bao dung của Đức Giêsu, khi Ngài mời gọi các tín hữu đừng để bất cứ người anh em nào phải lạc mất, nhưng hãy tìm cách sữa lỗi cho họ bằng hết tình yêu thương và sự tế nhị.
Còn Phụng vụ Lời Chúa hôm nay dẫn dắt chúng ta tiếp cận vào nền tảng của giáo huấn Kitô giáo, là kim chỉ nam và là lẽ sống cho cuộc đời mình. Ngoài giới của luật yêu thương “mến Chúa yêu người”, không có một đòi hỏi gay gắt nào khác cho bằng đòi hỏi mà Chúa Giêsu thường xuyên mời gọi chúng ta phải luôn thực hành trong cuộc sống thường ngày. Đó là “các con hãy tha thứ cho nhau, như Thầy đã tha thứ cho các con”.
Trong cuộc sống thường ngày, những đụng chạm, trái ý, hiểu lầm cũng có thể là những nguyên nhân đưa đến cuộc “chiến tranh lạnh”, thậm chí là đưa đến xô sát, mà không có hồi kết. Phải chăng lúc này, sự tha thứ như là một hành động có giá trị thực tế, hơn là những lời nói suông?
Vào năm 1980, một tên sát nhân đã bị kết án tử hình ở nước Mỹ. Người anh của hắn vốn là một người được tiểu bang mang ơn rất sâu đậm, vì những việc làm phục vụ trước đó. Anh ta đến cầu xin thống đốc tha thứ cho người em của mình. Lệnh tha được ban ra, và người anh đã vui mừng với lệnh tha bỏ trong túi áo đi vào tù gặp em của mình. Anh ta nói:
-         Em sẽ làm gì sau khi ra khỏi tù?
-         Điều đầu tiên em làm là đi tóm cổ ông quan tòa đã xử em và giết hắn. Kế đến em sẽ tóm cổ tên nhân chứng và thủ tiêu hắn!
Nghe những lời ấy xong, người anh đứng dậy, vẻ mặt rủ buồn bước ra khỏi nhà tù với lệnh tha còn trong túi áo.
Kính thưa quý ÔBACE.
“Tha thứ” nói thì rất dễ, nhưng để thực hiện được lại là một việc rất khó. Làm sao mà tha thứ được khi người đó đã hại ta? Người đó đã muốn loại ta ra khỏi cuộc đời? người đó đã bao phen làm cho ta thân bại danh liệt, nhà ta cửa nát? Thật khó thưa quý ÔBACE! Tuy nhiên, Lời Chúa vẫn luôn vang vọng mời gọi chúng ta là hãy tha thứ, vì nếu ai báo thù thì sẽ chuốc lấy sự báo thù của Thiên Chúa; Và nếu cứ nuôi lòng oán thù thì làm sao dám xin Chúa tha thứ cho mình được! Nhưng nếu biết tha thứ thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nhậm lời. đó là lời giáo huấn mà tác giả sách Huấn ca trong Bài đọc I đã cho chúng ta biết. Còn Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma, Ngài cũng đã khuyên nhủ các tín hữu đừng quá chú tâm vào bản thân, nhưng hãy qui hướng về Đức Kitô dù sống hay chết, vì Ngài là Đấng từ bi và hay thương xót, chậm giận, nhưng giàu tình thương.
Còn trong bài Tin mừng, Thánh Matthêu đã cho thấy hành động tha thứ được bộc lộ cách rõ nét và sâu xa của Thiên Chúa, được thể hiện nơi ĐGS, khi Ngài không chỉ thuận theo ý tưởng hào phóng của Phêrô là “tha đến bảy lần”, mà Ngài còn đi xa hơn nữa trong sự tha thứ “Không phải bảy lần, nhưng bảy mươi lần bảy”, một sự tha thứ không giới hạn, không tính toán. Sự tha thứ ấy được được rõ nét hơn khi Ngài quảng diễn bằng dụ ngôn đầy tình thương của một vị vua tha cho một đầy tớ, nợ nhà vua 10 ngàn yến vàng. Nhưng để được sự khoan hồng tha thứ ấy, thì buộc y cũng phải biết tha cho anh em mình. Tuy nhiên, y đã không làm như điều nhà vua mong đợi, nhưng ngược lại, chẳng những y không tha thứ cho người bạn của y chỉ nợ y 100 quan tiền, mà còn tống bạn của y vào ngục nữa! Vì thế, y phải chịu sự trừng phạt: “Ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin Ta. Tại sao ngươi lại không biết thương xót và tha thứ cho anh em ngươi?”
Kính thưa Quý ÔBACE!
Nếu cứ sự mà câu nệ vào lề luật “mắt đền mắt, răng đền răng” thì đó sẽ là điệp khúc lặp đi lặp lại liên hồi “oan oan tương báo”. Việc Chúa Giêsu đòi hỏi tha thứ, tha hoài, tha mãi, tha vô điều kiện, tha không tính toán là điều rất phải lẽ! Vì Ngài đã không dừng lại ở việc tạm quên những tổn thương do người khác gây ra, nhưng xa hơn, Ngài đòi hỏi ta là phải xóa hết, tẩy hết mọi oán hờn ghen ghét, phải yêu thương và làm điều tốt cho người đó nữa.
Lời trách cứ tên đầy tớ gian ác trên, có thể cũng đang là lời Chúa tra vấn lương tâm chúng ta. Vì vậy, “tha thứ” là điều kiện để chúng ta được hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa. Hành động tha thứ phải được thể hiện ngay trong gia đình: vợ chồng con cái, để tránh những đổ vỡ đáng tiếc; Ngay trong làng xóm để tránh sự thù hằn ghét bỏ; Ngay trong đời sống cộng đoàn, để tránh sự hơn thua ganh tị. Một cái nhìn thiện cảm, một lời chào trân trọng, một cái gật đầu hay một cử chỉ bắt tay thân tình như là dấu chỉ của hành động tha thứ. Và hành động ấy, sẽ được thực hiện ngay trong thánh lễ này, qua nghi thức chúc bình an, để mọi thù hằn ghen ghét sẽ được tẩy xóa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lấy lòng quãng đại mà tha thứ cho anh em mình, để rồi khi chúng con thưa lên lời kinh mà Chúa đã dạy chúng con, chúng con không cảm thấy hổ thẹn và bất xứng: “Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho lẻ có nợ chúng con”.
Amen!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét