LỄ PHỤC SINH A



Lễ Phục Sinh
Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9
Chúa đã sống lại thật rồi all.all.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em, thiếu nhi chúng con thân mến!
Tối hôm qua chúng ta cùng nhau cử hành đêm canh thức vượt qua, đêm được gọi là mẹ của mọi đêm canh thức, đêm Chúa truyền phải giữ, phải canh thức để chờ Chúa Phục sinh. Vậy thì phục sinh là gì? Ai đã chứng kiến điều này? Và ta có được phục sinh như Ngài không? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu 3 ý tưởng trong ngày đại lễ hôm nay.
1.                 Phục sinh là gì? Hay sống lại là gì? hiểu cách nôm na sống lại là linh hồn hiệp nhất lại với thân xác (x. Ed 37). Vậy thì sự sống lại của Chúa Giêsu có khác gì với cuộc sống lại mà Ngài đã cho không: {chẳng hạn như người thanh niên thành Naim (Lc 7,11); con gái ông Jairô (Mc 5,22); hay của Lazarô (Ga 11,1)}. Thưa sự sống lại của Chúa Giêsu, Ngài sống lại và xuất hiện cách tỏ tường nhưng cũng đồng thời vượt không gian và thời gian mà các bài đọc trong ngày lễ hôm nay và các ngày lễ trong tuần minh chứng cho chúng ta điều đó.
2.                 Ai đã chứng minh việc Chúa sống lại?
Dựa vào lời Chúa ta thấy người chứng đầu tiên đó là Maria Mađalena, khi thấy ngôi mộ mở toang, đã khiến cho bà phải hốt hoảng. Bà tức tốc chạy về báo tin cho các Tông đồ. Theo cách hiểu của bà, thì việc xác Chúa không còn trong mộ nữa, đơn giản là vì “người ta đã đánh cắp Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). Một cái nhìn bộc trực của người phụ nữ này, nên bà khóc thương Chúa / Chúa hỏi? sao bà khóc? Bà tìm ai? Bà tưởng là người làm vườn, liền nói, nếu ông đem Người đi thì nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, để tôi đem Người về, một sự năn nỉ và cầu may nhưng Chúa gọi bà: Maria! Bà liền nhận ra Chúa, bà đã gọi Ngài bằng tiếng Hipri ‘Rapbuni’ nghĩa là lạy Thầy.
Kế đến Chúa hiện ra với các môn đệ, trong căn phòng đóng kín cửa vì sợ. Khi họ nghe những người phụ nữ từ mồ Chúa trở về loan báo rằng / xác Chúa không còn trong mộ nữa, họ đã không khỏi ngạc nhiên, bán tín, bán nghi. Phêrô, một con người cương trực, với vai trò là thủ lãnh các Tông Đồ, ông đã chạy ra mộ, nhưng khi thấy sự việc xảy ra, ông cũng không đưa ra một lời nhận xét nào. Và Tin Mừng ghi lại: “Trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9).
Chỉ có Gioan, là người duy nhất “đã thấy và đã tin” (Ga 20,8). Sở dĩ Tông Đồ Gioan có thể “thấy và tin được” bởi vì ông đã có những cảm nghiệm sâu sắc về Thầy mình và đã ra khỏi mình và luôn sống trong mối tình hiệp thông sâu xa với Chúa. 
3.                 Người tín hữu có được phục sinh với Chúa không?
 Đối với người Kitô hữu chúng ta, Phục Sinh là một biến cố vô cùng quan trọng nếu không nói là quan trọng vào bậc nhất. Bởi vì theo lời Thánh Phaolô: Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi thật trống rỗng và niềm tin của anh em trở thành một việc luống công vô ích. (x.1Cr 15,14-19). Thế mà biến cố quan trọng ấy lại duy chỉ Tin Mừng Gioan ghi nhận bằng một sự kiện đơn giản: “Ngôi mộ trống”. Đó là niềm tin Phục Sinh qua những chặng đường khám phá. “Nếu ta kiên tâm chịu đựng ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2, 12).Dù đã được học hỏi về Đức Kitô, được nghe giảng Lời Chúa, được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của ông bà cha mẹ truyền lại… nhưng những điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với Đức Tin của chính mình. Nhưng mỗi người hãy tín thác vào Lời Chúa hứa “Ai tin thì không phải chết nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3, 16). Hay trong thư Phaolô đã nói: “cùng với Đức Kitô, Ngài đã phục sinh chúng ta” (Ep 2,4-6; Rm 5, 8; Cl 2,13).
Kính thưa quí ông bà và anh chị em, vài ý tưởng mà chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu trong ngày đại lễ hôm nay giúp ta rút ra bài học gì đây để sống trong đời sống đức tin của mình? Với cánh cửa của năm thánh đức tin đã khép lại chúng ta hãy chất vấn lương tâm về đức tin của mình xem? Mối tương quan của tôi với Chúa như thế nào? Đó là bổn phận của tôi cũng như anh chị em trước mặt Chúa.
Có nhiều lúc, đức tin của chúng ta như chìm vào đêm tối, chúng ta nửa tin, nửa ngờ; giống các môn đệ trong thời điểm sau biến cố tử nạn của Chúa Giêsu. Một mặt, chúng ta biết rằng, niềm tin vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho chúng ta cuộc sống an bình, hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta lại phải đối diện với những thực tại mà xem ra không trùng hợp bao nhiêu với những điều mà đức tin dạy bảo chúng ta.
Mừng lễ Phục Sinh hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đau yếu, (bởi cơn đau đến họ không còn tin Chúa nữa và họ đã kêu trách Chúa, nếu lúc này không có sự nâng đỡ động viên của người thân thì họ sẽ dễ mất đức tin lắm) và mời gọi họ hãy biết đón nhận những biến cố xảy đến trong cuộc đời bằng đôi mắt Đức Tin và bằng sự cảm nghiệm của con tim sao cho phù hợp với niềm tin mà chúng ta đã đón nhận.
Lạy Chúa, Chúa đã sống lại thật. Điều đó mang lại cho chúng con niềm vui và hy vọng. Vui vì Chúa đã thực sự chiến thắng tử thần... Hy vọng vì, Ngài đã vinh hiển tiến vào thiên quốc, đến lượt chúng con cũng vậy, nếu con được cùng chết với Người thì con cũng sẽ được phục sinh với Người. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét