CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A



CHÚA NHẬT XX TN A

(Is 56,1.6-7; Rm11,13-15.29-32; Mt15,21-28 )

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, chúng ta đã trải qua năm Đức Tin, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng cảm nhận được Đức Tin là gì? Và chúng ta đã sống đức tin đó như thế nào?
Đức tin là một hồng ân Thiên Chúa ban, thế nhưng, để đón nhận hồng ân ấy, chúng ta phải biết ra đi, ra khỏi con người của chúng ta mà dấn bước vào hành trình đức tin, tiến bước trên con đường hy vọng. Hy vọng vào lời hứa ban ơn cứu độ của Chúa. Chính vì tin vào lời hứa mà Apraham đã ra đi theo tiếng gọi của Chúa, từ bỏ những gì quen thuộc, những gì chắc chắn để lao mình vào một tương lai vô định, Đức Chúa phán: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho ngươi”(St 12,1). Nhờ sự ra đi và hy vọng, tin tưởng vào lời hứa của Chúa mà ông được gọi là “cha của những kẻ tin”.
Và hôm nay, trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy được đức tin mạnh mẽ nơi người phụ nữ, xứ Canaan. Thánh sử  Mátthêu cho chúng ta thấy chi tiết nói lên được sự ra đi của bà, bà đã “ở vùng ấy đi ra”, nghĩa là ra khỏi vùng đất bà sinh sống, vùng đất của dân ngoại.
Có một điểm thú vị nơi đoạn Tin Mừng, đó là sự gặp nhau của hai chuyển động ngược chiều. Chúa Giêsu thì đi vào vùng đất dân ngoại, còn bà người Canaan thì từ vùng đất dân ngoại đi ra. Qua đó muốn nói lên điều gì? … qua đó muốn nói lên rằng: Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa luôn đi bước trước, đi đến gặp con người và mời gọi con người đi ra khỏi bản mình để đón nhận hồng ân đức tin ấy.
Hơn nữa, đức tin không phải là một thứ tài sản để mà cất giữ, nhưng phải biết chia sẻ, phải biết sinh lời. Bằng cách nào? … Chúng ta nhận hồng ân đức tin từ Thiên Chúa một cách nhưng không thì hãy cho đi một cách nhưng không.
Tốt hơn nên chia sẻ niềm tin đó cho người khác, cho người chưa nhận biết Chúa. Vì đôi lúc chúng ta không muốn đi đến với những người xa lạ. Chúa Giêsu cũng ưu tiên đi đến với những con chiên lạc nhà It-ra-en. Nhưng khi phục sinh, Ngài đã sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. “Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?" (Rm 10,14-15).
Để đáp lại lời sai đi của Chúa Phục Sinh, thánh Phaolô trước tiên đi đến với người It-ra-en, nhưng họ không đón nhận, nên ngài quay sang rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và trở thành “Tông đồ dân ngoại”.
Nhờ biết chia sẻ, mà muôn dân có được đức tin. Lúc này đây, đức tin không còn bị ngăn cách bởi biên giới lãnh thổ, dân ngoại với Itraen, nhưng nó mang chiều kích phổ quát như tiên tri Isaia đã loan báo về ơn cứu độ trong bài đọc một, không phân biệt ngoại bang, nhưng người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh cùng trở nên tôi tớ của Người. Vì ơn cứ độ của Thiên Chúa đã gần tới, và không phân biệt người lành kẻ dữ, Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45).
Cũng vì thế mà trong bài đọc hai, thánh Phaolô coi trọng chức vụ của mình. Với tư cách là Tông đồ dân ngoại, ngài đã ra sức làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm cho muôn dân vâng phục và yêu mến Danh Thánh, và đã làm cho dân Itraen được tuyển chọn phải ganh tị vì dân ngoại đã được Thiên Chúa xót thương mà ban ơn cứu độ.
Đức tin là hồng ân. Khi đã lãnh nhận, chúng ta đừng giam hãm đức tin mà hãy làm cho đức tin ngày càng lớn lên trong ta và chia sẻ niềm tin ấy cho người khác. Thế nhưng, đức tin của chúng ta không bao giờ là cái gì đã hoàn chỉnh. Mà nó luôn phải sống và thử thách trong cuộc sống, trong đau khổ, cũng như trong những niềm vui lớn mà Chúa trao tặng cho ta. Nó chẳng bao giờ như một đồng tiền mình có thể cầm bỏ túi.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy đức tin bị thử thách nơi người đàn bà có đứa con bị ốm đau của xứ Canaan. Bà ta nài xin Chúa Giêsu dủ lòng thương xót. Sự kêu xin của bà đã làm các môn đệ của Người phải động lòng “vì bà ấy cứ theo sau mà kêu mãi”. Chẳng lẽ Chúa là Đấng hay thương xót lại không động lòng trắc ẩn trước lời kêu xin van nài ấy sao? Nhưng tại sao Chúa lại im lặng trước nỗi thống khổ của con người?...
Ngài không im lặng, Ngài không bỏ mặt con người trong nỗi đau khổ, nhưng Ngài muốn huấn luyện con người trong đau thương thử thách, để đức tin của con người được vững mạnh hơn. Qua những thử thách ấy, Chúa đưa con người đến chỗ vui hưởng hạnh phúc lớn hơn “kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10,22). Và sau khi đi theo nài xin Chúa cũng như trải qua thử thách, lòng tin của bà đã được vững mạnh và nhờ đó mà con gái bà được khỏi bệnh, Chúa đã ban ơn cứu độ.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, qua ba bài đọc hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng đức tin đã vượt qua biên cương lãnh thổ, nhờ có đức tin mà chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa, nhờ sự vâng phục và yêu mến Thánh Danh mà muôn dân được Chúa dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Chúa. Chúng ta đã lãnh nhận đức tin như một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa, thì hãy ra đi mà làm chứng cho đức tin ấy giữa đời sống của chúng ta, để nhà Chúa thành nhà cầu nguyện cho muôn dân chứ không phải dành riêng cho một thành phần nào. Tuy vậy, còn ở cõi đời tạm này, đức tin chúng ta chưa phải là hoàn chỉnh mà luôn bị thử thách nhờ sự thử thách ấy mà đức tin của chúng ta ngày càng lớn mạnh, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ và được Thiên Chúa cho vui hưởng hạnh phúc nơi bàn tiệc Thiên Quốc.
Giờ đây, chúng ta sắp bước vào bàn tiệc Thánh Thể, đây là mầu nhiệm của đức tin. Vì thế, trước khi bước vào bàn tiệc ấy, mọi người chúng ta hãy nhìn lại đức tin của mình và tuyên xưng niềm tin trước mặt cộng đoàn qua kinh Tin Kính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét